TÂM TÌNH ANH LÍNH BIÊN PHÒNG
Nguyễn Trí Tuệ

  • www.doanhtri.net
  • 05-03-2019
  • 775 lượt xem

Trong cuốn " thép đã tôi thế đấy" anh ấy thích nhất một câu nói "Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí... ". Thực ra khi nhà văn Nga Nikolai A.Ostrovsky gởi nỗi lòng cho Pavel Korchagin nhân vật chính của tác phẩm là gởi khát vọng sống cao đẹp của một thế hệ thanh niên đang sống trong thời nội chiến muốn dâng hiến tuổi thanh xuân cho non sông đất nước. 

Còn anh ấy chỉ là một gã thanh niên lông nhông, một anh lính không thân thế lại thẳng thắn, chân thành thích câu đó theo nghĩa riêng của mình. Anh ấy chẳng có tài cán gì, cuộc đời đã ưu ái dành cho anh ấy một vị trí đứng. Tự đáy lòng mình anh ấy biết ơn và muốn được thể hiện sự biết ơn thông qua phục vụ cộng đồng, xã hội một cách thiết thực nhất. 
Thế là anh ấy chọn cách dấn thân. Ngày ấy khi về đơn vị mới phải băng rừng lội suối nhiều giờ mới đến được nơi đóng quân. Bỏ ba lô xuống là dò xem có sóng điện thoại không, cứ cầm cái điện thoại đi quanh như mấy anh công binh rà bom vậy, thậm chí còn leo lên cây, lên cả nóc nhà để tìm mà tuyệt nhiên chẳng có một tín hiệu nào để hy vọng kéo lại khoảng cách với vợ con. Buồn. Nhìn quanh đơn vị lại buồn hơn. Mấy căn nhà cấp bốn nằm lặng lẽ giữa đồi núi hoang vu, ở đây cái quý nhất chỉ có thể là... không khí trong lành, cái nhiều nhất là bạt ngàn cây, cái màu đặc trưng để yêu quý nhất là màu xanh ngút ngàn của Trường Sơn hùng vĩ. Ngôi nhà gần nhất để gọi là láng giềng cũng cách đây vài cây số và con đường kết nối xuống nhà dân phải vòng vèo theo sườn núi, băng qua hai con suối mà chỉ cần một cơn mưa rừng thôi là đủ chia cắt hoàn toàn.

Mình sẽ trụ vững thôi. Anh ấy tự nhũ với lòng mình như vậy. Ngày làm việc, tối ngắm sao trời, mấy chú cháu anh em quây quần bên nhau vô cùng đầm ấm. Thời đó đơn vị khi đông nhất cũng không quá 10 người, chẳng phải họp hành nắn gân nắn cốt gì mà làm việc hăng say như... bị lên đồng vậy. Khi bẫy được con gà rừng, khi câu được con cá suối, chú cháu lại ôm cây đàn, kẻ đánh đàn, người gõ chén, gõ nồi vậy mà hát đến say xưa. Từ ngày anh lên, bà con biết đơn vị bộ đội có thầy thuốc rồi, thế là ai đau ốm gì cũng đưa lên nhờ anh xem giúp, không đi được thì anh xuống tận nhà. Vì thế bà con quý anh lắm, nhà có chuyện cúng kiến giỗ chạp gì cũng mời anh xuống chơi, thậm chí cúng đầy tháng... trâu bò đẻ họ cũng lên mời anh xuống nhậu (trâu bò đẻ 3 ngày bà con cúng tạ gọi là cúng đầy tháng) Hồi đó bà con còn khó khăn lắm, con trâu con bò là khối tài sản lớn, lễ tạ đôi khi chỉ vài món cá suối, rau rừng thêm con gà con vịt chăn thả trong vườn mà ấm áp tình quân dân.
Gian khổ thật đấy, khó khăn thật đấy, nhưng anh biết làm sao có thể sánh được với những đồng đội đang ngày đêm kiên cường bám đường biên, cột mốc; làm sao sánh được với những đồng đội đang vững vàng giữ đảo, giữ biển.

Tạo hóa luôn công bằng, cuộc sống ở đây khó khăn thì thiên nhiên vô cùng tươi đẹp và hùng vĩ. Những đỉnh núi ẩn trong sương mờ, những áng mây với đủ sắc màu thoắt đến thoắt đi như đôi trai gái sau giây phút hẹn hò lại hối hả về với công trường xí nghiệp để tạo thêm cho đời hoa thơm trái ngọt. Những khi rỗi rãi, anh leo lên những ngọn núi cao, phóng tầm mắt ra xa, một non xanh trải dài như bất tận. Ôi non nước biên phòng mới rực rỡ làm sao, tiếng suối reo, tiếng chim hót, tiếng con sóc con nai rừng í ới gọi nhau, chấp chới trên cao là những cánh cò, là những đàn chim đang bay lượn, chúng bay theo hình mũi tên, con đầu đàn bay trước, những con khỏe còn lại dạt về hai bên, những con yếu bay ở giữa để được bảo vệ chở che, chúng hiểu chỉ có nương tựa vào nhau mới vượt qua môi trường sống khắc nghiệt. Rừng không vô hồn như bạn tưởng, dưới những tán lá xanh là nhịp sống vô cùng sôi động mà chỉ thực sự tĩnh lặng tâm hồn ta mới cảm nhận được. Xa xa dưới những ngọn núi sừng sững là dòng sông lặng lẽ men theo vách đá mang phù sa về xuôi chảy ra biển lớn, như khát vọng của con người vươn tới vinh quang.

Anh ấy cũng vậy thôi, chỉ như là chiếc lá tô điểm thêm cho sắc rừng hùng vĩ, chỉ là một trong rất, rất nhiều dòng suối nhỏ hội lại thành sông tô điểm thêm cho bức tranh non nước. 

Đó chẳng phải là niềm vui sao


Tháng 3/2019
NGUYỄN TRÍ TUỆ

 

Xem thêm Văn Nghệ