TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP - CHƯƠNG 16 VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ & KINH DOANH QUỐC TẾ - Nguyễn Thị Sơn

  • www.doanhtri.net
  • 13-05-2019
  • 1363 lượt xem

Chương trình dự án “Xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia” do Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp (CBAM) phối hợp với Hội Luật gia TP HCM tổ chức đào tạo nhằm nâng cao kiến thức luật pháp quốc tế cho các luật sư, luật gia tại thành phố HCM. Vừa là giám đốc dự án, vừa trực tiếp giảng môn “Luật kinh doanh quốc tế”, tôi được các anh chị luật sư, luật gia đánh giá tốt. Tôi cho rằng đấy cũng là phần thưởng rất quý báu dành cho tôi trong sự nghiệp giáo dục của mình.

Từ lâu tôi vẫn trăn trở với đề án thành lập Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế (IBLA - International Business and Law Academy), gọi tắt là Viện IBLA, nhằm nghiên cứu luật pháp của các quốc gia trên thế giới và các định chế kinh doanh quốc tế để hỗ trợ cho các luật gia Việt Nam trong công tác tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp vì khi kinh doanh với đối tác nước ngoài mà không am hiểu luật pháp của quốc gia mình xuất khẩu hoặc không am hiểu các định chế kinh doanh quốc tế thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro hơn trong việc ký kết hợp đồng và giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình kinh doanh. 

Tháng 10 năm 2005 tôi tham dự Hội thảo tổ chức tại Nha Trang về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Luật gia Phạm Quốc Anh, chủ tịch Trung ương Hội Luật Gia Việt Nam và GS TS Đào Trí Úc, phó chủ tịch Trung ương Hội Luật Gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Nhà nước & Pháp luật chủ trì hội nghị. Khi tôi phát biểu tham luận, tôi đã đề cập về đề án thành lập Viện Khoa học Pháp lý & Kinh doanh Quốc tế (IBLA), mọi người tham dự hội nghị rất ủng hộ và đề án đã được Thường trực Trung ương Hội Luật gia Việt Nam nhất trí thông qua. Ngày 27/12/2005 tôi nhận được quyết định thành lập Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế (IBLA) thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và quyết định bổ nhiệm tôi là Viện Trưởng. 

Ngày 17/02/2006 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội luật gia Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội luật gia Phạm quốc Anh đã thông báo với Hội nghị về việc thành lập Viện IBLA và giấy Chứng nhận Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế (IBLA) do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ của Viện IBLA: Nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn pháp lý quốc gia trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, ở các nước khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn pháp lý quốc tế trong hoạt động kinh doanh. Tư vấn về pháp luật và kinh doanh, đào tạo cán bộ nghiệp vụ chuyên môn trong các lĩnh vực nghiên cứu của Viện.

Ngày 20/02/2006 Lễ công bố việc thành lập Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế IBLA, ra mắt Hội Đồng Khoa học của Viện được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của các Bộ, Ngành, các Hội luật gia của các tỉnh, thành phố phía Bắc, các Luật gia, các Hiệp hội và các Doanh nghiệp. 

Luật gia Phạm Quốc Anh, chủ tịch Trung ương Hội luật gia Việt Nam đã phát biểu tại hội nghị: “Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang ngày càng trở nên một yêu cầu tất yếu, cấp bách đối với Việt Nam chúng ta. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật Việt Nam từ chỗ chủ yếu điều chỉnh quan hệ quốc nội giờ đây phát triển nhanh cả việc điều chỉnh các quan hệ có tính quốc tế. Các công ước quốc tế, hiệp định quốc tế, tập quán quốc tế ngày càng gia tăng ảnh hưởng và tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Quá trình đó, các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cơ hội phát triển song cũng gặp không ít khó khăn, khá nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với vô số những yếu tố nan giải về pháp luật, nhiều doanh nghiệp không am hiểu, thiếu cơ sở nghiên cứu môi trường pháp luật và ảnh hưởng của nó đến hoạt động kinh doanh của mình, đã có những hậu quả không lường trước được khi kinh doanh trên thị trường quốc tế....”

