Phân biệt “chất gây nghiện” và “thuốc hướng thần”

  • www.doanhtri.net
  • 12-07-2018
  • 9367 lượt xem

Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong các danh mục do Bộ Y tế ban hành.

 

 

Trộn các thành phần của thuốc hướng thần, chất gây nghiện để thành ma túy tổng hợp-Ảnh minh họa

Theo quy định của pháp luật  tại khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy hợp nhất số 13/VBHN-VPQH của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 23/7/2013 (sau đây viết tắt là Luật Phòng, chống ma túy) thì ''chất gây nghiện'' và ''chất hướng thần” với ''thuốc gây nghiện” và “thuốc hướng thần'' được phân biệt như sau: Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng; Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện.

Thuốc hướng thần là gì?

Thuốc hướng thần là thuốc có chứa dược chất kích thích hoặc ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng thuộc Danh mục dược chất hướng thần do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Thuốc hướng thần hay còn gọi là thuốc tâm thần, có tác dụng dùng để điều trị các rối loạn tâm thần. Chúng đã làm thay đổi cuộc sống của những người mắc rối loạn tâm thần theo hướng trở nên tốt hơn.

Vì sử dụng quá nhiều nên không ít người đã mắc rối loạn tâm thần sống cả đời với sự trợ giúp của các thuốc này. Không có chúng, những người mắc rối loạn tâm thần có thể phải chịu những triệu chứng gây bất hoạt và trầm trọng.

Thuốc hướng thần có nhiều loại, mỗi loại có một công dụng khác nhau. Một số người đạt được hiệu quả tốt từ thuốc và chỉ cần dùng chúng trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, những người mắc các rối loạn như tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực, hay những người bị trầm cảm, lo âu kéo dài có thể cần phải dùng thuốc trongk hoảng thời gian lâu hơn.

Thuốc hướng thần có tác dụng nhất định, nhưng bên cạnh đó loại thuốc này cũng tiềm ẩn không ít mối nguy hại cho người dùng.

Theo nghiên cứu của PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) thì tất cả chất tác động vào hệ thần kinh trung ương đều được gọi là thuốc hướng thần.

Thuốc hướng thần còn dùng để chữa các bệnh về tâm thần, tùy từng loại, không phải loại nào cũng có thể sai khiến được người khác. Một số loại thuốc làm cho bệnh nhân hưng phấn, vui vẻ và dễ nghe lời hơn. Đó có thể là cơ chế các đối tượng lợi dụng để đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.

Sử dụng thuốc hướng thần để điều khiển người dùng là hiện trạng đã xảy ra. Khi đó, nạn nhân đang rơi vào trạng thái không tỉnh táo, không làm chủ được hành động của mình, dễ bị người khác lợi dụng, sai khiến.

Khi điều trị bệnh nhân tâm thần, tùy vào từng loại thuốc, từng hoạt chất cụ thể mà các bác sĩ sử dụng thuốc theo từng mục đích trị bệnh khác nhau. Việc kê đơn thuốc phải thực hiện theo quy định quy chế kê đơn thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

“Chất gây nghiện” là gì?

Chất gây nghiện nói chung là bất kỳ chất nào khi hấp thụ vào cơ thể của một sinh vật sống có thể làm thay đổi chức năng bình thường của cơ thể theo hướng tạo ra sự phụ thuộc của cơ thể đối với chất đó hoặc cảm giác thèm thuồng, ghiền, nghiện ở các mức độ khác nhau. Không có định nghĩa chính xác duy nhất nào về chất gây nghiện vì có nhiều giải thích khác nhau trong luật quy định về chất gây nghiện, trong các quy định của các văn bản, trong y học và trong cách sử dụng tùy theo thông tục.

Thuốc gây nghiện cũng là một loại chất gây nghiện. Trong dược lý học, thuốc là "một loại hóa chất được sử dụng trong điều trị, chữa bệnh, phòng chống, chẩn bệnh hoặc sử dụng để tăng cường thể chất hoặc tâm thần cho con người nếu không thể dùng cách khác”. Thuốc có thể được kê đơn sử dụng trong một thời gian hạn chế, hoặc cho các trường hợp rối loạn mãn tính thông thường.

Chất gây nghiện tiêu khiển là những chất hóa học có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như opioid hoặc chất gây ảo giác.Chúng có thể được sử dụng để tạo cảm nhận về tác động có lợi lên nhận thức, ý thức, nhân cách, và hành vi. Một số loại thuốc có thể gây nghiện hay quen thuốc.

Thuốc thường được phân biệt với các chất hóa sinh tạo ra trong cơ thể qua việc được đưa vào từ bên ngoài. Ví dụ, insulin là một hormon được tổng hợp trong cơ thể, nó được gọi là hormon vì được tổng hợp bởi các tuyến tụy. Nhưng nếu nó được đưa vào cơ thể từ bên ngoài, lúc này nó sẽ là một loại thuốc. Nhiều chất gây nghiện có nguồn gốc tự nhiên như các loại bia, rượu và một số loại nấm làm mờ ranh giới giữa thực phẩm và chất gây nghiện tiêu khiển, vì khi được hấp thu vào cơ thể chúng ảnh hưởng đến chức năng tinh thần và thể chất.

