Tín dụng vi mô biến thành bẫy nợ

  • www.doanhtri.net
  • 14-11-2019
  • 566 lượt xem

Mục đích của tín dụng vi mô nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, bằng cách cung cấp cho người nghèo một lộ trình khởi nghiệp “tùy theo sức của mình”. Thế nhưng, ở nhiều nơi trên thế giới, nó đã khiến người nghèo lún sâu vào bẫy nợ vì lãi suất thực tế cực kỳ cao.

 

Trong bài viết này, ĐTTC phản ánh thực tế về tín dụng vi mô ở Campuchia và một số nước khác.

Từ chuyện của Sokha

Khi Sokha, một nông dân Campuchia, vay tín dụng vi mô 3 năm trước, ông không hề biết được những rắc rối khoản vay nhỏ này sẽ gây ra cho mình. Là một ông bố trong gia đình có 5 mặt con, Sokha và gia đình sống nhờ nguồn thu từ việc trồng khoai mì (sắn). Ông đã vay 3.250 USD (75 triệu VNĐ) từ Ngân hàng Sathapana để mua máy móc mới.

Nhưng sau đó giá sắn giảm mạnh, Sokha không thể trả lãi cho số nợ trên. Khi vay nợ, ông đã dùng chính 1ha đất của mình làm tài sản thế chấp và ngân hàng đã 2 lần gửi nhân viên đến để đòi nợ. Sokha đã buộc phải bán một phần đất của mình dưới giá trị thị trường và vay thêm một khoản nợ mới để trả hết phần còn lại của món nợ đầu tiên. Nhưng giá sắn tiếp tục giảm và các khoản nợ của Sokha ngày càng chồng chất. Đến nay, ông ước tính mình đã nợ hơn 11.000USD (254 triệu VNĐ). Sokha buộc phải cho các con nghỉ học. Hiện những đứa con 7 tuổi và 10 tuổi phải giúp ông làm nông.

Tín dụng vi mô biến thành bẫy nợ - Ảnh 1.

Ngân hàng Sathapana (Campuchia).

Liên đoàn Thúc đẩy và Bảo vệ Nhân quyền Campuchia (LICADHO) và Sahmakum Teang Tnaut (STT) đã tiến hành phỏng vấn hơn 60 người vay cá nhân ở 4 tỉnh, bao gồm Sokha. Báo cáo kết luận các khoản vay vi mô gây hại hơn là giúp ích cho những người Campuchia nghèo khó. 22 trường hợp cho biết họ đã bị buộc phải bán tài sản đã dùng để thế chấp. Thậm chí, nhiều người báo cáo gia đình họ thường xuyên phải nhịn đói hoặc ăn uống qua loa để dành tiền trả nợ. Có 13 hộ gia đình, trẻ em bị buộc phải làm việc đồng áng với cha mẹ do tác động các khoản nợ.

Các khoản vay vi mô được cho nhằm hỗ trợ những người nghèo ở đất nước Đông Nam Á này. Và trên thực tế, các khoản vay đã giúp những người nghèo có thể tiếp cận được nguồn tài chính. Nhưng các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ tiết lộ, những nhược điểm của hệ thống này cho thấy tín dụng vi mô thậm chí có thể dẫn đến vi phạm nhân quyền.

Theo Hiệp hội Tài chính Vi mô Campuchia, hơn 1,9 triệu người Campuchia đã thoát khỏi tín dụng vi mô tính đến tháng 3 năm nay. Ngày nay, các khoản nợ vi mô ở Campuchia đã lên tới hơn 5,5 tỷ USD - hơn 1/5 GDP. Thậm chí, một số chuyên gia nói con số này có thể đã đạt gần 8 tỷ USD. Rất ít nước nào tín dụng vi mô lại phổ biến như vậy.

Có những lý do lịch sử cho việc này. Sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, Campuchia bị tụt hậu và lĩnh vực ngân hàng hầu như không có. Tín dụng vi mô khi đó được xem là một cách tốt để các gia đình nghèo vay tiền, giúp họ làm ăn kinh doanh thoát nghèo.

Sự cổ súy cho tín dụng vi mô đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2006, khi nhà kinh tế học Muhammad Yunus của Bangladesh và ngân hàng tài chính vi mô Grameen của ông đã giành giải thưởng Nobel Hòa bình. Nhưng sau đó (4 năm sau), người ta phát hiện nhiều người vay đã tự sát ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Những người này đã không thể trả các khoản nợ vi mô của họ.

Càng vay càng lún

Kể từ đó, tín dụng vi mô đã bị chỉ trích ở nhiều nơi. Tuy nhiên, gần đây tín dụng vi mô lại được phổ biến trở lại. Một lý do để tín dụng vi mô hồi sinh là lãi suất thấp ở các nước công nghiệp phương Tây. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, lãi suất ở các nước phương Tây giảm về mức cận zero hoặc âm, khiến các nhà đầu tư châu Âu phải sang các nước nghèo để tìm kiếm lợi nhuận mà họ không thể tìm thấy ở quê nhà. Đối với các chủ nợ, cho vay vi mô cũng là một kênh đầu tư đáng giá. Ở Campuchia, lãi suất hiện đã được giới hạn ở mức 18%. Tuy nhiên, các ngân hàng đã thu các khoản phí để bù đắp cho việc giới hạn lãi suất này.

Theo thống kê chính thức, chỉ 1,8% người vay ở Campuchia quá hạn trả nợ các khoản vay hơn 30 ngày. Như vậy, ít nhất điều này được hiểu là một dấu hiệu cho thấy hệ thống đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền đã chỉ ra những lý do “không mong đợi” giúp tỷ lệ vỡ nợ thấp.

