Shark Tank mùa 2: startups công nghệ chiếm số lượng áp đảo

  • www.doanhtri.net
  • 07-06-2018
  • 1414 lượt xem

(Chinhphu.vn) - Số lượng startups thuộc lĩnh vực công nghệ đặc biệt chiếm ưu thế nổi trội - một minh chứng cho thấy làn sóng phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư tham gia Shark Tank mùa thứ 2. Ảnh: VGP/Phương Hiền

Shark Tank mùa 1: 117 tỷ đồng cam kết rót vào startups

Theo công bố tại buổi họp báo chiều ngày 5/6 để khởi động Shark Tank Việt Nam mùa 2 (Chương trình truyền hình thực tế dành cho những người khởi nghiệp), đã có 22 startups nhận được cam kết rót vốn đầu tư trên tổng số 48 DN từng tham gia “đấu trí” cùng các nhà đầu tư (“cá mập”) trên sóng VTV3 trong mùa 1 vừa qua.

Tổng số vốn nhóm “cá mập” đã chốt cho những DN này lên đến gần 117 tỷ đồng. Ngay sau khi chương trình kết thúc phát sóng mùa 1 vào tháng 2/2018, các nhà đầu tư và startups đã nhanh chóng bắt tay triển khai các công đoạn thẩm định doanh nghiệp (Due Diligence) để tiến tới ký kết hợp đồng đầu tư và giải ngân.

Cho đến nay, đã có 7 công ty hoàn thành việc ký kết hợp đồng đầu tư và nhận giải ngân. Một số công ty khác vẫn đang trong quá trình thẩm định doanh nghiệp và hoàn thiện hồ sơ để tiếp nhận vốn từ “cá mập”.

Với sự cố vấn của những nhà đầu tư “lão làng” từ Shark Tank Việt Nam, nhiều startups ở mùa 1 đã nhanh chóng có những bước phát triển tích cực như Tigtac, Emwear, Ogami, Supership, Phleek, Dấm Thủy Tâm… Thậm chí dự án Soya Garden với sản phẩm từ đậu nành chuẩn hữu cơ còn thuyết phục thành công “cá mập” Nguyễn Ngọc Thủy tăng gấp 4 lần số vốn cam kết đầu tư trên sóng truyền hình (từ 5 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, đáng tiếc cũng đã có một số công ty không thành công trong quá trình thẩm định lại DN. “Cá mập” Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Sunhouse, cho rằng đang có sự vênh nhau quá lớn giữa các số liệu được startups công bố trên truyền hình và số liệu khi thẩm định lại sổ sách và thông tin pháp lý của DN.

“Tôi cam kết đầu tư cho 7 thương vụ ở Shark Tank mùa 1 nhưng khi kiểm toán lại các startups này tôi thật sự bất ngờ về sự hiểu biết sơ sài trong quản trị lẫn tư duy của những người sáng lập DN khi kêu gọi nhà đầu tư cùng đồng hành. Độ sai lệch của thông tin trên thực tế so với thông tin công bố trên truyền hình lên tới hàng chục lần” – dẫu nghiêm khắc nhận xét như vậy nhưng “vua chảo” cho hay vẫn giữ đúng cam kết “xuống tiền” cho startups đã chọn.

Shark Tank mùa 2: nhiều “cá” mới nhập cuộc

Bên cạnh những “đại gia” từng xuất hiện ở mùa 1 đến từ những tên tuổi như VinaCapital, Sunhouse, Cengroup, Egroup, năm nay Shark Tank Việt Nam thậm chí còn thu hút sự tham gia của các “gương mặt mới” như Intracom, TTC, Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) và Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan - người đã từng rót vốn cho hàng loạt startups Việt trước đó như Tiki, Foody, Vatgia, Luxstay, Topica…

Theo ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cựu “cá mập” Shark Tank mùa 1, Shark Tank Việt Nam có khác biệt lớn so với các Chương trình Shark Tank của Mỹ.

Tại Việt Nam, đây không đơn giản là game show của truyền hình thực tế hay diễn đàn để kết nối nhà đầu tư với startups mà thực ra là nơi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của người Việt, là nơi để hàng triệu người có thể hiểu rõ khởi nghiệp chông gai ra sao.

Trong “vai” của người chèo chống con thuyền một DN hết sức đặc thù mới tròn 10 năm tuổi, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong khẳng định thị trường luôn có “đất” cho startups khởi nghiệp, “là ngân hàng sinh sau đẻ muộn, chúng tôi đã vươn lên từ vị trí 42/42 ở cuối bảng tổng sắp các ngân hàng tại Việt Nam để gia nhập nhóm ngân hàng tầm trung và giữ được vị thế hàng đầu là ngân hàng ứng dụng công nghệ số. Về khía cạnh nào đó, ấy chính là khởi nghiệp”, người đại diện Tiên Phong Bank chia sẻ, đồng thời hứa hẹn sẽ cho vay thêm và tư vấn về quản trị DN cho các startups gọi vốn thành công ở Shark Tank Việt Nam mùa 2.

Theo Ban tổ chức, năm nay Shark Tank đã hấp dẫn đông đảo startups trên cả nước đăng ký tham gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, số lượng startups thuộc lĩnh vực công nghệ đặc biệt chiếm ưu thế nổi trội - một minh chứng cho thấy làn sóng phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Cùng với các cuộc thi và phong trào khởi nghiệp đang nhận được sự cổ vũ mạnh mẽ của toàn xã hội, tường thuật các thương vụ gọi vốn ngay trên sóng truyền hình đang là phương thức đưa những bài học thực tế để phổ cập kiến thức khởi nghiệp kinh doanh tới toàn xã hội một cách sinh động nhất. Do đó, Đài Truyền hình Việt Nam cũng tuyên bố sẽ tăng cường thời lượng cho chương trình từ 30 phút lên 45 phút ở mỗi tập phát sóng. Cùng với đó, Shark Tank sẽ được phát sóng vào “khung giờ vàng”, lúc 20h30 phút tối thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV3, bắt đầu từ ngày 04/7/2018.

Shark Tank VN mùa 2 sẽ có 4 nhà đầu tư chính: 

- Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse

-  Shark Thái Vân Linh – GĐ Vận hành & Chiến lược Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital

- Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT – CTCP Tập đoàn Thế kỷ Cengroup

- Shark Nguyễn Mạnh Dũng (Dzung Nguyễn) – GĐ Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan. 

 Bốn nhà đầu tư khách mời:

- Shark Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch HĐQT kiêm Nhà sáng lập Tập đoàn Egroup, TGĐ CTCP Anh ngữ Apax

- Shark Louis Nguyễn – Chủ tịch HĐQT & TGĐ Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM)

- Shark Nguyễn Thanh Việt – Chủ tịch HĐQT & TGĐ CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông Intracom. 

- Shark Đặng Hồng Anh – Phó Chủ Tịch Tập đoàn TTC, Chủ Tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA

Phương Hiền

Xem thêm Doanh nghiệp