Phát động nhân dân phòng chống tội phạm - bài học không bao giờ cũ

  • www.doanhtri.net
  • 17-05-2018
  • 688 lượt xem

(Chinhphu.vn) - Phòng, chống tội phạm là một nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm tiếp tục được Đảng, Nhà nước chỉ đạo sát sao và đạt được những kết quả tích cực.

Mặc dù vậy, diễn biến tội phạm vẫn rất phức tạp. Đối tượng phạm tội trong nhiều vụ việc hết sức manh động, sẵn sàng chống trả một cách hung hãn, tàn bạo… khiến người dân bất an. Vụ án nhóm trộm cướp xe máy sát hại các “hiệp sĩ” Tân Bình ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3, TPHCM, vào tối 13/5 vừa qua là một ví dụ.

Vấn đề đặt ra là để phòng chống tội phạm hiệu quả, ngoài hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật chuyên nghiệp (Công an, Tư pháp, Thanh tra…), vai trò của quần chúng nhân dân cũng hết sức quan trọng.

Đáng chú ý, đã có nhận định mang tính tổng kết từ thực tiễn là: “Bên cạnh những nghị định, quyết định của Nhà nước, cần phải phát động phong trào trong nhân dân, dựa vào dân trong công cuộc phòng chống các loại tội phạm”.

Đó cũng là kinh nghiệm dẫn đến thành công trong trấn áp tội phạm, bảo bảo ổn định an ninh, trật tự xã hội cho đất nước trong giai đoạn vô cùng phức tạp của lực lượng Công an nhân dân trong những thập niên 70, 80, 90 của thế kỷ trước.

Mời bạn đọc xem video trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Chính phủ của cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ (thời kỳ 1987-1991) vào năm 2005 để thấy rõ hơn vấn đề này.

Theo lời ông Mai Chí Thọ (khi đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Giám đốc Công an Thành phố), sau ngày giải phóng Sài Gòn, cũng là giải phóng miền Nam (30/4/1975), tình hình khoảng một năm đầu rất ổn. Nhưng sau đó, tình hình hết sức khó khăn do chủ quan, sai lầm trong cải tạo cũng có, rồi khó khăn của thời kỳ bao cấp, rồi ta phải chống Pol Pot ở biên giới (Việt Nam-Campuchia), đời sống nhân dân đói khổ... cho nên tội phạm hình sự, tội phạm chính trị nổi lên rất ghê gớm.

Chuyện phức tạp đến mức Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đó nói với Bộ trưởng Mai Chí Thọ: "Tôi không thể chịu được chuyện ở Thành phố này, ngày nào cũng có tiếng súng. Các đồng chí làm sao phải dập tắt tất cả những cái đó đi."

Ông Mai Chí Thọ đã đề nghị với Thành ủy TPHCM phát động phong trào quần chúng chống lại các loại tội phạm và Thành ủy chấp thuận.

Khi phong trào quần chúng nhân dân phòng chống tội phạm được phát động thì tất cả thanh niên đều được trang bị gậy gộc, tất cả ngõ hẻm đều có barrie sẵn sàng ngăn chặn. Nếu có báo động là thanh niên tham gia… Kết quả là đối tượng tội phạm đã “biết sợ”…

Theo ông Mai Chí Thọ, khi ông ra Hà Nội làm Bộ trưởng Nội vụ (nay là Bộ Công an) năm 1986, thời gian đó rất khó khăn. Lúc đó Nghị quyết 6 đổi mới cũng vừa ra đời. Đây cũng là thời kỳ trộm, cướp hoành hành ở bến tàu, bến xe…

Rút kinh nghiệm từ thời kỳ đầu giải phóng, ông đề nghị Chính phủ ra Chỉ thị phát động phong trào quần chúng, dùng sức mạnh tổng hợp của Đảng, Chính quyền, các lực lượng đoàn thể, công an làm nòng cốt, xung kích, do Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ huy. Chỉ có phát huy sức mạnh tổng hợp như thế, chúng ta mới dẹp được tội phạm.

Về nguyên nhân của tội phạm, theo ông Mai Chí Thọ, thứ nhất là do đạo đức, văn hóa yếu kém. Thời đó, cái gì làm ra tiền thì người ta đổ xô vào học (giáo dục thực dụng). Nhưng nếu chỉ có cái đó thì xã hội không tồn tại được. Không có cân bằng giữa kinh tế và xã hội, giữa kinh tế và văn hóa thì xã hội không phát triển ổn định, bền vững được. Cái chính là giáo dục làm người còn thiếu.

Ông Mai Chí Thọ cho rằng muốn chống được tội phạm thì phải có đạo đức. Muốn trong Đảng không có quan liêu, tham nhũng, tiêu cực thì phải có lý tưởng. Khi đạo đức xuống cấp; lý tưởng bị khủng hoảng; đồng lương, thu nhập lại không đủ sống, 3 cái đó không giải quyết được thì không thể nào làm tốt công tác an ninh và trật tự xã hội được. Phải giải quyết những vấn đề rất cơ bản này.

Ông Mai Chí Thọ cho rằng ngoài vấn đề dựa vào quần chúng, phát động quần chúng để xây dựng mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc là vấn đề rất quan trọng thì phải giải quyết những vấn đề cơ bản: Phải dứt khoát theo đường lối giáo dục làm người. Phải có quy chế “Tiên học lễ, hậu học văn” xuyên suốt từ lớp 1 cho đến hết THCS. Sử học phải là môn bắt buộc. Về tư tưởng, phải vừa giương cao ngọn cờ độc lập, vừa giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa…

Phòng chống tội phạm muốn hiệu quả thì ngoài các quy định pháp luật cần phải có sức mạnh của quần chúng nhân dân./.

Hoàn Mỹ

Xem thêm Thời sự