Từ vụ Sabeco: Chuyên gia kiến nghị sửa những điểm yếu cốt tử trong một số Luật để chặn “dòng chảy ngầm” đất công về tay tư nhân giá rẻ.

  • www.doanhtri.net
  • 27-07-2020
  • 870 lượt xem
(Pháp lý) – Nghiên cứu từ thực tế các vụ án, vụ việc đã xảy ra, đặc biệt là qua vụ án gần đây nhất tại Sabeco, cho thấy hiện đang tồn tại rất nhiều kẽ hở pháp luật, kẽ hở quản lý kiểm soát quyền lực. Lấy danh nghĩa kêu gọi hợp tác đầu tư và góp vốn bằng quyền sử dụng đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái vốn nhà nước thông qua chuyển nhượng cổ phần, cùng với sự buông lỏng quản lý, sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích, thiếu công khai minh bạch… là những kẽ hở điển hình giúp nhóm lợi ích “luồn lách” để đất công “ngầm chảy” về tay tư nhân gây thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.
 
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng , TPHCM được chuyển nhượng sai quy định pháp luật khiến hai cựu lãnh đạo Bộ Công Thương và nhiều quan chức TPHCM bị khởi tố
 
Xung quanh vấn đề nóng bỏng, thời sự này, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia pháp luật nhằm ghi nhận lại những kiến nghị của họ, chuyển tới các cơ quan chức năng để có giải pháp cấp bách ngăn chặn .
 
Nhận diện những “chiêu trò” biến đất công về tay tư nhân với giá rẻ
 
Liên tục những vụ thâu tóm đất công bị phanh phui vừa qua cho thấy những chiêu trò “hô biến” đất công thành đất tư. Theo đó, những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có quỹ đất dồi dào thường bắt tay cùng doanh nghiệp tư nhân để thành lập những doanh nghiệp liên doanh (pháp nhân mới) với vốn góp là những khu đất vàng được nhà nước giao quản lý, khai thác và sử dụng. Đồng thời tận dụng chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đất công dần ra khỏi DNNN bằng con đường chuyển nhượng cổ phần lòng vòng thay vì phải qua đấu giá.
 
Điển hình như khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) được sắp xếp giao cho Tổng công ty Sabeco (là DNNN thuộc Bộ Công Thương) để xây dựng trụ sở văn phòng tổng công ty và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng, theo phương án sắp xếp và xử lý nhà đất công. Đây là 1 trong những khu đất được bộ Công Thương và bộ Tài chính đồng ý đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm tháng 12/2006 khi Sabeco thực hiện cổ phần hóa.
 
Các khu đất này đều chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời, dùng cho mục đích sản xuất kinh doanh, Sabeco không được tự ý chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê lại, thế chấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng khi đó là Bộ trưởng Bộ Công thương vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định.
 
Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa ( khi đó là Thứ trưởng) , ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch hội đồng quản trị) ký công văn số 374 kèm theo các văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương đề nghị UBND TPHCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.
 
Từ đó các sở, ngành thuộc UBND TPHCM tham mưu cho ông Nguyễn Hữu Tín ( khi đó là Phó Chủ tịch TP HCM) ký ban hành quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định pháp luật.
 
Kế tiếp, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, sau khi nhận được hai văn bản, nhóm các cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp và đề nghị được mua lại phần vốn góp này. Sau đó, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu ( 26%) trong Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/HĐ-SABECO/2016 với giá bán 13.347 đồng/cổ phiếu, cho chính các cổ đông sáng lập và chỉ thu về được 195 tỷ đồng. Mức giá này được cho là “siêu rẻ” so với giá trị của khu đất vàng. Giới địa ốc cho rằng giá thị trường khu đất này phải đến 6000 tỷ đồng.
 
Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất này.
 
Hay như khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) cũng khiến một phó chủ tịch UBND TPHCM khác là ông Nguyễn Thành Tài bị khởi tố. Khu đất này được xác lập sở hữu Nhà nước vào năm 1994 và giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho bốn công ty của Bộ Công Thương thuê đất, trả tiền hằng năm.
 
Năm 2008, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi nhà đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, bốn doanh nghiệp này nợ tiền thuê, không chịu dời đi và có nhiều văn bản kiến nghị UBND, Thành ủy TPHCM và Bộ Công Thương đề nghị được tạo điều kiện mua chỉ định hoặc tham gia thực hiện dự án.
 
