Tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại

  • www.doanhtri.net
  • 21-09-2018
  • 567 lượt xem
(Chinhphu.vn) – Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 diễn ra vào chiều 20/9.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Mục đích xây dựng và ban hành luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cho cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định pháp luật, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Dự luật được xây dựng trên quan điểm quán triệt và thực hiện chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng thể chế, chính sách tài chính, quản lý thuế. Bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các văn bản pháp luật về thuế, phí, quản lý ngân sách và quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, bảo đảm Luật quản lý thuế phải có tính thực tiễn cao, cụ thể, bao quát các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan liên quan, cũng như quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế. Kế thừa những nội dung quy định của Luật quản lý thuế hiện hành còn giá trị thực hiện, tập trung sửa đổi những quy định còn bất cập và bổ sung những, chuẩn mực theo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, bởi các lý do sau: Để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế. Tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút  đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập. Tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng  rộng  rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch. Khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay đồng thời rà soát và thống nhất giữa Luật quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.

Qua rà soát, có 108 điều quy định trong Luật quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi) được xây dựng bao gồm 17 chương, 153 điều, quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.

Về cơ bản dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như Luật quản lý thuế hiện hành.

Theo đó, Luật quy định việc quản lý các loại thuế và các khoản thu thuộc NSNN do cơ quan quản lý thuế (bao gồm cả cơ quan thuế và hải quan) thu. Đồng thời, để bao quát tất cả các nguồn thu của NSNN, dự thảo Luật quy định: Căn cứ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan, Chính phủ quy định việc quản lý đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.

Về nội dung, nguyên tắc quản lý thuế và các hành vi bị cấm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nội dung quản lý thuế được kế thừa các quy định hiện hành, đồng thời tại dự thảo Luật có bổ sung các nội như: không thu thuế; khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; quản lý hoá đơn, chứng từ; hợp tác quốc tế về thuế; kế toán, thống kê về thuế…

Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung một số nguyên tắc như: áp dụng nguyên tắc bản chất quyết định hình thức trong việc xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế; áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Các quy định này góp phần sẽ tạo điều kiện tiếp cận với cơ chế quản lý thuế hiện đại và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Luật quản lý thuế hiện hành đã quy định một số hành vi bị cấm tại một số điều như: cấm sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác; chiếm dụng hoặc sử dụng trái phép tiền thuế... Để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, dự thảo Luật đã bố trí một điều riêng quy định về những hành vi bị cấm trong quản lý thuế nhằm thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc và các nội dung quản lý thuế.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) cho rằng hồ sơ dự án luật đã bảo đảm yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thống nhất với tên gọi của Luật là Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Tuy nhiên, để có cơ sở thẩm tra, đánh giá và các đại biểu Quốc hội có căn cứ, xem xét cho ý kiến đối với từng nội dung vấn đề, đề nghị Chính phủ có thuyết minh rõ hơn trong Tờ trình về những cơ sở, nguyên nhân, lý do cần bổ sung các quy định mới và bỏ những quy định không còn phù hợp trong luật hiện hành.

Thường trực Ủy ban TCNS cũng cho rằng, so với luật hiện hành, thì trong dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa thật cụ thể.

Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật; những vấn đề về nguyên tắc quản lý thuế; những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; đăng ký thuế; khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế; xử lý nợ đọng thuế; điều khoản chuyển tiếp;… là những nội dung lớn được các thành viên UBTVQH tập trung đóng góp ý kiến tại thảo luận.

Nguyễn Hoàng

 

Xem thêm Thời sự