Người Trung Quốc bán cổ phiếu, nhà đất vì lỗ

  • www.doanhtri.net
  • 24-05-2022
  • 352 lượt xem
Clawde Yin trong căn nhà tại Thượng Hải. Ảnh: Clawde Yin
 
Kinh tế bất ổn, chứng khoán lao dốc khiến người Trung Quốc rút khỏi các kênh đầu tư để gửi tiền vào ngân hàng.
 
Trong nhiều thập kỷ, cách chắc chắn nhất với các gia đình Trung Quốc để tăng tài sản và đảm bảo tài chính là bỏ phần lớn tiền vào bất động sản và phần còn lại vào chứng khoán. Nhưng giờ đây, kể cả những người dư dả cũng đang giữ tiền mặt, không sẵn sàng thử vận may khi nền kinh tế đang chịu tác động từ Covid-19.
 
Giá nhà tại Trung Quốc giảm từ tháng 9/2021. Cổ phiếu và các quỹ tương hỗ giờ cũng không phải là lựa chọn hấp dẫn. Đầu tư vào tiền số thì bất hợp pháp. Còn thị trường nước ngoài thì khó tiếp cận. Vì thế, mọi người đang ngày càng đổ tiền vào tài khoản tiết kiệm, dù lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục.
 
Harry Kong – một lãnh đạo ngân hàng tại Thượng Hải cho biết lãi chứng khoán của anh tích lũy cả năm ngoái giờ đã mất sạch. Anh hiện cảm thấy bi quan nhất trong 20 năm đầu tư.
 
"Những gì tôi có thể làm năm nay là nằm yên và để tiền vào ngân hàng", Kong nói, "Dù lãi thấp, ít nhất nó cũng an toàn".
 
Kong và những người khác tại Trung Quốc đang sống trong một trong những thời kỳ bất ổn và khó khăn nhất. Lệnh phong tỏa vì đại dịch đang bóp nghẹt các thành phố lớn nhất nước này và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
 
Một số nhà phân tích dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 4% năm nay, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 5,5% của nước này. Cổ phiếu Trung Quốc hiện nằm trong vùng giá xuống. Chỉ số CSI 300 đã giảm 18% năm nay, do chính sách Zero Covid và chiến dịch siết kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân.
 
"Dù bạn có thu nhập cao hay không, thời gian vàng để đầu tư và tăng tài sản đã qua rồi", Wei He – nhà kinh tế học tại Gavekal Research nhận định.
 
"Chẳng có lựa chọn đầu tư nào khác", Clawde Yin (45 tuổi) – một cư dân Thượng Hải cho biết, "Tôi chẳng còn cách nào ngoài chờ đợi và quan sát".
 
Gần 90% tiền tiết kiệm của Yin là nằm trong bất động sản. Phần còn lại là cổ phiếu. Dù thị trường bất động sản thiếu chắc chắn, Yin cho biết anh sẽ không tiếp tục bỏ thêm tiền vào cổ phiếu nữa. Với Yin, cả hai lựa chọn đều dễ tổn thương nếu chính phủ thay đổi chính sách.
 
Tâm lý này khiến tổng tiền tiết kiệm tại các ngân hàng của Trung Quốc cuối tháng 4 lên 109.200 tỷ nhân dân tệ (16.300 tỷ USD). Con số này đã tăng 7% trong 4 tháng đầu năm, cao hơn so với 5,5% cùng kỳ năm ngoái.
 
Vài thập kỷ qua, khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ, việc mua nhà để chờ tăng giá là cách đảm bảo tương lai nhất với người dân Trung Quốc. Hơn 70% tài sản của người Trung Quốc nằm trong bất động sản.
 
Tuy nhiên, quan điểm này đã thay đổi trong năm qua, khi chính phủ Trung Quốc kiềm chế vay nợ và đầu cơ bất động sản. Lĩnh vực này bị xáo trộn bởi hàng loạt vụ vỡ nợ của các đại gia địa ốc, như China Evergrande Group. Niềm tin của nhà đầu tư và giá nhà mới vì thế lao dốc. Tăng trưởng tín dụng bất động sản cũng xuống thấp kỷ lục hồi tháng 3.
 
Việc Bắc Kinh siết đầu cơ bất động sản có thể khiến dòng tiền đổi hướng sang chứng khoán và các tài sản tài chính khác trong dài hạn. Tuy nhiên, việc này chưa thể có tác dụng ngay lên môi trường hiện tại.
 
Một phần nguyên nhân khiến chứng khoán Trung Quốc đi xuống là chính sách "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chiến dịch này sẽ siết kiểm soát một số ngành công nghiệp và người giàu Trung Quốc, nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Động thái trên khiến niềm tin nhà đầu tư giảm sút, có thời điểm thổi bay 1.000 tỷ USD vốn hóa các hãng công nghệ Trung Quốc.
 
Li Ming – chủ một nhà máy giày ở Thái Châu cho biết ngân hàng giờ là nơi an toàn nhất. Anh dự định bán hết các khoản đầu tư hiện tại để dồn vào ngân hàng. "Tài khoản chứng khoán của tôi đã mất 50% năm nay rồi", anh nói, "Tôi không muốn liều lĩnh nữa".
 
Grace Liu (36 tuổi) – nhân viên một công ty đầu tư ở Hồ Bắc – cũng chứng kiến tài sản giảm sút trong vài tháng gần đây. Chứng khoán lao dốc khiến công ty của Liu gặp khó khăn tài chính và không thể trả lương. Cô đã phải rút tiền tiết kiệm để trả nợ mua nhà và sinh hoạt phí. Cô cũng đầu tư chứng khoán và đang cân nhắc rút hết tiền ra vì lỗ.
 
"Giờ tìm đâu ra công cụ đầu tư đáng tin đây?", cô nói, "Tôi đã đổ tiền vào cổ phiếu, và giờ mất hết rồi".
 
Hà Thu (theo Bloomberg)    vnexpress.net

Xem thêm Thế giới