Tăng mức phạt, thêm hình thức phạt bổ sung VPHC lĩnh vực giáo dục

  • www.doanhtri.net
  • 03-10-2018
  • 807 lượt xem
(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013.
Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được ban hành dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học. Hiện nay, 02 Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số vấn đề, theo đó, một số nội dung của Nghị định số 138/2013/NĐ-CP cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với 02 Luật trên.

Bên cạnh đó, sau gần 05 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và yêu cầu của thực tiễn như: Các quy phạm pháp luật về giáo dục nói chung còn thiếu chế tài, cần được bổ sung trong đó chế tài xử phạt hành chính là một loại chế tài quan trọng.

Khung tiền phạt của một số hành vi không còn phù hợp, cần sửa đổi để đảm bảo sức răn đe.Thiếu các biện pháp khắc phục hậu quả mang tính đặc thù của ngành giáo dục.

Từ các lý do nêu trên, việc nghiên cứu, ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP là rất cần thiết.

Một số nội dung mới cơ bản của dự thảo Nghị định

Dự thảo bổ sung quy định hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định, gồm: Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng đối với các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; quyết định cho phép hoạt động; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.

Nhằm khắc phục triệt để hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, dự thảo Nghị định đã bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 3 như: Buộc hủy bỏ phôi văn bằng chứng chỉ đã in không đúng nội dung quy định; buộc huỷ bỏ văn bằng, chứng chỉ, bản sao văn bằng, chứng chỉ do gian lận để được cấp, cấp không đúng thẩm quyền, cấp không đủ điều kiện; có nội dung không đúng quy định; bị tẩy xóa, sửa chữa; để cho người khác sử dụng.

Đồng thời dự thảo sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm từ Điều 6 đến Điều 37 để có cơ sở pháp lý xử lý các vi phạm diễn ra trên thực tế, gồm: Các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm; hành vi vi phạm quy định hoạt động tư vấn du học, vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; các hành vi vi phạm về thông báo tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh; vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh, quy trình tuyển sinh, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh; các hành vi vi phạm về mở ngành đào tạo, về chương trình đào tạo, đào tạo liên thông, liên kết đào tạo, đào tạo cấp chứng chỉ.

Các hành vi vi phạm về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng sách, giáo trình, tài liệu, thiết bị dạy học; vi phạm quy định về học phí, lệ phí và các khoản thu khác; vi phạm về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, đảm bảo điều kiện an toàn về cơ sở vật chất trường, lớp học; về kiểm định chất lượng giáo dục.

Dự thảo cũng đề xuất tăng mức xử phạt để răn đe và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây bức xúc trong xã hội trong thời gian như: vi phạm quy định về xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm; vi phạm quy định về xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học; vi phạm quy định về thu học phí, lệ phí và các khoản thu khác… Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục đối với cá nhân là 50.000.000 đồng.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh

Xem thêm Tin Pháp luật