Ở buổi lễ công bố thành lập Viện, tôi đã phát biểu khi chính thức nhận nhiệm vụ Viện trưởng: “Chúng tôi ý thức rõ, để xây dựng và phát triển Viện là cả một vấn đề khó, và để đáp ứng đầy đủ ý nghĩa của sự thành lập Viện, thực hiện theo những tiêu chí và yêu cầu của các đồng chí lãnh đạo đặt ra cho Viện IBLA là một trọng trách và càng khó khăn hơn nhiều... Thay mặt cho tập thể Viện, chúng tôi hứa sẽ nỗ lực phấn đấu xây dựng tổ chức hoạt động của Viện, triển khai thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ của Viện để xứng đáng với sự tin cậy của Hội Luật gia Việt Nam, của các Bộ, Ngành và của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam...”. 

Với bằng ấy việc (Hiệu trưởng, Viện trưởng) ở tuổi 56 (năm 2006), nhiều biểu hiện về sức khỏe do tuổi tác cũng bắt đầu xuất hiện, tôi cũng lo lắng, nhưng với lòng quyết tâm tôi không hề cảm thấy mệt mỏi. Với kinh nghiệm về quản lý đã tích lũy và nghiên cứu trong nhiều năm, tôi muốn truyền đạt kinh nghiệm quản lý của tôi cho những nhà khoa học trẻ, những luật gia trẻ, doanh nghiệp trẻ. Cách làm của tôi là hướng dẫn phương pháp tổ chức và quản lý theo nhóm chức năng, mỗi nhóm chịu trách nhiệm công việc theo đề tài hoặc dự án, gợi ý cho các thành viên của nhóm nghiên cứu và phát huy tính sáng tạo, tính tự kiểm soát của nhóm, thiết lập chương trình tự đánh giá kết quả thực hiện theo hệ thống các tiêu chí.

Nhân dịp dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội luật gia Việt Nam và Lễ Công bố thành lập Viện IBLA, tôi cũng có dịp dự chương trình tham quan và trao đổi kinh nghiệm tại Hải Dương (2006). Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tiếp Đoàn tại Nhà khách Hồ Côn Sơn, Chí Linh Hải Dương. Đoàn đã được nghe báo cáo điển hình hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí và tham quan thực tế hai chi hội luật gia tại Xã Chí Minh Huyện Chí Linh và Phường Quang Trung Thành phố Hải Dương. Những công việc rất đời thường nhưng lại rất thiết thực đối với người dân, từ những tranh chấp giữa những người có quan hệ gia đình ruột thịt do thiếu hiểu biết pháp luật liên quan đến đất đai, thừa kế, ly hôn, phân chia tài sản đều được các luật gia của chi hội giải thích tư vấn. Những luật gia này đã từng công tác ở những cơ quan quản lý nhà nước đã nghỉ hưu, am hiểu pháp luật, còn sức khỏe, có uy tín với dân chúng ở địa phương nên việc tư vấn pháp lý đạt nhiều kết quả tốt. Chủ tịch Hội Luật gia Phạm quốc Anh đã phát biểu kết luận: “mô hình Chi hội luật gia cấp xã phường có thể nhân rộng do nhu cầu thực tế của xã hội”. Tôi cũng thấy ra một vấn đề: Tỉnh nào cũng có chính sách định hướng phát triển kinh tế địa phương theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Các khu công nghiệp đang được hình thành, vấn đề kêu gọi đầu tư nước ngoài, vấn đề đền bù giải tỏa mặt bằng, vấn đề phát triển nguồn nhân lực làm việc cho các khu công nghiệp, làm việc cho các doanh nghiệp đầu tư có vốn nước ngoài, đang là vấn đề thời sự ở các địa phương. Những nỗi băn khoăn, bức xúc của người dân và của nhà đầu tư chắc chắn sẽ phát sinh những vấn đề mâu thuẫn về quyền lợi, và sẽ nảy sinh những tranh chấp dưới góc độ pháp luật. Vì thế không những doanh nghiệp cần trang bị kiến thức pháp luật kinh doanh quốc tế mà ngay cả người dân cũng cần được trang bị kiến thức pháp luật quốc tế về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn nước ngòai.

