Quản ATTP: Chuyển sang hậu kiểm cùng chế tài mạnh

  • www.doanhtri.net
  • 18-12-2017
  • 585 lượt xem

(Chinhphu.vn) – Các ý kiến đánh giá Nghị định mới về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế xây dựng đã tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra ngày 14/12, đại diện Hiệp hội các DN, địa phương đã bày tỏ ủng hộ những thay đổi của Bộ Y tế khi xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP.

Dự thảo đã cho phép DN sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm được tự công bố hợp quy, thay đổi căn bản kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, thu gọn quản lý quảng cáo thực phẩm…

Nhờ vậy, có tới 90% số thủ tục đã được bãi bỏ, cơ quan nhà nước sẽ giám sát theo phương thức quản lý rủi ro, kiểm tra hậu kiểm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết thêm dù quy định đối với DN “thoáng” hơn nhưng nếu vi phạm mức độ xử lý sẽ rất nặng.

Cụ thể, những DN không công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm hợp quy sẽ bị xử lý. Những DN đã công bố nhưng thực hiện không đúng theo công bố sẽ bị xử lý. Và nặng nhất là những DN có sản phẩm buộc phải kiểm nghiệm theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước mà không đạt các chỉ tiêu an toàn sẽ bị rút ngay giấy phép kinh doanh sản phẩm đó. Sau khi hết thời hạn xử phạt, những DN này sẽ nằm trong danh sách bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong khi các DN khác chỉ kiểm tra 1 lần.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng Nghị định mới thay thế Nghị định 38 đã thực hiện theo xu hướng thế giới là quản lý theo nguy cơ, rủi ro về ATTP.

“Đây là sự đổi mới về tư duy và cần làm sao để tiếp tục hoàn thiện các quy định và hình thành thói quen, nếp làm việc, quản lý ATTP theo rủi ro”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhiều lần dự các cuộc đối thoại giữa Bộ Y tế với các DN về các bất cập trong Nghị định 38. 

Theo các DN, một trong những thay đổi căn bản nhất trong dự thảo thay thế Nghị định 38 là quy định về tự công bố hợp quy. Theo Nghị định 38, DN phải xin xác nhận công bố từ cơ quan nhà nước.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng việc cấp xác nhận công bố phù hợp quy định về ATTP không làm thay đổi trách nhiệm của DN về ATTP đối với sản phẩm được công bố, nhưng lại dễ bị lạm dụng biến thành cấp phép, dẫn đến xin-cho trên thực tế.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2015, Cục An toàn thực phẩm cấp khoảng 35.000 giấy xác nhận và con số này tiếp tục tăng mạnh trong 2017, có thể lên tới 45.000 giấy phép. Điều này tiêu tốn của DN 5,4 triệu ngày làm việc và hàng ngàn tỷ đồng chi phí mỗi năm.

Khảo sát của CIEM cũng cho thấy để xin được một giấy xác nhận, trung bình DN mất khoảng 10 triệu đồng với thực phẩm thường và khoảng 30 triệu đồng với thực phẩm chức năng (gồm chi phí chính thức và cả phi chính thức). Thời gian xin xác nhận trung bình là 4 tháng.

Thanh Hằng

 

Xem thêm Thời sự