Sáng suốt lựa chọn người có đức có tài Kỳ 5: Vận động bầu cử: Chủ động, sáng tạo, linh hoạt

  • www.doanhtri.net
  • 12-05-2021
  • 456 lượt xem
Việc tổ chức cho những người ứng cử được đi tiếp xúc cử tri phải được tiến hành rộng rãi để các ứng cử viên tiếp xúc với người dân, tránh tiếp xúc hình thức. Ảnh minh họa
 
(Chinhphu.vn) - Người ứng cử được tiếp cận rộng rãi với cử tri và bảo đảm bình đẳng giữa những người ứng cử bằng các hình thức phù hợp, không trái với quy định của pháp luật, không vi phạm những điều cấm trong vận động bầu cử.
 
Sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, những người ứng cử sẽ thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định của pháp luật. Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ sáng ngày 22/5/2021).
 
Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV. 
 
Ông Ngô Sách Thực cho biết, ở từng bước hiệp thương, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều có đánh giá sơ bộ. Đến nay những nội dung ở từng vòng hiệp thương đều được MTTQ các địa phương thực hiện dân chủ, khách quan và đúng theo quy định của pháp luật.
 
“Chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của những người ứng cử, chính vì vậy tiêu chuẩn, đạo đức, năng lực trình độ của những ứng cử viên rất được quan tâm. Hay như đối với các đại biểu chuyên trách phải có chuyên môn sâu để tham gia xây dựng pháp luật, thực hiện nhiệm vụ giám sát. Đặc biệt, những người được chính thức giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp phải được sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú”, ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
 
Trong công tác bầu cử, MTTQ các cấp có 5 quyền và trách nhiệm quan trọng. Đó là: Tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; Tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; Phối hợp với các cơ quan Nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; Tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; Thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử.
 
Ngay sau hội nghị hiệp thương lần 3, Ban Thường trực Ủy ban  MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức hội nghị cử tri để những người ứng cử đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử.
 
“Việc tổ chức cho những người ứng cử được đi tiếp xúc cử tri phải được tiến hành rộng rãi để các ứng cử viên tiếp xúc với người dân, tránh tiếp xúc hình thức. Trong tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử là phải tạo ra công bằng cho các người ứng cử. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri thì việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng là kênh quan trọng để các ứng cử viên được thực hiện quyền vận động bầu cử”, ông Ngô Sách Thực chia sẻ.
 
Các ứng cử viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX trao đổi với các cử tri. Ảnh minh họa
 
Ông Ngô Sách Thực cho hay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, mỗi ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động và chương trình hành động này được cơ quan Mặt trận lưu giữ để làm cơ sở giám sát hoạt động của đại biểu nếu trúng cử.
 
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 và việc bùng phát dịch bệnh trở lại ở nhiều quốc gia trong khu vực và ở nước ta, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
 
Theo đó, cần bảo đảm người ứng cử được tiếp cận rộng rãi với cử tri và bảo đảm bình đẳng giữa những người ứng cử bằng các hình thức phù hợp, không trái với quy định của pháp luật, không vi phạm những điều cấm trong vận động bầu cử.
 
Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
 
Đối với những địa phương ở trạng thái bình thường hoặc thực hiện giãn cách xã hội thì có thể tổ chức hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến, xác định rõ số lượng và thành phần đại biểu tham dự hội nghị theo đúng quy định tại Điều 66, Luật Bầu cử. Việc mời và xác định số lượng, thành phần đại biểu tham dự có thể thực hiện qua các nền tảng công nghệ thông tin; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
 
Những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) báo cáo cấp ủy, các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp lựa chọn hình thức phù hợp, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua hình thức các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử, niêm yết, in gửi, đăng tải về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri.
 
Trong trường hợp người ứng cử bị mắc COVID-19 đang điều trị tại cơ sở y tế hoặc đang được cách ly thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp về cách thức tổ chức vận động bầu cử, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Nhật Nam    https://baochinhphu.vn/
(Còn nữa)

Xem thêm Thời sự