Đoàn cũng được Tỉnh ủy mời tham quan khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ở đền Thanh Hư Côn Sơn thờ Đại Tư Đồ phụ chính Trần Nguyên Đán là tướng quốc của 3 triều vua Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông. Đền Thanh Hư được Nhà nước xây dựng năm 2005 trên nền nhà cũ của ông giữa rừng tùng bách Côn Sơn đại ngàn. Đền thờ cụ Nguyễn Trãi (cháu ngoại Tướng quốc Trần Nguyên Đán) cũng nằm trong quần thể kiến trúc này. Dọc hai bên đường đến đền thờ Nguyễn Trãi có treo những câu thơ trích trong “Bình Ngô đại cáo” của ông, tôi thích nhất câu “CÓ NHÂN, CÓ CHÍ, CÓ ANH HÙNG”…

Sau 13 năm hoạt động kể từ khi thành lập Viện IBLA cho đến nay (2006-2019), Viện IBLA hoạt động trên 3 lĩnh vực cơ bản: (1) Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Hội thảo khoa học; (2) Đào tạo bồi dưỡng tiếng Anh, pháp lý cho các luật gia và các doanh nghiệp; (3) Tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp.

Viện đã có những thành tựu đáng kể như sau:

I. Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu xây dựng các đề án chuyên ngành, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề.

Viện IBLA đã tổ chức triển khai công tác nghiên cứu khoa học hai đề tài: (1) Đề tài “Xây dựng cơ chế, hình thức để luật gia và các cấp Hội tham gia xây dựng pháp luật” do Luật gia Nguyễn Văn Kích - Phó Viện trưởng làm Chủ nhiệm đề tài, (2) Đề tài “Bồi dưỡng và nâng cao năng lực pháp lý về hội nhập WTO của luật gia Việt Nam” do Luật gia Thạc sĩ Bùi Việt Cường - Phó Viện trưởng làm Chủ nhiệm đề tài. Hai đề tài đã được Chủ tịch Trung ương Hội Luật gia Việt Nam phê duyệt, được tiến hành triển khai vào tháng 11 năm 2010, đã được Hội đồng khoa học do Trung ương Hội Luật gia Việt Nam thành lập đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu vào ngày 25/02/2011 tại Hà Nội. Kết quả cả hai đề tài đều được Hội đồng khoa học nghiệm thu và đánh giá xuất sắc.

Về việc nghiên cứu xây dựng các đề án chuyên ngành. Viện IBLA đã hoàn thành và được UBND thành phố Hồ Chí Minh nghiệm thu đề án “Sắp xếp các tổ chức cơ quan chuyên môn ngành y tế TP.HCM theo hệ thống ngành dọc”, thực hiện trên cơ sở đấu thầu và đã trúng thầu theo yêu cầu của nhà tài trợ UNDP. Đề án đã hoàn thành, được Ban Quản lý cải tiến thủ tục hành chính thành phố Hồ Chí Minh và UNDP nghiệm thu, đánh giá đề xuất của đề án có tính sáng tạo và khả thi. Sở Y tế TP.HCM là đơn vị thụ hưởng tổ chức triển khai thực hiện.

Viện IBLA đã có các bài viết chuyên đề: (1) Vai trò của Hội Luật gia Việt Nam khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO - Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế Việt Nam. (2) Không nên áp dụng biện pháp hành chính kềm chế giá bán hàng hóa. (3) Sự kết nối giữa lạm phát, ngọai hối và lãi suất ngân hàng, vấn đề lãi suất huy động cao của ngân hàng và sự ảnh hưởng khó lường. (4) Một số giải pháp phát triển KCX, KCN và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Ban Quản lý KCN-KCX thành phố Hồ Chí Minh. (5) Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh với các thách thức và cơ hội với Toàn cầu hoá và Hội nhập kinh tế. (6) Phát triển Khu công nghiệp gắn liền với tiến trình đô thị hoá của thành phố Hồ Chí Minh…

Viện trưởng có các bài tham luận tại các Hội thảo quốc tế: 

(1) “ASEAN - Critical Issues for implementing the Economic Agreements” tại Đại hội đồng ALA ở Bali tháng 2 năm 2012.

(2) Trade and Investments - Dispute Settlement Mechanisms in ASEAN, The Evolving Landscape and Major Developments tại ALA – Philippine tháng 2 năm 2015.

(3) Cross - Border Obstacles in ASEAN and Solutions tại ALA - Singapore tháng 7 năm 2018.

