TP HCM thí điểm dạy trí tuệ nhân tạo từ bậc THCS

  • www.doanhtri.net
  • 26-11-2022
  • 367 lượt xem
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (TP HCM) trong giờ học STEM.Ảnh: KHOA NGUYỄN
 
Từ năm học 2022-2023, TP HCM sẽ triển khai giảng dạy thí điểm trí tuệ nhân tạo tại các trường THCS, THPT
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, thành phố sẽ chọn 5 trường THPT và mỗi quận, huyện chọn 1 trường THCS để thực hiện thí điểm dạy trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence). Nội dung AI sẽ được lồng ghép vào môn tin học của chương trình. Bên cạnh đó, các trường cũng sẽ bổ sung bằng hoạt động của câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, các hội thi có liên quan như nghiên cứu khoa học, hội thi lego, robotics.
 
Khó vì chưa có giáo viên Al
 
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết thực hiện đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời của TP HCM giai đoạn 2021-2025 hướng đến năm 2030, thành phố triển khai nhiều kế hoạch và đề án. Sở cũng có những bước triển khai cụ thể để thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển AI giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, từ năm học 2022-2023 sẽ đưa nội dung AI vào nhà trường.
 
Đối với khối THCS, nội dung này có thể đưa vào chương trình nhà trường, hoạt động của các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa... Đối với trường THPT, AI sẽ đưa vào chương trình chính khóa ở lớp 11 và các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ.
 
Cũng theo ông Nguyễn Bảo Quốc, thực tế tại một số đơn vị trường học đã triển khai các nội dung liên quan AI, hoạt động tự động hóa từ mấy năm gần đây. Một số đơn vị đã chủ động đưa các tài liệu vào giáo dục AI như ở TP Thủ Đức. Sở cũng đã chủ động liên hệ các sở, ngành, các trường ĐH để đặt hàng các tài liệu giáo dục AI. Sở GD-ĐT cũng sẽ tham mưu để bổ sung các phòng chức năng, đồng thời các đơn vị nên chủ động mua sắm trang thiết bị cần thiết để đưa robot, mạch điều khiển, máy tính, tự động hóa vào trong nhà trường...
 
Tại TP HCM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) là trường đầu tiên tổ chức thí điểm dạy AI. ThS Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đã triển khai dạy AI cho học sinh các lớp chuyên khối 10, 11, 12 vào 3 năm nay, bắt đầu từ học kỳ I năm học 2019-2020. Nên khi sở triển khai đưa nội dung về AI vào giảng dạy thí điểm tại trường từ quý IV năm nay, trường có nhiều thuận lợi.
 
Nhưng theo bà Hiền, cái khó hiện nay là trường đang phải hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên dạy AI vì chưa có nguồn giáo viên trong ngành được đào tạo để giảng dạy nội dung này. "Trước đây, nhà trường cũng đã đề xuất với các trường ĐH để tổ chức đào tạo nhưng hiện chưa có. Đội ngũ giáo viên dạy AI của trường là những giáo viên tin học, có trình độ thạc sĩ chuyên về AI" - bà Hiền cho biết.
 
Chương trình kén học sinh
 
Bà Phạm Thị Bé Hiền cho biết thêm việc dạy AI trong nhà trường được thực hiện đồng loạt theo hướng dạy từ cơ bản ở lớp 10, sang học kỳ II lớp 11 và lớp 12 mới bắt đầu đào tạo chuyên sâu. "Trong quá trình học tập, học sinh rất hào hứng nhưng càng chuyên sâu thì càng kén học sinh hơn. Những học sinh phải thật sự có năng lực, đam mê mới theo học" - bà Hiền nói.
 
Đồng tình với ý kiến này, hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cho biết nhà trường lâu nay vẫn tổ chức để học sinh làm quen với AI thông qua hình thức câu lạc bộ, tuy nhiên cũng rất kén học sinh. Chỉ dừng lại ở hình thức câu lạc bộ hoặc tổ chức một chuyên đề ngoại khóa thì các em sẽ hào hứng. Nhưng nếu tổ chức giảng dạy chính khóa sẽ rất khó triển khai. "Thời điểm đầu năm, khi tư vấn cho học sinh chọn tổ hợp môn ở lớp 10, nhiều em cũng bày tỏ lo ngại nếu học chuyên sâu về AI sẽ không còn thời gian cho các môn học khác, trong khi nhu cầu của các em chỉ là đậu ĐH" - hiệu trưởng này cho biết.
 
Ông Nguyễn Văn Diệu, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), cho hay trường có phòng STEM nên việc dạy AI cũng lồng ghép trong các chương trình ngoại khóa về STEM, học sinh cũng làm quen, sinh hoạt trong câu lạc bộ này. "Dù vậy, các em cũng chỉ lâu lâu mới đến phòng STEM, chủ yếu tập trung cho các môn học khác. Nếu quy định tổ chức đại trà thì nhà trường triển khai, còn trước mắt vẫn phải tùy thuộc nhu cầu của học sinh" - ông Diệu nói.
 
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, Phòng GD-ĐT đã tổ chức cho các cán bộ quản lý trường tiểu học, THCS trên địa bàn đến tham quan và tìm hiểu về chương trình giảng dạy tại trung tâm AI. Một số trường cũng đã đưa học sinh đến trung tâm để tìm hiểu về lập trình cho robot. Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức đã xin phép và Sở GD-ĐT TP HCM có văn bản cho phép Thủ Đức triển khai chương trình này dưới dạng câu lạc bộ hoặc chương trình trong nhà trường với sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh. 
 
Đặt hàng thiết kế chương trình từ Trường ĐH Sài Gòn
 
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, sở đã đặt hàng với Trường ĐH Sài Gòn để nghiên cứu xây dựng chương trình giảng dạy AI cho học sinh thành phố. Khi đề tài này được nghiệm thu và các cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng vào thực tế thì sở sẽ mở rộng thực hiện giảng dạy AI đại trà ở tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố.
 
Phương Quỳnh   https://nld.com.vn

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe