Xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư FDI có nhiều điểm cần lưu ý

  • www.doanhtri.net
  • 29-06-2019
  • 753 lượt xem
(Chinhphu.vn) – Theo Tổng cục Thống kê-Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó lượt mua vốn góp cổ phần từ nhà đầu tư nước ngoài với giá trị tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. 

Cụ thể, lãnh đạo Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2019 thu hút 1.723 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, tăng 26,1% về số dự án và giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. 

Số lượng các dự án nhỏ tăng mạnh, trong khi giá trị đăng ký giảm. Bên cạnh đó, có 628 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 2,9 tỷ USD, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 10,3 tỷ USD, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2018. 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018. 

Đáng chú ý, trong 6 tháng còn có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,12 tỷ USD, tăng tới 98,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 625 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,48 tỷ USD và 3.395 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,64 tỷ USD.

Trong 6 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt hơn 5,4 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 803,3 triệu USD, chiếm 10,8%; các ngành còn lại đạt hơn 1,1 tỷ USD, chiếm 15,8%. 

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng đạt hơn 8 tỷ USD, chiếm 77,9% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 666,5 triệu USD, chiếm 6,5%; các ngành còn lại đạt 1.617,8 triệu USD, chiếm 15,6%. 

Vấn đề luồng vốn FDI từ Trung Quốc được dư luận quan tâm.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng giá trị góp vốn; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 721,9 triệu USD, chiếm 8,9%…

Bình Dương là địa phương có số vốn đăng ký lớn nhất với 623,2 triệu USD, chiếm 8,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Tây Ninh 599,4 triệu USD, chiếm 8,1%; Bắc Ninh  581,1 triệu USD, chiếm 7,8%...

Cần thống kê chuyên sâu hơn

Trong nửa đầu năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1,6 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 16,7%; Nhật Bản 972 triệu USD, chiếm 13,1%; Hồng Công-Trung Quốc 920,8 triệu USD, chiếm 12,4%...

Trước những băn khoăn về tình hình dịch chuyển đầu tư, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư-TCTK thừa nhận rằng nguồn vốn tăng đột biến từ Trung Quốc là điểm cần lưu ý.  

Cụ thể, riêng  nguồn vốn FDI từ hai thị trường này trong 6 tháng đầu năm đã tăng gần 30% so với cả năm ngoái, và gấp hơn 2 lần năm 2017.

Đồng thời, số dự án và vốn đầu tư đăng ký cấp mới từ Trung Quốc và Hồng Kông-Trung Quốc (thật ra là một) trong 6 tháng cũng tăng gấp đôi. 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, tổng số dự án từ hai thị trường này là 437 dự án với tổng vốn đăng ký là 3,15 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng hút vốn đầu tư là dệt may, da giày, săm lốp ô tô và linh kiện điện tử…

Được biết, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết có hiện tượng người Việt đứng tên cho người nước ngoài, ngành công an coi những giao dịch này là không bình thường, cần nghiên cứu để có đề xuất quản lý chặt chẽ hơn.

Ngoài ra có một số đại biểu Quốc hội khẳng định, việc người Trung Quốc, nhà đầu tư Trung Quốc mua dự án,mua nhà đất ven biển (như ở Nha Trang, Phú Quốc…) đứng tên người Việt là đáng quan ngại.  

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư-TCTK cho hay: Về thông tin luồng đầu tư về bất động sản và ngành gỗ, những dữ liệu cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc thì chúng ta cần phải có dữ liệu điều tra chuyên sâu. “Thời điểm hiện tại TCTK vẫn chưa có thống kê chi tiết về vấn đề này”, ông Phong cho hay.

Về tác động chung tình hình vĩ mô, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý, chiến tranh thương mại có tác động nhiều chiều, một mặt tạo cơ hội Việt Nam thu hút FDI tốt hơn, tạo việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu. Dù vậy, cần hết sức lưu ý chính dòng vốn này cũng khiến Việt Nam đối mặt với các thách thức lớn.

Cụ thể, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào có thể khiến Việt Nam thành cứ điểm hàng hóa để Trung Quốc sản xuất hàng hóa; xuất khẩu hàng hóa đó vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu đi Hoa Kỳ và các nước châu Âu, né thuế. 

Điều này có thể là khiến Việt Nam vi phạm về quy tắc xuất xứ hàng hóa, nếu không cẩn thận có thể bị chống bán phá giá hoặc trợ giá.

Hơn nữa, làn sóng đầu tư FDI này cũng tạo áp lực cạnh tranh tới các doanh nghiệp trong nước. Cần bám sát mục tiêu của Chính phủ là thu hút FDI có chọn lọc, phải gắn với nâng cao năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong nước.

“Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận thương mại tự do FTA với các nước, đặc biệt là hiệp định EVFTA sẽ được ký ngày 30/6 tới đây. Nếu doanh nghiệp Việt không sẵn sàng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng lợi”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

“Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc khó đoán định, thời gian tới tiếp tục có hiện tượng phá giá đồng nhân dân tệ, khi đó Việt Nam xây dựng kịch bản theo dõi, đánh giá cụ thể tình hình”, đại diện TCTK lưu ý. 

Trước đó, tại cuộc họp thường kỳ quý 2/219 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định sẽ làm rõ việc vốn Trung Quốc núp bóng đầu tư vào Việt Nam từ Hồng Kông-Trung Quốc ở một số ngành và lĩnh vực, từ đó có phân tích rủi ro cụ thể hơn. 

Anh Minh

Xem thêm Tài chính