Về Nghiên cứu đóng góp ý kiến vào các Dự thảo Luật và đề án chuyên ngành, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Viện IBLA đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến các Luật gia, Luật sư, các nhà khoa học và quản lý, các doanh nghiệp đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật và dự thảo sửa đổi luật: Luật Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Tố cáo, Luật giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Quản lý thuốc lá, Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, Luật đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hải quan.…

Viện IBLA tổ chức triển khai các hoạt động cụ thể góp ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, theo kế hoạch chung của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Đồng thời tham gia đóng góp ý kiến khi Quốc hội lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp cho toàn dân. 

Tổ chức góp ý về việc tổng kết thi hành Bộ luật dân sự 2005 theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật Dân sự 2005. Viện IBLA gửi bài và tích cực tham gia góp ý xây dựng Luật Trưng cầu ý dân (Thực hiện Nghị quyết số 428/NQ-UBTVQH13 ngày 29/12/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao cho Hội Luật gia Việt Nam chủ trì xây dựng Luật Trưng cầu ý dân).

Tham gia góp ý cho các dự thảo luật do Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội tổ chức: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập cá nhân.

Về việc tổ chức và tham gia Hội nghị, Hội thảo quốc tế.

Thực hiện sự uỷ quyền của Thường trực TW Hội Luật gia Việt Nam, Viện IBLA đã cùng với MUTRAP tổ chức Hội thảo “các cam kết WTO và tác động tới hệ thống pháp luật Việt Nam”.

Viện trưởng IBLA được mời tham gia chương trình “Nâng cao năng lực Hội Luật gia Việt Nam” do UNDP giúp đỡ tổ chức tại Đan Mạch và Ấn Độ. Tham gia lễ ký kết Hợp tác về Tổ chức Hội Luật gia với Hội Luật gia Seoul-Hàn Quốc. Tham gia chương trình nghiên cứu luật pháp của Cộng hòa Liên bang Đức do Bộ Tư pháp tổ chức.


 

Tham dự Hội thảo "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 19/11/2012 tại TP.HCM.

Tổ chức, với sự chủ trì của Trung ương Hội, hội thảo “ASEAN – Hội nhập kinh tế khu vực” tại TPHCM 

Tổ chức và chủ trì hội thảo chuyên đề “Hệ thống Luật pháp Hoa Kỳ - Đầu tư và Kinh doanh với thị trường Bắc Mỹ - NAFTA” tại TP.HCM.

Tổ chức và chủ trì hội thảo chuyên đề “Biến động lãi suất ngân hàng tác động đến sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội” tháng 6 năm 2011 tại TP.HCM.

Viện IBLA hợp tác với các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao về Chương trình trao đổi Văn hóa và Thông tin pháp luật quốc tế.

(1) Tổ chức Hội thảo Quốc tế “Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO, những thành tựu và thách thức” tháng 11 năm 2008 tại TPHCM do Viện KAS hỗ trợ kinh phí.

(2) Tổ chức Hội thảo Quốc tế “ASEAN hội nhập kinh tế khu vực, Hợp tác kinh tế và thương mại nội vùng, những bài học và triển vọng tương lai cho các quốc gia Đông Nam Á ” tháng 11năm 2009 tại TPHCM do Viện KAS hỗ trợ kinh phí.

(3) Tổ chức Hội thảo khoa học “ Khủng hoảng tài chính thế giới, tác động đến kinh tế Việt Nam” tháng 4 năm 2009 do Trung ương Hội Luật gia Việt Nam chủ trì tại TP.HCM

(4) Tiếp Đoàn Đại biểu LIÊN HIỆP LUẬT GIA UKRAINA tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 4 năm 2013 do ông VALERII YEVDOKYMOV - Chủ tịch Hội Luật gia thế giới, Chủ tịch Hội Luật gia Ukraina, là Trưởng đoàn.

(5) Toạ đàm, nghiên cứu khoa học về Dự luật Hoà bình của Cộng hoà Liên bang Nga, do Giáo sư - Tiến sĩ Irina Anatolievna Umnova, Trưởng ban nghiên cứu Hiến pháp - Pháp luật thuộc Học viện Tư pháp, Tòa án tối cao Liên bang Nga trình bày tháng 11 năm 2015.