Dù kiến nghị nói trên không được UBND TPHCM đồng ý nhưng ông Nguyễn Thành Tài vẫn ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà làm chủ đầu tư dự án và liên doanh (góp 50% vốn điều lệ), liên kết với bốn công ty đang thuê (góp 50%).
 
Tiếp đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà có công văn gửi UBND TP đề xuất cho sự hình thành tư cách pháp nhân mới (sau này là Công ty Lavenue) theo hình thức công ty cổ phần. Trong pháp nhân mới này bắt đầu xuất hiện thêm các nhà đầu tư mới với sự chấp thuận của ông Nguyễn Thành Tài. Trong đó, công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp cùng Công ty Quản lý Kinh doanh nhà 30% vốn điều lệ; bốn công ty thuộc Bộ Công Thương bán lại 50% còn lại cho công ty Kinh Đô để cấn nợ.
 
Như vậy, Công ty Lavenue có tỷ lệ sở hữu cổ phần của Công ty Quản lý kinh doanh nhà 20%, Công ty Kinh Đô 50%, Công ty Hoa Tháng Năm 30%. Phần vốn góp của tư nhân đã chiếm đa số (80%) trong cơ cấu sở hữu này.
 
Trên đây mới chỉ là một vài ví dụ chứng minh cho việc mang đất công đi góp vốn thành lập doanh nghiệp và chuyển nhượng cổ phần lòng vòng , rồi cuối cùng để đất công về tay tư nhân với giá rẻ.
 
Ngày 10-7, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Huy Hoàng và cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
 
Ngày 12.7, C01 đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố đối với ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm liên quan đến sai phạm về quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP HCM của Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
 
Trước đó, liên quan đến lô “đất vàng” này, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh); ông Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP) cùng 3 người khác tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
 
Nhiều kẽ hở pháp luật và cơ chế
 
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật – Chủ tịch công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, góp vốn kinh doanh bằng tài sản, trong đó bao gồm cả quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định từ lâu. Qua thực tiễn thực thi, chính sách này cũng thể hiện được rất nhiều ưu điểm. Đó là tạo điều kiện cho những cá nhân, doanh nghiệp có quỹ đất nhưng không có tài chính có thể kết hợp với những cá nhân doanh nghiệp có nguồn tài chính dồi dào nhưng lại không có quỹ đất cùng nhau phát triển sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị sử dụng nguồn lực đất đai.
 
Tuy nhiên, đây lại chính là kẽ hở rất lớn để nhóm lợi ích biến đất công về tay của tư nhân với giá rẻ mạt, với chiêu thức phổ biến là qua con đường góp vốn thành lập những doanh nghiệp liên doanh công – tư, rồi thoái vốn bằng cách chuyển nhượng cổ phần…
 
Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, về nguyên tắc đối với các DNNN khi mà đầu tư ra lĩnh vực ngoài ngành, đầu tư sang lĩnh vực khác hoặc thành lập doanh nghiệp đầu tư mới thì phải được cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền phê duyệt. Khi đã được phê duyệt thì DNNN sẽ được mang tài sản tham gia góp vốn liên doanh với đơn vị ngoài nhà nước.
 
Thực tế cũng cho thấy hầu như các DNNN khi đầu tư góp vốn cùng doanh nghiệp tư nhân kể cả doanh nghiệp nước ngoài thì DNNN thường góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất để đổi lấy cổ phần.
 
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu của công ty; tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất… Theo điều 36 Luật Doanh nghiệp, người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Khoản 3 Điều 10, Luật Đất đai quy định: Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một trong những cách thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác. Đồng thời, khoản 1 điều 99 cũng quy định rõ, người nhận góp vốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Như vậy, tài sản là quyền sử dụng đất có thể dùng để góp vốn vào doanh nghiệp, quyền sử dụng đất đó phải chuyển từ người góp vốn sang cho doanh nghiệp và trở thành tài sản của doanh nghiệp, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Điều đáng nói là sau khi thành lập và đi vào hoạt động doanh nghiệp liên doanh này liên tục tăng vốn, trong khi DNNN không còn quỹ đất để góp thêm và dần dần giảm tỉ lệ vốn xuống rồi rút lui vì doanh nghiệp liên doanh liên tục thua lỗ… , Luật sư Thuật phân tích.
 
