Tín hiệu về sự đồng lòng chống bảo hộ thương mại

  • www.doanhtri.net
  • 19-07-2018
  • 704 lượt xem

(Chinhphu.vn) - Trước nguy cơ chiến tranh thương mại gia tăng từ chính sách bảo hộ của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng như Trung Quốc… đang tìm mọi cách để đối phó, trong đó có việc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với các nước khác.

Điển hình là ngày 17/7, thỏa thuận FTA giữa EU và Nhật Bản đã được ký kết. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố thỏa thuận đây là một "thông điệp rõ ràng" chống chủ nghĩa bảo hộ và các bên trở nên mạnh và giàu có hơn khi cùng nhau hợp tác.

Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, EU cũng đã chính thức khởi động đàm phán thương mại với Australia và New Zealand trong nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận FTA trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Ngoài ra, EU cũng đang hướng đến các thỏa thuận FTA với nhiều nước khác.

Trong khi đó, ông Ngụy Kiến Quốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc nhận xét: “Trung Quốc cần đẩy nhanh đàm phán FTA để đối phó với sức ép từ Mỹ. Đây cũng là thời gian thuận lợi để tiến hành thêm các vòng đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm củng cố tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại đa phương.”

Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định ủng hộ thương mại tự do và toàn cầu hóa. Nếu tính cả New Zealand - đối tác thương mại tự do phương Tây đầu tiên-đến nay, Trung Quốc đã ký 16 FTA với một “cộng đồng” gồm 24 quốc gia và khu vực.

Một điều đáng chú ý khác là tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần thứ 20 vừa diễn ra ở Bắc Kinh, hai bên đã nhất trí hợp tác để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ thương mại tự do toàn cầu.

Đây được xem là tín hiệu về sự đồng lòng giữa Trung Quốc và EU nhằm chống lại chính sách bảo hộ thương mại và tăng thuế quan mà Mỹ đang áp đặt với cả Trung Quốc và EU.

Tuyết Minh

Xem thêm Thời sự