Xây dựng Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc

  • www.doanhtri.net
  • 05-05-2024
  • 234 lượt xem
(ĐCSVN) - TAND tối cao đang dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc.
 
Theo đó, dự thảo Nghị quyết gồm 9 điều. Trong đó, về hình thức đặt cọc, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc đặt cọc theo hướng đặt cọc được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể (khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị quyết). Hướng dẫn này là căn cứ Điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó không quy định bắt buộc việc đặt cọc phải lập thành văn bản.
 
Đây là điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 1995 (khoản 1 Điều 363) và Bộ luật Dân sự năm 2005 (khoản 1 Điều 358) đều quy định: "Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản". Do vậy, theo mục 1 Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình thì việc đặt cọc phải được lập thành văn bản (có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính).
 
Về hiệu lực của đặt cọc, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hiệu lực đối kháng của đặt cọc theo hướng việc đặt cọc có hiệu lực đối kháng kể từ thời điểm bên nhận đặt cọc nhận tài sản đặt cọc. Trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì hợp đồng không giao kết, thực hiện được hoặc vô hiệu thì không đương nhiên làm cho hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu (khoản 2, khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết).
 
 
Về phạt cọc và không phạt cọc, khoản 1, khoản 2 Điều 6 dự thảo Nghị quyết hướng dẫn "Phạt cọc" là thoả thuận của các bên hoặc theo quy định của luật, theo đó nếu bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì ngoài việc phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc còn phải trả cho bên đặt cọc một khoản tiền. Nếu các bên không thỏa thuận phạt cọc thì trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng thì nếu bên đặt cọc yêu cầu, bên nhận đặt cọc vẫn phải trả cho bên đặt cọc một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. Hướng dẫn này làm rõ thế nào là phạt cọc (vì cụm từ phạt cọc chỉ được sử dụng tại Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP mà Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa dùng cụm từ này) và phạt cọc là luật định, các bên không có thỏa thuận mức phạt cọc khác với luật thì vẫn có quyền được nhận phạt cọc một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc.
 
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc, trên cơ sở những vướng mắc của một số Tòa án địa phương đề nghị xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp đặt cọc, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc được thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp bên đặt cọc hoặc bên nhận đặt cọc chỉ yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng hợp đồng đặt cọc vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng có trụ sở quy định tại điểm m khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự…/.
 

Xem thêm Tin Pháp luật