Bên cạnh đó, khi thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này lại thường xảy ra thất thoát tài sản nhà nước do việc xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Chưa kể đến việc có tình trạng kiểm kê thiếu, không kiểm kê tài sản cố định còn giá trị sử dụng, kiểm kê không đúng diện tích thực tế sử dụng mà căn cứ theo diện tích được giao ban đầu, … làm giảm giá trị doanh nghiệp…
 
Thêm vào đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, có lợi ích nhóm, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu lợi ích riêng cho bản thân và gia đình, họ hàng, tham nhũng. Từ đó, đất công từng bước từng bước … về tay tư nhân với giá rất rẻ gây thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.
 
Khoản 3 Điều 10, Luật Đất đai quy định: Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một trong những cách thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác. Đồng thời, khoản 1 điều 99 cũng quy định rõ, người nhận góp vốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo điều 36 Luật Doanh nghiệp, người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Như vậy, tài sản là quyền sử dụng đất có thể dùng để góp vốn vào doanh nghiệp, quyền sử dụng đất đó phải chuyển từ người góp vốn sang cho doanh nghiệp và trở thành tài sản của doanh nghiệp, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Điều đáng nói là sau khi thành lập và đi vào hoạt động doanh nghiệp liên doanh này liên tục tăng vốn, trong khi DNNN không còn quỹ đất để góp thêm và dần dần giảm tỉ lệ vốn xuống rồi rút lui vì doanh nghiệp liên doanh liên tục thua lỗ…
 
Kiến nghị
 
Qua nghiên cứu các vụ án cho thấy thủ đoạn của tội phạm không có gì mới, đó là hành vi xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và màn cuối là thoái vốn, để tài sản công dễ dàng sang túi tư nhân với giá rẻ. Nhà nước thiệt hại nhưng lợi nhuận thật sự rơi vào tay lãnh đạo doanh nghiệp và những cá nhân có thẩm quyền phê duyệt.
 
Thiết nghĩ để chặn “dòng chảy ngầm” đất công về tay tư nhân, vấn đề đặt ra là phải vá các lỗ hổng của chính sách, pháp luật. Phải tiếp tục hoàn thiện chính sách về quản lý tài sản công được thể hiện trong Luật Đất đai 2013, Luật Sử dụng tài sản công 2017… theo hướng công khai, minh bạch hơn.
 
Đối với những DNNN nắm giữ đất ở vị trí đắc địa không còn sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời thì buộc phải trả lại đất cho Nhà nước, bàn giao lại cho địa phương hoặc các bộ ngành quản lý, không cho phép góp vốn bằng quyền sử dụng đất để khai thác quỹ đất hiện có (sau đó thực hiện thoái vốn góp).
 
Khi thoái vốn phải tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp và sát với giá thị trường. Trong trường hợp muốn bán lại, nhượng lại cho chủ đầu tư khác phải tổ chức đấu thầu, phải qua cạnh tranh mới có giá thực sự. Những khu đất được chuyển nhượng, sang tên hoặc chỉ định đầu tư mà không hề qua đấu giá công khai phải được Thanh tra xem xét lại trên cơ sở quy định của pháp luật như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…
 
Song vấn đề nổi cộm nhất và đáng báo động nhất là sự tha hóa của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đặc biệt trong thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng. Việc buông lỏng quản lý, có sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích, thiếu công khai minh bạch đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý đất công. Chính vì vậy, xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm là việc làm cấp thiết để làm trong sạch bộ máy công quyền, lấy lại niềm tin từ nhân dân.
 
Kiến nghị đối với những DNNN nắm giữ đất ở vị trí đắc địa không còn sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời thì buộc phải trả lại đất cho Nhà nước, bàn giao lại cho địa phương hoặc các bộ ngành quản lý, không cho phép góp vốn bằng quyền sử dụng đất để khai thác quỹ đất hiện có (sau đó thực hiện thoái vốn góp).
 
Khi thoái vốn phải tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp và sát với giá thị trường. Trong trường hợp muốn bán lại, nhượng lại cho chủ đầu tư khác phải tổ chức đấu thầu. Những khu đất được chuyển nhượng, sang tên hoặc chỉ định đầu tư mà không hề qua đấu giá công khai phải được Thanh tra xem xét lại toàn bộ.
 
Đinh chiến   https://phaply.net.vn/
 
 

Xem thêm Bất động sản