THIÊN ĐƯỜNG TỰ DO VÀ XÃ HỘI CÔNG BẰNG
Nguyễn Thị Hồng Vy

  • www.doanhtri.net
  • 31-07-2017
  • 1010 lượt xem

 

Tôi luôn tự hỏi về một thiên đường, nơi tự do hiện hữu, nơi phúc lợi và an sinh được ban phát công bằng cho mọi tầng lớp xã hội. Thiên đường như thế tồn tại đâu đó trên trái đất này – vài nơi ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Thế nhưng, trái đất rộng lớn với hàng tỉ người là thế, vì sao những gì tốt đẹp lại chỉ giới hạn trên một vài lãnh thổ? Mà hậu quả của giới hạn đó dẫn đến hàng triệu người sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời, vì ước mơ về thiên đường trần thế.

Nếu ước mơ là thứ phải đạt được, thì bài viết này là để nhân rộng ước mơ đó, để quả quyết rằng những gì thật sự tốt đẹp không đâu xa mà từ chính ta tạo ra. Tôi xin bắt đầu thảo luận này bằng việc bàn về “tự do”, một món quà không thể thiếu trên thiên đường:

Charles Darwin đã ca ngợi thế giới trong tác phẩm “Nguồn gốc các loài” của mình rằng “Trong khi hành tinh này cứ quay theo một định luật hấp dẫn bất biến, thì có vô số hình thái sự sống, đẹp đẽ nhất, đã và đang tiến hoá từ một khởi đầu đơn giản đến vậy.”

Lời nói này là sự thật không thể chối cãi về một khởi đầu có lập trình của vũ trụ. Nếu như tự do là mong cầu của vũ trụ, thì tôi chắc rằng trái đất sẽ như quả bóng xì hơi vì muốn thoát khỏi lực hấp dẫn bất biến, mặt trời sẽ chọn khi nào thì mọc ở đằng Tây và khi nào thì mọc ở đằng Đông, và mọi sinh vật đều tự bay lơ lửng trên không trung, bất định và vô nghĩa. Nếu tự do thật sự tồn tại trên thế gian này, thì không chỉ con người, mà muôn vật, đều không thể tồn tại. Thế nên, ta cần cảm ơn quy luật cuộc sống đã cho ta khả năng đoán được ngày, tháng, năm; luật lệ ánh sáng và bóng tối cho ta nhận ra hình thái màu sắc và biết tạo ra lửa; hay định luật về thời tiết, mùa màng cho ta khả năng cày cấy, kiếm ăn. Để sống sót, không ai, và không thứ gì trong vũ trụ này, được quyền hưởng tự do.

Ngay cả Bản Hiến pháp của Hoa Kỳ cũng không ca ngợi tự do như một món quà được ban từ thượng đế. “Freedom is not Free.” Nó được soạn ra với mục đích kiểm soát quyền lực và cân bằng trật tự xã hội. Nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp cùng tồn tại để kềm chế lẫn nhau. Các quy định về nhiệm kì, thời gian bầu cử, và quá trình kiểm phiếu của số đông và cử tri đại diện đều nhằm áp các quy định chặt chẽ lên mọi tầng lớp. Vì vậy, cho dù là xã hội dân chủ, luật lệ vẫn luôn được tôn trọng tại Hoa Kỳ cho đến ngày nay.

Trong tác phẩm kinh điển “Chiến tranh và Hoà bình”, Leo Tolstoy đã miêu tả rất hay về ý nghĩa đích thực của “tự do”, ông cho rằng... Nếu vũ lực, giết người, nghiện ngập, là cách ta phản kháng với xã hội để có được tự do, hay nếu tham vọng ban cho ta quyền quyết định lên lối sống của bản thân và số phận của người khác, thì tất cả những điều đó chỉ là ảo tưởng. Theo bản chất, phá hoại trật tự xã hội là kết quả của quá trình mà các cá nhân bị cầm tù bởi quá khứ; và quyền lực luôn đồng nghĩa với phụ thuộc vào ý kiến và phán xét của số đông.

