Bảo vệ trẻ em trong môi trường internet

  • www.doanhtri.net
  • 11-06-2017
  • 939 lượt xem

 

Từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý nhất là chương "Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng". Đây là vấn đề xã hội mới giữa bối cảnh nhà nhà đều kết nối internet và sử dụng điện thoại thông minh. Thế nhưng, thực thi điều ấy như thế nào lại là một câu hỏi không đơn giản!

 

Ảnh minh họa

 

Nghị định 56/2017 được ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em, điều 33 định nghĩa "Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em" nêu rõ "là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em".

Như vậy, ngay mùa tổng kết năm học vừa diễn ra, chỉ cần mở Facebook lên là thấy bố mẹ đang vi phạm Luật Trẻ em khi hồn nhiên công bố bằng khen và bảng điểm của con mình một cách rất tự hào! Thử hỏi, bao nhiêu người trong số đó đã được sự đồng ý của các em học sinh đang độ tuổi ngây thơ? Thậm chí, khi tung bằng khen và bảng điểm lên mạng, phụ huynh không hề biết rằng mình vi phạm pháp luật, mà còn cảm thấy rằng mình đang… quảng bá thành tích cho con!

Luật Trẻ em quy định, muốn đưa thông tin, hình ảnh về trẻ em dưới 7 tuổi thì phải được sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ. Còn trường hợp trẻ em từ 7 tuổi trở lên thì phải được sự đồng ý của chính các em.

Trên thực tế, liệu có bố mẹ nào xin phép… con cái khi đưa thông tin, hình ảnh của con cái lên mạng không? Rất hiếm, vì quan niệm cổ hủ, bố mẹ vẫn xem con cái như tài sản sở hữu của mình! Trước những tiện ích của internet, các bậc phụ huynh đôi khi quá hào hứng mà trở thành sơ hở.

Ví dụ, những bức ảnh đứa trẻ không mặc quần áo hoặc những đứa trẻ đang khóc lóc, bố mẹ đưa lên Facebook của mình để xem như một kỷ niệm vui vẻ hoặc để chia sẻ cho người thân vào bấm like, nhưng hậu quả để lại thì không ai đoán được. Mai mốt, đứa trẻ ấy lớn lên mà những tấm ảnh vẫn còn nguyên trên mạng, thì sẽ khiến chúng xấu hổ với bạn bè xung quanh!

Để thực thi "Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng", còn cái khó hơn nữa là biện pháp chế tài. Trẻ em ở độ 7 tuổi không lẽ đi tố cáo bố mẹ xâm hại quyền riêng tư cá nhân? Mặt khác, trẻ em luôn nghe lời bố mẹ, nên thỏa thuận miệng trở thành căn cứ rất mơ hồ khi bố mẹ thoải mái đưa hình ảnh trẻ em lên mạng.

Ở các nước phương Đông, tâm lý chung của các bậc phụ huynh là rất thích khoe khoang về con cái. Nhu cầu và sở thích có vẻ nhân văn, nhưng lại gây ảnh hưởng không thể lường trước cho trẻ em. Bởi lẽ, hình ảnh khiến phụ huynh thích thú chưa hẳn là thứ trẻ em muốn tất cả mọi người đều trông thấy. Điều đó cũng làm cho trẻ em bị ức chế vì nghĩ rằng mình không được tôn trọng!

Ngay khi Luật Trẻ em có hiệu lực, trên mạng lan tràn một "Biên bản thỏa thuận" cũng có tính… pháp lý chỉnh chu của một gia đình ở Bắc Kạn. Nội dung "Biên bản thỏa thuận" được bố mẹ và hai con ký tên, xác định rành mạch rằng "chúng tôi cùng nhau thống nhất: bên trẻ em đồng ý cho bên người lớn thoải mái đăng ảnh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… mà không kiện cáo, thắc mắc và đòi hỏi điều gì. Trong quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn, vướng mắc hai bên sẽ cùng nhau giải quyết trên tinh thần hợp tác". Đành rằng hơi tếu táo đấy, nhưng vẫn đáng để suy ngẫm!

"Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng" trong Luật Trẻ em là một văn bản pháp lý mới mẻ và cần thiết. Thế nhưng, để luật đi vào cuộc sống, cần có sự tuyên truyền và vận động bền bỉ và hiệu quả. Không chỉ bố mẹ và chính trẻ em cũng phải ý thức được quyền riêng tư của mình về thông tin cá nhân! Nếu trẻ em ý thức được quyền riêng tư của mình từ sớm thì khi bước vào đời sẽ ứng xử với cộng đồng theo hướng thượng tôn pháp luật!

Khoản 3 điều 35 trong Nghị định 56/2017 cũng nhấn mạnh: "Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em". Như vậy, cộng đồng cũng có cơ sở để góp tay thực hiện Luật Trẻ em. Khi phát hiện những biểu hiện vi phạm Luật Trẻ em thì ai cũng có quyền yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng gỡ bỏ thông tin, hình ảnh mà không cần văn bản đề nghị của cơ quan chức năng!

Tuy Hòa (Báo CAND)

 

Xem thêm Tin Pháp luật