Chất gây nghiện tiêu khiển được sử dụng như một loại chất kích thích tinh thần nhằm đem lại sự vui thích, để thử một trải nghiệm hoặc để củng cố trải nghiệm được xem là tích cực trước đó. Luật pháp nhiều quốc gia ngăn cấm việc sử dụng nhiều chất gây nghiện tiêu khiển khác nhau, trong khi đó, các loại thuốc y tế có khả năng sử dụng để trải trí đang được điều chỉnh chặt chẽ về phạm vi sử dụng.

Mặt khác, nhiều loại chất gây nghiện tiêu khiển khác được xem là hợp pháp và được chấp nhận một cách rộng rãi trong nền văn hóa, tuy hầu hết đều có giới hạn độ tuổi sử dụng hoặc mua. Các chất này bao gồm rượu, thuốc lá và các sản phẩm có chất cafein. Tại các khu vực khác trên thế giới, những chất gây nghiện như Khat (lá nhai dùng như chất ma túy) rất phổ biến.

Do tình trạng pháp lý của nhiều loại chất gây nghiện, việc sử dụng chất gây nghiện giải trí gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều chính phủ xếp chất gây nghiện vào loại hình sử dụng tiêu khiển bất hợp pháp.

Trộn các thành phần của thuốc hướng thần, chất gây nghiện để thành ma túy tổng hợp

Theo Ban Chỉ đạo 139 TP Hà Nội, thời gian gần đây, tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép và tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng; hoạt động tổ chức, chứa chấp sử dụng ma túy tổng hợp cũng phức tạp. Số vụ việc liên quan đến ma túy tổng hợp chiếm gần 43% vụ việc liên quan đến ma túy. Những con số trên có thể chưa phản ánh đúng thực tế, bởi hiện nay đã xuất hiện những hình thức, cách thức sử dụng chất gây nghiện, chất hướng thần mới.

Điều đáng nói là những hình thức mua bán, sử dụng và loại ma túy mới không dễ kiểm soát. Tại địa bàn Hà Nội, thời gian gần đây nổi lên việc sản xuất và mua bán "bánh lười". "Bánh lười" được làm từ tinh chất cần sa trộn với bơ, sữa, trứng, socola... rồi đem nướng. Về hình thức, "bánh lười" giống như nhiều loại bánh ngọt nhưng có tính chất hướng thần, gây ảo giác và đương nhiên gây nghiện. Tội phạm sản xuất loại ma túy này khá công khai, đăng quảng cáo, giao bán bánh cả trên mạng xã hội.

Khó phát hiện, đấu tranh hơn món "bánh lười" là hình thức chất hướng thần "khí cười". Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, ở TPHCM, Hà Nội và một số địa phương đã có hiện tượng thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng "khí cười" hay "bóng cười" để tìm cảm giác lạ, hưng phấn, ảo giác và tạo những cơn cười vô cớ. Loại "khí cười" này thực chất là hợp chất ôxit nitơ (N2O), khi vào cơ thể sẽ tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười nên được gọi là "khí cười". Tác dụng của loại "khí cười" này rất ngắn nên người dùng thường sử dụng liên tục, đưa lượng lớn loại khí này vào cơ thể, không kiểm soát được và vì vậy gây nguy hại.

"Khí cười" có thể khiến người sử dụng bị ngộ độc, rối loạn thần kinh. Sử dụng nhiều, lâu ngày có thể khiến cho người sử dụng mất cảm giác, không hoạt động được bình thường, rối loạn thần kinh, mất trí nhớ, trầm cảm. Việc kiểm soát N2O không dễ bởi đây là chất được dùng phổ biến trong y học với tác dụng gây tê khi phẫu thuật.

Tác hại của "bánh lười" hay "khí cười" đã quá rõ nhưng việc phát hiện, ngăn ngừa không đơn giản. Về "bánh lười", việc phát hiện, xử lý có phần đơn giản hơn vì trong thành phần có cần sa, là chất ma túy trong danh mục cấm. Nhưng, để xác định, phân biệt rõ được "bánh lười" với các loại sản phẩm khác cũng không phải dễ. Với "khí cười", việc đấu tranh khó khăn hơn rất nhiều vì N2O không nằm trong danh mục các chất cấm mua bán nên việc sử dụng loại khí này diễn ra ngày càng nhiều, công khai trong thanh, thiếu niên, nhất là ở các thành phố lớn. Ngay cả Bộ Công an cũng cho biết, còn đang tiếp tục đánh giá mức độ, tác hại của "khí cười" đối với sức khỏe và khả năng gây nghiện của nó, chưa có hình thức đấu tranh cụ thể.

Thực tế là tội phạm ma túy luôn diễn biến rất phức tạp, các loại hình ma túy mới xuất hiện với chu kỳ ngắn hơn, giá thành rẻ hơn. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy phải được tiến hành thường xuyên. Để ngăn chặn sự lây lan của "bánh lười", "khí cười", trước hết là việc tuyên truyền về tác hại của chúng, đặc biệt trong đối tượng thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thể hiện rõ mức độ chủ động trong việc tham mưu xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện để có thể đấu tranh hiệu quả với các loại ma túy, chất hướng thần, chất gây nghiện mới.

Tổng hợp

Xem thêm Thời sự