Thank you for the Music

  • www.doanhtri.net
  • 15-10-2018
  • 2521 lượt xem

Cuối tuần rảnh rổi tôi lang thang vào Facebook của chi Nguyễn thị Sơn- hiệu trưởng trường trung học tư thục Duy Tân. Tình cờ  thấy thông báo tuyển sinh năm học 2018-2019 với clip nhạc của các em học sinh trường Duy Tân trên trang mạng. Các em bận đồng phục trông thật dễ thương, bắt mắt, chính vì vậy càng làm tôi tò mò nhấn vào nghe.

Một điệu nhạc quen thuộc Carpenters trỗi lên thật vui tươi, sinh động. Hai giọng nam và nữ chính vô cùng đáng yêu. Cả lớp học đều góp mặt tham gia. Chính nét hồn nhiên,vô tư lứa tuổi mới lớn của các em làm tôi ngồi nghe vui thích. Giọng không chuyên như ca sĩ thật thụ nhưng các em đã thu hút người nghe trong khung cảnh an bình, bạn bè, thầy cô dưới mái trường thân yêu. Nơi mà các em trải qua tuổi thanh xuân đẹp nhất của một đời người, ghi dấu ấn đậm nét. 

Điểm hay của trường trung học tư thục Duy Tân ngoài giờ học những môn chính bắt buộc như Văn Toán Lý Hoá Ngoại ngữ v.v... môn học phụ mà tôi đánh giá cao đó là âm nhạc, theo tôi đây là môn học phụ nhưng đóng vai trò rất quan trọng. Âm nhạc là cầu nối đem tất cả học sinh lại gần với nhau, cùng ca hát , nhảy múa. Các em bộc lộ cảm xúc, thư thái.

Khoa học đã chứng minh âm nhạc có ảnh hưởng tích cực đến trạng thái, tâm hồn, thể chất.
Từ lâu trong Y khoa đã ghi nhận âm nhạc như liều thuốc chữa trị. khi ta đang yêu ta thường tìm nghe những giai điệu rung động con tim. Thời tiết trong xanh ta nghe nhạc tươi vui. Tùy theo tâm trạng nhạc theo đó được chọn lọc. Buồn, vui, vu vơ, trầm tư, sâu lắng  v.v...

Dựa theo vô số nghiên cứu thực hành, âm nhạc như liệu pháp chữa trị làm giảm sự căng thẳng, lo âu, sợ hãi. Nghe nhạc hoặc chơi một loại nhạc cụ hay hát lên bài hát yêu thích làm cơ bắp thư giãn, hạ huyết áp, nhịp tim,  cũng như làm hơi thở đều hoà.

Tuỳ theo loại bệnh và thuốc đặc trị. Cạnh đó âm nhạc là phương thuốc hiệu nghiệm rất thành công cho các bệnh như trầm cảm hoặc sợ hãi, mất trí nhớ. 

Các con tôi có lần tham gia giúp vui văn nghệ cho các cụ già trong viện dưỡng lão, có cụ nghễnh ngãng nghe không rõ, có cụ lúc nhớ lúc quên lẫn lộn không nhận ra người thân. Vậy mà khi tiếng đàn guitar hoà với cây Organ  bài hát thập niên 60, 70 cất lên. Các cụ chăm chú nghe thậm chí hát theo nho nhỏ, khuôn mặt phấn khởi hết sầu muộn vì từ lâu vắng người đến thăm nom. Ông xã tôi vào năm cuối bệnh tật hầu như mất khả năng nói, vậy mà một chiều cuối đông tôi so phím đàn cùng với con  đang tập dợt bài hát cho nhà thờ, tôi đang hát:

" I've heard there was a secret chord
That David played and pleased the Lord.."

Đến đoạn điệp khúc Hallelujah, Hallelujah
Chợt một tiếng hát trầm cất lên phụ hoạ Hallelujah. Như không tin vào tai, hai con gái tôi chạy lại kế bên Ba, nắm tay Ba thật chặt và trìu mến nói:" Ba hát với con đi Ba."

Noel mùa đông năm ngoái nhờ âm nhạc mà các con tôi đã có kỷ niệm hết sức cảm động, ghi khắc trong tim. Riêng tôi chưa bao giờ đàn hát cho một buổi nhạc thính phòng nào mà xúc động như tối đó, hai con gái ngồi bệt xuống bên cạnh Ba bệnh xanh mướt mệt nhọc, cùng nhau hát nhẹ nhàng Hallelujah, trước khi Ba đi vào miền viên miễn.

Trở lại vai trò âm nhạc,tờ báo " Baby & Family" viết:
Trong thời kỳ mang thai, em bé nằm trong bụng mẹ nghe nhịp đập trái tim của  mẹ 28 triệu lần. Âm thanh này được ví như là điệu nhảy nhẹ nhàng trong bọc nước ối. 

Ca, hát,nhảy, múa, nghe nhạc không chỉ đem niềm vui mà còn giúp em bé phát triển. Trường tiểu học nếu các em chơi loại nhạc cụ trong một nhóm, các em này sẽ có vốn từ vựng phong phú hơn. Tập trung hon và phán đoán có cấu trúc, cơ sở hữu ích trong việc học Toán. Trí óc phát triển thông minh, giảm stress hiệu quả.

Âm nhạc chơi trong nhóm hay hát ca đoàn cũng là cách giúp các em phát triển quan hệ xã hội bằng cách các em cùng hợp tác và biết quan tâm đến người khác.

Tóm lại âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên cha mẹ phải xem xét năng khiếu và sở thích của đứa bé mà hướng dẫn em chọn lựa hoặc âm nhạc hoặc thể thao, bơi lội, đá banh v.v...

Đừng áp đặt, đừng nghĩ con mình là thần đồng âm nhạc mà ép các em khổ sở học nhạc cụ nếu em ấy hoàn toàn không có năng khiếu hoặc ưa thích. Rất nhiều hoạt động ngoại khoá giúp các em vui chơi lành mạnh, tạo phấn khởi thêm trong việc học hành. Thì nhà trường và cha mẹ nên cùng trò chuyện với con, cho con chọn lựa âm nhạc, thể thao hay các môn sáng tạo. Cái chính là các em có hứng thú, yêu thích bộ môn mà các em chọn theo sở thích. Từ đó sẽ giúp các em có thành tích học tập khả quan hơn. Hãy để nhà trường vừa là nơi học tập mở mang kiến thức, mà còn là nơi mai này khi các em ra đời, một thoáng nào đó nhớ về lớp cũ, trường xưa các em sẽ thấy lòng vui nhẹ nhàng như bài nhạc mà các em học sinh Duy Tâm cùng hát, nhảy múa với nhau thật hồn nhiên, thật vô tư và đáng yêu biết bao. 

Top of the world của Carpenters là một trong những bài mà cô hay hát lúc còn trẻ. Cô "tạm phỏng dịch "một đoạn tặng cho các em học sinh Duy Tân trong clip nhạc nhé

"Lòng hân hoan như trên chín tầng mây
Bởi tình yêu dành cho em nồng cháy 
Có em bên mình ta cất khúc hoan ca

(I'm on the top of the world lookin' down on creation
And the only explanation I can find
Is the love that I've found ever since you've been around
Your love's put me at the top of world)

Nguồn tin tức " Baby & Family " " Welt der Wunder "

Ngọc Bích 

 

Xem thêm Văn Nghệ