Sách giáo khoa riêng của TP HCM chờ chương trình của Bộ Giáo dục

  • www.doanhtri.net
  • 06-12-2018
  • 744 lượt xem

Sở Giáo dục không soạn sách giáo khoa riêng mà chỉ làm cầu nối, tập hợp đội ngũ chuyên gia và phối hợp cùng nhà xuất bản.

Sáng 6/12, ngày làm việc thứ ba kỳ họp 12 HĐND TP HCM khóa IX diễn ra với phần chất vấn người đứng đầu các sở, ngành. Tỏ ra sốt ruột, đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục Lê Hồng Sơn cho biết tiến độ xây dựng bộ sách giáo khoa riêng của thành phố.

Theo ông Lê Hồng Sơn, bộ sách riêng của thành phố được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa". Sở sẽ phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện bộ sách này.

"Sở là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục, không có chức năng biên soạn sách giáo khoa. Chúng tôi đóng vai trò tập hợp nhân lực, đội ngũ nhà giáo, chuyên gia để xây dựng bộ sách", ông Sơn lý giải.

Ông Lê Hồng Sơn trả lời chất vấn tại HĐND TP HCM sáng 6/12. Ảnh: Hữu Khoa.

Ông Lê Hồng Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: Hữu Khoa.

Giám đốc Sở Giáo dục cho biết, khâu chuẩn bị đã sẵn sàng nhưng chưa thể tiến hành viết sách bởi chưa có chương trình các môn học của Bộ Giáo dục. Khi có, đội ngũ chuyên gia sẽ bắt tay biên soạn ngay để hoàn thành trình Bộ thẩm định quyết định cho phép sử dụng hay không.

Ông Sơn nhắc lại thông tin sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng chậm nhất từ năm học 2020-2021, theo phát biểu mới nhất của Bộ trưởng Giáo dục. Với lộ trình này, bộ sách của TP HCM có thể ra sau bộ sách giáo khoa chung nên sẽ không xảy ra tình trạng thiếu sách khi áp dụng chương trình phổ thông mới.

Về chất lượng bộ sách trong tương lai, ông Sơn tự tin "sẽ tốt", bởi đội ngũ viết không chỉ là giáo viên giỏi ở các trường phổ thông mà còn các giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm. Mục tiêu bộ sách giáo khoa của TP HCM là bám sát chương trình khung do Bộ Giáo dục ban hành; có tính đặc trưng của thành phố; tích hợp các môn theo khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hướng tới phát triển năng lực của học sinh.

"Lựa chọn sách giáo khoa nào dể dạy là do hội đồng chuyên môn các trường quyết định, Sở không có quyền không can thiệp. Quan trọng là phương pháp đánh giá học sinh phải thống nhất", ông Sơn nói. 

Không để giáo viên dạy trẻ khuyết tật bị thiệt thòi

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc cũng quan tâm vấn đề chính sách trợ cấp giáo viên dạy hòa nhập cho người khuyết tật được thành phố triển khai từ năm 2011 đến 2017 thì dừng. "Sở Giáo dục sau đó xin thành phố tiếp tục triển khai, hiện đã được áp dụng chưa, trách nhiệm thuộc về ai, quyền lợi của giáo viên bị ảnh hưởng thế nào", bà Ngọc chất vấn.

Ông Sơn cho biết, từ cuối năm 2015 Sở Tư pháp rà soát văn bản theo quy định, đề nghị ngành giáo dục dừng việc trợ cấp. Vừa qua, Sở Giáo dục tiếp tục trình UBDN thành phố thực hiện lại chính sách này, hai sở Tài chính và Tư pháp đã nhất trí.

"Hơn ai hết, chúng tôi hiểu sự vất vả của giáo viên lĩnh vực này và muốn hỗ trợ tối đa cho họ. Việc thực hiện lại trợ cấp sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, kể cả việc truy lãnh thời gian tạm dừng vừa qua", ông Sơn cho hay.

Mạnh Tùng     vnexpress.net

Xem thêm Thời sự