Tự do tuyệt đối không có thật, nó ở đó chỉ để biện bạch cho mọi bất ổn và tệ nạn. Vì thế, tự do chỉ tồn tại trên một cường độ nhất định, mà mọi sắc tộc và tầng lớp xã hội có thể chấp nhận một khi công bằng hiện hữu. Vậy “công bằng” là gì?

Cuối thế kỉ 19, Theodore Roosevelt, tổng thống thứ 26 của Mỹ, đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hoang dã của miền viễn Tây. Ông trân trọng nét bản xứ của người da đỏ, nhưng ông không cho rằng, vì miếng cơm manh áo của tộc da đỏ, mà người da trắng tại miền Đông lại không thể thực hiện các cuộc viễn trinh. “Người da trắng đạt được nhiều thành tựu và người da đỏ có quyền dấn thân vào cuộc đua nếu họ muốn.” Với Roosevelt, sự bất công là để kẻ yếu tìm cách tự phóng thích chính họ và tự tìm lấy công bằng. Và ai ngờ rằng, ông lại chính là người đón tiếp các tộc da đỏ và người da màu vào Nhà trắng trong những năm tại nhiệm của mình.

Một xã hội hoàn hảo được ví như cuộc đua Marathon. Tại đó, công bằng luôn tồn tại trong khuôn khổ của luật chơi. Trách nhiệm của Chính phủ là vẽ một đường khởi điểm. Và nhiệm vụ của người dân là đứng sau vạch khởi điểm, đợi tiếng súng báo hiệu. Ai cũng cùng một khởi đầu, nhưng chưa chắc tất cả đều về đích như nhau. Mỗi người đều tự do vạch ra chiến lược để chiến thắng - chạy nhanh để đến đích hay chạy chậm để giữ hơi. Thỉnh thoảng, chính phủ sẽ hỗ trợ nước uống để người dân khỏi mệt và tiếp tục đường đua. Một xã hội đơn giản là thế.

Vạch khởi điểm là cơ sở hạ tầng, cảnh quan thiên nhiên, môi trường không khí, hệ thống giáo dục, y tế, và luật pháp. Tất cả người trẻ, già, giàu, nghèo đều có quyền tiếp cận những căn bản đó để có một khởi đầu công bằng. Những tầng lớp khác nhau này sau đó sẽ tự theo sức mình mà tranh đấu trong cuộc sống, tìm cách tự vượt qua nghịch cảnh hoặc chấp nhận với nghịch cảnh. Nước uống tiếp sức được ví như các phúc lợi hưu trí, sự tiện lợi khi làm mọi thủ tục hành chính, và những dịch vụ công. Và cuối cùng, để xã hội phát triển bền vững là Chính phủ và người dân phải cùng tôn trọng quy tắc loại trừ - kẻ yếu sẽ không thể đến đích và phải bị loại bỏ.

Xã hội tự do là khi các cá nhân muốn thay đổi hoàn cảnh qua việc coi nhẹ luật pháp, hành động thiếu tự chủ, sử dụng vũ lực, và gây xâm hại đến người khác chỉ để thoả mãn mục đích ngay lập tức. Trong khi đó, xã hội công bằng là khi mỗi cá nhân đều có ý chí vươn lên khỏi thực tại. Và mọi ước vọng phải được đánh đổi bằng thời gian trau dồi kĩ năng, bằng mồ hôi khi làm việc tại nhà máy, và bằng trí tuệ để tìm cách vượt qua mọi nghịch cảnh. Để nhận thấy “tự do” không hiện hữu trên thế gian này, ta chấp nhận sự phụ thuộc không thể cưỡng lại đối với thế giới, với động cơ của mỗi hành động, với nguyên nhân và kết quả của cuộc sống, và từ đó, chúng ta cần đến luật pháp, quy tắc, định luật. Và khi Luật pháp tồn tại, công bằng là yếu tố duy nhất để giữ gìn sự sống.

Nguyễn Thị Hồng Vy

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe