Quan hệ quân sự Mỹ - Trung căng thẳng giữa chiến tranh thương mại

  • www.doanhtri.net
  • 20-10-2018
  • 467 lượt xem

Giới chuyên gia cho rằng khi cuộc chiến thương mại vẫn tiếp diễn, quan hệ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc sẽ không thể được cải thiện.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Bắc Kinh ngày 18/10. Ảnh: AFP.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Singapore ngày 18/10. Ảnh: AFP.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 4/10 có bài phát biểu quyết liệt nhất từ trước tới nay nhắm vào Trung Quốc khi gọi Bắc Kinh là "đối thủ chiến lược chính" của Washington, cáo buộc nước này tìm cách hạ uy tín của Tổng thống Donald Trump và khẳng định Mỹ sẽ "không chịu chùn bước cả về kinh tế lẫn quân sự".

Phát ngôn cứng rắn của Pence được ví như dầu đổ vào ngọn lửa vốn đã rất nóng vì chiến tranh thương mại trong quan hệ Mỹ - Trung. Trong nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề một hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á tại Singapore hôm 18/10, theo CNBC.

Không có thỏa thuận mới được công bố sau cuộc gặp, nhưng truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng hai bên đã đồng ý làm sâu sắc thêm niềm tin lẫn nhau trong cuộc thảo luận kéo dài 1,5 giờ. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước cũng thảo luận về lời mời ông Ngụy đến thăm Washington.

Tuy nhiên, không rõ liệu cuộc đàm phán có thể cải thiện đáng kể các liên kết quân sự đã bị ảnh hưởng kể từ khi cuộc chiến thương mại lan sang các khía cạnh khác của mối quan hệ Mỹ - Trung hay không. Mỹ hồi cuối tháng trước áp mức thuế 10% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tuyên bố mức thuế mới lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ. Trước đó, hai bên đã áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa của đối phương.

"Các vấn đề khác sẽ cần được giải quyết trước khi Mỹ và Trung Quốc có thể tiếp tục đối thoại quân sự", Alexander Neill, chuyên gia cao cấp về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận xét. "Quan hệ quân sự vốn luôn tụt lại so với các mặt khác trong quan hệ song phương, vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ không có tiến bộ nào cho đến khi chiến tranh thương mại và các vấn đề kinh tế khác được xử lý".

Quan hệ quân sự Mỹ - Trung đã xấu đi trong vài tháng gần đây. Sau các hành động quân sự hóa của Bắc Kinh tại Biển Đông, Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC vào tháng 5. Hồi tháng 9, một chỉ huy hải quân Trung Quốc hủy chuyến thăm đối tác Mỹ. Một tàu hải quân Mỹ còn bị từ chối thăm cảng ở Hong Kong. Cũng trong tháng đó, Bắc Kinh trì hoãn các cuộc đàm phán chung sau khi Nhà Trắng trừng phạt một đơn vị Trung Quốc vì mua vũ khí Nga.

Đối thoại quân sự có thể cải thiện tình hình một chút nhưng sẽ không bên nào có những nhượng bộ lớn, Michael J.Green, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói.

Mặc dù quốc phòng là một trong những phần ổn định hơn và dễ dự đoán hơn của quan hệ song phương, "chiều hướng xấu đi có khả năng sẽ tiếp tục", Green đánh giá.

Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh có thể tăng cường phản ứng quyết liệt đối với các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

Ngày 30/9, tàu chiến Lan Châu của Trung Quốc áp sát tàu khu trục Mỹ USS Decatur ở khoảng cách chỉ vài chục mét. Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết chiến hạm này được Trung Quốc triển khai để cản trở tàu Decatur thực hiện quyền tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Neill cho rằng trong tương lai có thể có các cuộc chạm trán nguy hiểm hơn giữa các tàu Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhận định những bất đồng đơn thuần về mặt kỹ thuật như vậy sẽ khiến tình hình không leo thang thành xung đột toàn diện.

"Quân đội Trung Quốc tính toán rằng họ tụt hậu 15 năm so với Mỹ, vì vậy, Bắc Kinh không tự tin rằng họ có thể đạt được điều mình muốn bằng đối đầu quân sự trực tiếp", Green nói.

Phương Vũ     vnexpress.net

 

Xem thêm Thế giới