Theo đó, các quyền sở hữu đất thường được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay. Và những tài sản này không chỉ được sử dụng cho nông nghiệp, mà thường là đất ở của người vay. Theo điều tra của LICADHO và STT, nhiều người Campuchia bị áp lực phải bán đất để trả tiền vay, trong khi đất đai chính là tài sản để tạo thu nhập của họ.

Lĩnh vực tín dụng vi mô ở Campuchia bị chi phối bởi 6 nhà cho vay, những người nắm giữ hơn 2/3 tổng số các khoản cho vay vi mô trên cả nước. KfW, ngân hàng phát triển của Đức, nắm giữ cổ phần của một trong số 6 nhà cho vay - Tổ chức Tài chính Vi mô Amret (AMI). Từ năm 2009 đến tháng 6-2016, KfW đã giải ngân tới 370 triệu USD cho các khoản vay ở Campuchia.

Những lo ngại về tình trạng mắc nợ quá mức của người đi vay được nêu rõ ràng trong một báo cáo nội bộ của KfW có tiêu đề: "Nghiên cứu về tình trạng mắc nợ quá mức ở Campuchia II". Báo cáo được viết vào tháng 10-2017, với sự hỗ trợ của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ), trong đó hơn 1.660 người vay tín dụng vi mô Campuchia đã được phỏng vấn. Mặc dù kết quả được phân loại là "bí mật", nhưng tờ Der Spiegel đã nhận được một bản sao.

Báo cáo cho thấy một nửa số người sở hữu tín dụng vi mô đã mắc nợ quá mức, 16% thậm chí được xem là "mắc nợ quá cao". Ngay cả những người không thuộc một trong hai loại này cũng chi tiêu nhiều hơn thu nhập hàng tháng của họ cho việc trả nợ. Hơn nữa, báo cáo cho biết "con nợ sử dụng các chiến lược khác nhau để trả nợ. Thí dụ, họ sử dụng hết tiền tiết kiệm của mình, nhờ các thành viên gia đình giúp đỡ tài chính, làm thêm giờ hoặc điều chỉnh thói quen ăn uống".

Báo cáo cũng lưu ý nhiều con nợ đã phải vay thêm để trả bớt những khoản vay hiện có. Trong số những người được phỏng vấn, 56% có nhiều hơn một khoản vay; 10% có 4 khoản vay. Những người này có nguy cơ bị kéo vào một vòng xoáy nợ, nơi các khoản vay hiện tại không thể trả được nếu không có những khoản vay mới. Và với mỗi khoản vay mới, phí xử lý mới cũng được áp đặt.

Những lỗ hổng lớn

Năm 2008, nhà kinh tế Jonathan Morduch của Đại học New York, lưu ý rằng vẫn còn những lỗ hổng lớn trong nghiên cứu về tín dụng vi mô, chẳng hạn như bẫy nợ và sử dụng tín dụng vi mô để tiêu dùng. Đã có nhiều chỉ trích về lãi suất cao trong thực tế. 704 tổ chức tài chính vi mô đã tự nguyện gửi báo cáo lên Bản tin MicroBanking năm 2006, theo đó lãi suất trung bình của họ là 22,3% mỗi năm.

Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn, vì chúng bao gồm lạm phát ở địa phương và chi phí nợ xấu của tổ chức tài chính vi mô. Chẳng hạn, lãi suất của Banco Compartamos (Mexico) đối với các khoản vay vi mô lên tới 86%/năm, theo báo cáo tài chính của ngân hàng khi phát hành cổ phiếu năm 2007.

Ở Ấn Độ, các tổ chức tài chính vi mô đã bị chỉ trích vì tạo ra các khoản nợ nhỏ cho người nghèo ở Andhra Pradesh với lãi suất cao và các phương pháp cưỡng chế thu hồi. Dân làng thường không biết tính lãi suất thực tế và nhận thức được hậu quả của việc vay nhiều khoản vay khi vay khoản thứ hai để xóa khoản vay đầu tiên. Năm 2010, bẫy nợ vi mô được cho là thủ phạm của hơn 80 vụ tự tử ở Andhra Pradesh.

Tại “quê hương” của tín dụng vi mô, Bangladesh, một nghiên cứu năm 2008 cho thấy một số người vay đã rơi vào vòng xoáy nợ nần, phải vay từ các nhà cho vay khác để trả nợ cho nhà cho vay trước. Các quan chức ở địa phương thậm chí được các tổ chức tài chính thuê đi thu nợ, và tỷ lệ nợ thu hồi càng cao, họ sẽ được trả tiền càng nhiều, vì vậy nhiều người đã sử dụng các biện pháp cưỡng chế và thậm chí bạo lực để thu nợ vi mô.

Tín dụng vi mô đã nhắm vào phụ nữ, vì người ta tin rằng so với nam giới nữ là khách hàng tốt hơn vì họ sử dụng tiền hợp lý hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2008 về các chương trình tín dụng vi mô ở Bangladesh, cho thấy phụ nữ thường chỉ đóng vai trò là người đi vay thay mặt chồng hoặc con trai họ, khiến đàn ông tiêu tiền, trong khi phụ nữ phải gánh trách nhiệm nợ.

Thí dụ, một nghiên cứu ở Bangladesh cho thấy, phụ nữ có quyền kiểm soát 100% đối với các khoản vay nhỏ hơn 1.000 Taka (267.000 VNĐ), nhưng chỉ kiểm soát 46% nếu khoản vay lớn hơn 4.000 Taka (1 triệu VNĐ).

Theo Văn Cường   Theo Sài Gòn đầu tư tài chính

 

Xem thêm Tài chính