Trang bị kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học

  • www.doanhtri.net
  • 01-07-2020
  • 645 lượt xem
Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Nhật Thy
 
Chiều 30/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) tổ chức Hội thảo góp ý Bộ tài liệu giáo dục phòng, chống ma túy đối với học sinh trung học.
 
Tham dự Hội thảo có đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; các sở, ban, ngành của Hà Nội, Phú Thọ…
 
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện PSD cho biết, trên thế giới có gần 300 triệu người, ở Việt Nam hơn 200 nghìn người sử dụng ma túy, đặc biệt là sự trẻ hóa trong lứa tuổi sử dụng ma túy. Điều này sẽ trở thành thảm họa nếu như không nỗ lực ngăn chặn.
 
Việc xây dựng tài liệu và tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức kỹ năng phòng, chống ma túy trong trường học là một trong các nội dung mà PSD phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
 
Sau 3 năm với sự dày công nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về giáo dục, tâm lý, xã hội của Viện PSD và đang cộng tác tại Viện; các chuyên gia từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, 2 trong 4 bộ tài liệu về kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh các cấp, giáo viên và phụ huynh học sinh đã hoàn thành bản thảo.
 
Việc lấy ý kiến góp ý bản thảo Bộ tài liệu giáo dục phòng, chống ma túy đối với học sinh trung học nhằm hoàn thiện lần cuối trước khi được ban hành.
 
Ông Lê Trung Tuấn hy vọng, sau khi được ban hành, Bộ Tài liệu sẽ phục vụ được rất nhiều nhóm đối tượng, lứa tuổi khác nhau, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Tài liệu này đặc biệt trang bị kỹ năng từ phát hiện sớm, ngăn ngừa, đào tạo dạy dỗ các em trong quá trình học tập để trong tương lại không còn cảnh lạm dụng ma túy, góp phần trong công cuộc phòng, chống ma túy tại Việt Nam.
 
Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an, Đại diện Hội đồng cố vấn bộ tài liệu cho biết, phòng, chống túy trong lứa tuổi học sinh là một vấn đề mà UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm, các cấp các ngành, đặc biệt là phụ huynh học sinh rất quan tâm, vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.
 
Thiếu tướng Vũ Hùng Vương nhớ lại, giai đoạn năm 1995, khi ma túy bắt đầu xâm nhập vào trường học, tạo thành một hiểm họa với trên 3 nghìn học sinh sinh viên nghiện ma túy, gây nhiều bức xúc lo lắng cho toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh. Khi đó các đơn vị chức năng đã quyết liệt vào cuộc như chống dịch để bàn việc này, huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị, đặc biệt là kế hoạch liên ngành 1413 do Bộ Công an chủ trì thực hiện đã tuyên chiến, dứt khoát phải đẩy lùi. Kết quả đến năm 1997, cơ bản đã ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy khỏi học đường.
 
“Từ kết quả này, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ khâu phòng ngừa đến giáo dục tuyên truyền đặc biệt là kỹ năng cho chính học sinh, sinh viên trong phòng chống ma túy. Chính vì vậy cần phải có tài liệu hướng dẫn kỹ năng cho chính học sinh sinh viên, cộng thêm những đối tượng khác những người trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ các em học hàng ngày như gia đình, nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo những năm qua đều có chỉ biên soạn nhiều tài liệu ở các cấp độ khác nhau, nhiều địa phương cũng có những tài liệu riêng biệt. Tuy nhiên, qua theo dõi những tài liêu này vẫn chưa hoàn chỉnh khi tình hình tội phạm ma túy có nhiều diễn biến mới, nhiều loại ma túy hơn, cách thức sử dụng đa dạng hơn, thủ đạn tinh vi hơn. Việc UBQG chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn giúp cho học sinh ở lứa tuổi trung học, lứa tuổi nhạy cảm nhất, dễ bị ma túy xâm nhập nhất là hết sức cần thiết”, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương nhận định.
 
Cuốn tài liệu cung cấp cho các em học THCS những kiến thức cơ bản và kỹ năng để nhận diện được các loại ma túy phổ biến đặc biệt nguy hiểm hiện nay. Đồng thời trang bị cho học sinh THCS kỹ năng cần thiết để ứng phó và phòng ngừa nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng ma túy ở lứa tuổi học sinh THCS. Bộ tài liệu gồm 2 phần. Phần thứ nhất là kỹ năng nhận biết ma túy, nghiện ma túy trong đó giáo dục và hướng dẫn các em kỹ năng nhận biết về các loại ma túy thông qua các đoạn “tự kể chuyện của ma túy” vừa nêu đặc điểm nhận diện các loại ma túy, cách phân loại ma túy đồng thời cũng trang bị kiến thức về tác hại nguy hiểm của các loại ma túy đó đối với sức khỏe tương lai và ước mơ của các em.
 
Phần thứ hai kỹ năng phòng, chống ma túy được biên soạn bằng việc trang bị kiến thức cơ bản về các kỹ năng cần có như kỹ năng nhận biết và xử lý các tình huống nguy cơ liên quan đến  ma túy; kỹ năng tìm kiếm và huy động sự hỗ trợ để phòng, chống ma túy; kỹ năng tố giác tội phạm về ma túy và hướng dẫn các em học sinh vận dụng các kỹ năng đó vào xử lý một số tình huống có nguy cơ liên quan đến ma túy và lứa tuổi học sinh THCS thường gặp phải: Tình hình khi xuất hiện tâm lý tiêu cực; tình huống khi tham gia các cuộc vui; tình huống khi xuất hiện tâm lý tò mò muốn dùng thử ma túy; tình huống khi bị uy hiếp, cưỡng ép sử dụng ma túy. Ngoài hai phần nội dung chính, tài liệu còn cung cấp các địa chỉ tin cậy, đường dây hotline để tư vấn, hỗ trợ khi học sinh có thắc mắc, cần hỗ trợ kịp thời.
 
Các triển khai phần nội dung này chú ý đến đặc điểm tâm lứa tuổi của học sinh THCS nên được thiết kế tranh, ảnh, minh họa hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu và trình độ của học sinh THCS.
 
Bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng, sau khi nghe các ý kiến đóng góp vào bộ tài liệu, PSD sẽ sớm hoàn thiện bản thảo để đi vào thẩm định và cung cấp tới các trường học.
 
Nhật Thy   http://tiengchuong.vn/

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe