Thay đổi nhiều vấn đề lớn trong dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu

  • www.doanhtri.net
  • 12-06-2017
  • 895 lượt xem

Tiếp thu ý kiến ĐBQH về bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉnh lý : TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.

Chiều nay 12/6, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Áp dụng Nghị quyết không làm thay đổi trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức

Trong đó, đáng chú ý nội dung một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan.

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nợ xấu cao do bất kỳ nguyên nhân nào đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và cần sớm xử lý để đưa nợ xấu về mức bình thường theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Để xác định các nguyên nhân xảy ra nợ xấu là do chủ quan hay khách quan cần phải thông qua hoạt động thanh tra, điều tra đối với từng trường hợp cụ thể. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu hiện đã được pháp luật quy định đầy đủ và đã được bổ sung trong nguyên tắc xử lý nợ xấu quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết. Việc áp dụng các quy định tại Nghị quyết này để xử lý nợ xấu không làm thay đổi trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Bổ sung ý kiến không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan ngoài chủ nợ và người gửi tiền.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiếp thu, bổ sung về các nguyên tắc này tại Điều 3 của dự thảo Nghị quyết. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết chỉ quy định các nguyên tắc có liên quan đến các chủ thể trực tiếp trong xử lý nợ xấu, việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan được thể hiện cụ thể trong các điều của dự thảo Nghị quyết.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với khoản nợ xấu trước thời điểm 31/12/2016. Một số ý kiến đề nghị cho phép xử lý các khoản nợ phát sinh trong thời hạn thực hiện của Nghị quyết để bảo đảm đồng bộ trong việc thực hiện chính sách xử lý nợ xấu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội theo 2 phương án thể hiện như trong dự thảo Nghị quyết để xem xét, quyết định.

Cho phép bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ

Về phương thức bán nợ xấu theo giá thị trường, một số ý kiến đề nghị việc bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ nên thực hiện theo phương thức đấu giá để bảo đảm công khai minh bạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và báo cáo như sau: Khoản 1 Điều 306 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm; trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản. Như vậy, việc cho phép áp dụng các phương thức khác nhau trong xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác (như Luật Đấu giá tài sản) sẽ bảo đảm hiệu quả xử lý nợ xấu nhanh với chi phí xử lý phù hợp.

Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH về bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉnh lý Điều 5 dự thảo Nghị quyết như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ”.

Tùng Lâm - Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Xem thêm Tài chính