Hợp tác với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM tổ chức các buổi trao đổi tọa đàm:

(1) Với Tiến sĩ Lesslie Crocker Snyder, chuyên gia về Luật Hình sự, chủ đề: “Hệ thống Luật Hình sự Hoa Kỳ” ngày 26/02/2013. 

(2) Kinh nghiệm chống tham nhũng toàn cầu của Hoa Kỳ (US Global Anti – Corruption Experience) Luật sư, Tiến sĩ Danforth Newcomb, Văn phòng Luật Shearman & Sterling, Hoa Kỳ, tháng 9 năm 2013.

(3) Với Giáo sư Tobias Barrington Wolff tháng 6 năm 2014 về hai chủ đề: (1) Nguyên tắc pháp quyền, các nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền (The Rule of Law - Basic Principles of Legitimate Government); (2) Bình đẳng trong hôn nhân tại Hoa Kỳ kể từ sau sự ra đời của Đạo luật Bảo vệ hôn nhân (Marriage Equality in the United States after the Defense of Marriage Act).

(4) Với GS, TS Don Peters; giáo sư ngành luật; giám đốc danh dự Viện giải quyết tranh chấp trường đại học Florida. Chuyên đề “Negotiating and mediating, contract formulation and disputes - Thương lượng và hòa giải, hình thành và tranh chấp hợp đồng” tháng 4 năm 2013.

(5) Với Luật sư Brian Buchner, Nghiên cứu án lệ của Hoa Kỳ về tra tấn, tham nhũng, giám sát của cảnh sát (United States case studies in police torture, corruption, and police monitoring) tháng 12.2014
(6) Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về Luật Sở hữu trí tuệ với Luật sư Peter Fowler, Tùy viên Sở hữu Trí tuệ phụ trách khu vực Đông Nam Á thuộc Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ tháng 4.2015
(7) Với Thẩm phán Rosemary Barkett về chủ đề " Sự tiến hóa của quyền lực tư pháp tại Hoa Kỳ " tháng 8 năm 2015.
(8) Với Luật sư bào chữa Anthony Natale và Công tố viên Brenda Sue Thornton về chủ đề : "Vai trò bào chữa và truy tố trong hệ thống luật pháp đối lập" tháng 9 năm 2015.

II. Về Công tác đào tạo, bồi dưỡng. 

Viện IBLA thường xuyên tổ chức chương trình ENGLISH IN BUSINESS LAW. Học viên học chương trình này không chỉ nâng cao vốn từ ngữ tiếng Anh chuyên ngành Luật mà còn mở rộng các kiến thức Luật kinh doanh quốc tế thông qua các án lệ. 

Chương trình bao gồm các chuyên đề chính:

(1) Hệ thống Luật pháp quốc tế (The International Legal System) bao gồm: Sources of International Law, The World’s Major Legal Systems, The United Nations, The International Court of justice, Other International Organizations

(2) Tổng quan về Kinh doanh toàn cầu (Introduction to Global business) bao gồm: The WTO Agreements, GATT’s Major Principles, Global Business, Strategies for Penetrating Global Markets, Expropriation, Political violence against people 

(3) Các Hợp đồng quốc tế (International contracts) bao gồm: Sources of Contract Law, American Contract Law, Contracts for the International Sale of Goods, Formation of the Contract, Performance of the contract, Excuses for nonperformance, Remedies for breach of Contract

(4) Giải quyết tranh chấp (Dispute resolution) bao gồm: Litigation, Anticipating, The Arbitration Alternative.

III. Công tác tư vấn, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

(1) Tư vấn pháp luật, Viện IBLA đã tổ chức, phân công những luật gia, luật sư có kiến thức, kinh nghiệm tham gia trực tư vấn pháp luật thường xuyên tại Viện, đã tạo được niềm tin và uy tín cho Viện vì đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu. 

(2) Tư vấn đầu tư ra nước ngoài, nhằm mục đích tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài. Trong đó tư vấn thành công cho Công ty SEAEDI CORP. đầu tư thành lập công ty SEAEDI LLC tại Boston Massachusetts Hoa Kỳ. 

(3) Viện IBLA hợp tác với Trung tâm trọng tài thương mại TPHCM, tập huấn và nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp thương mại cho trọng tài viên; tuyển chọn trọng tài viên trong giới luật gia. 

(4) Viện IBLA đã xây dựng, phát triển và hoàn thiện Website của Viện (www.ibla.vn.org) và (www.doanhtri.net). Thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, cung cấp thông tin và tuyên truyền phổ biến pháp luật, cung cấp các tư liệu tham khảo cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các chuyên đề luật pháp và kinh doanh.

KÊT LUẬN, Mười ba năm xây dựng và phát triển, Viện IBLA đã đạt được những thành tích đáng khích lệ và tự hào trong nghiên cứu khoa học, trong đào tạo bồi dưỡng, trong tư vấn và tuyên truyền giáo dục pháp luật, trong công tác xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ, cộng tác viên khoa học .

Viện đã từng bước hình thành được hình ảnh của IBLA, tạo dựng được mối quan hệ nghiên cứu, học tập với rất nhiều đơn vị đào tạo trong nước và quốc tế, tạo dựng cho Viện mở rộng không gian hợp tác nghiên cứu và trao đổi thông tin. Hoạt động của Viện đã hoàn thành xuất săc các nhiệm vụ do Trung ương Hội Luật gia Việt Nam giao cho, từng bước trở thành cầu nối của Trung ương Hội với các đơn vị Tỉnh, Thành hội trong phía Nam. 

Những thành tựu mà Viện IBLA thực hiện được là nhờ sự giúp đỡ của Thường trực, Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, của Hội đồng khoa học Viện IBLA và sự nỗ lực của Chi Bộ, Chi Hội Viện, các luật sư, luật gia sinh hoạt tại Viện IBLA và sự hợp tác của Thành hội Luật gia TPHCM, các Tỉnh hội luật gia của các Tỉnh phía Nam.

Tháng 2 năm 2016 Viện đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Viện IBLA để tri ân các tổ chức và cá nhân đã hợp tác toàn diện và đóng góp các kiến thức luật pháp với Viện IBLA. Nhân dịp này Viện IBLA đã được khen thưởng:

- 3 Bằng khen của Chủ tịch Hội Luật gia Việt nam tăng tập thể cán bộ nhân viên của Viện vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

- 21 Bằng khen của Chủ tịch Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tặng cho các cá nhân đã có nhiều thành tích trong hoạt động và xây dựng Viện phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

- Viện Trưởng Viện IBLA, TS Nguyễn Thị Sơn được tặng Bằng Khen Thủ tướng Chính Phủ, Huân chương lao động hạng 3 về các thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và các hoạt động từ thiện cấp học bổng cho học sinh người dân tộc và hải đảo.

Trích trong Tự truyện TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP xuất bản lần đầu tháng 6 năm 2006, có cập nhật thông tin mới.

Hình 1, 2: chụp năm 2006 Lễ công bố quyết định thành lập Viện IBLA

Hình 3: Hội nghị Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam

Hình 4: Tham dự Hội thảo ALA – Singapore 2019

Hình 5, 6, 7: Nghiên cứu Luật pháp các quốc gia Đan Mạch, Hàn Quốc, Thái Lan.

Hình 8, 9, 10, 11, 12, 13: Tổ chức các Hội thảo quốc tế

Hình 14: Trang thông tin của Viện www.ibla.org.vn, www.doanhtri.net

Hình 15,16,17: Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Viện năm 2016, Hội đồng Khoa học của Viện IBLA

Hình 18, 19, 20, 21: Thi đua khen thưởng,Viện trưởng Viện IBLA nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2016.

CHƯƠNG 1: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tuổi 17 (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 2: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Khởi nghiệp (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 3: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Gia đình hạnh phúc (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 4: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Chiến tranh & hòa bình trong tôi  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 5: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tham gia phát triển kinh tế đất nước  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 6: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Vĩnh biệt người chồng thân yêu  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 7: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Phát triển sự nghiệp  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 8, 9: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Sự cố lớn trong cuộc đời  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 10: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Chân lý & Công lý (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 11: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tiên vi quan, hậu vi sư  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 12: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP- Kinh nghiệm qua các chuyến công du (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 13: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Tình thân hữu  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 14: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Sự trưởng thành của các con  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 15: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Về với quê hương  (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 16: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - Viện Khoa học Pháp lý & KDQT (Bấm vào xem)

CHƯƠNG 17: TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP - TRường THCS, THPT Duy Tân (Bấm vào xem)

Tác giả Nguyễn Thị Sơn

Xem thêm Văn Nghệ