Nỗi lo học sinh, trẻ vị thành niên phạm tội

  • www.doanhtri.net
  • 12-09-2017
  • 483 lượt xem

 

Thượng tá Nguyễn Hoàng, Phó trưởng Công an thành phố (CATP) Đông Hà (Quảng Trị) cho biết, trong tháng 6 vừa qua đã phát hiện một số trường hợp cá biệt học sinh sử dụng ma túy, trong đó có học sinh lớp 9 một trường ven đô. Em học sinh khai báo thường cùng với 2 đối tượng vị thành niên (đều 17 tuổi, trú cùng phường) nhiều lần sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH), từ đó dẫn đến việc học sa sút...

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề Phòng, chống vi phạm pháp luật (VPPL) trong học sinh, thanh thiếu niên do UBND TP Đông Hà tổ chức vào ngày 8/9 vừa qua đã thực sự gây “choáng” đối với nhiều giáo viên tham dự đến từ 29 trường học trên địa bàn. Nhưng nỗi lo không chỉ chừng đó, những con số, những vụ việc, vụ án cụ thể được CATP cung cấp, đánh giá một cách toàn diện cho thấy toàn cảnh học sinh, thanh thiếu niên VPPL trên địa bàn đang diễn biến phức tạp.

 

 

 

Nhóm thanh thiếu niên gây ra hàng loạt vụ trộm tại TP Đông Hà tại phiên tòa xét xử tháng 8 vừa qua


Phạm tội theo nhóm

Mặc dù không “nóng” như một số tỉnh, thành khác song số vụ học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn TP Đông Hà VPPL thời gian qua rất đa dạng về hệ loại và phức tạp về hành vi. Các đối tượng trong độ tuổi này thường tụ tập nhóm từ 2 đến 5 người, thậm chí nhiều hơn. Nạn xin đểu, trộm cắp, liên quan đến ma túy, tổ chức dùng hung khí đánh nhau với lối hành xử lưu manh, côn đồ...gây bức xúc trong dư luận xã hội.

 

Một trong những vụ việc nổi nhất gần đây rơi vào nhóm có nhiều nữ sinh cuối cấp 2. Do mâu thuẫn trên facebook, vào ngày 19/6/2017, một nhóm nữ khống chế bạn N.Q đưa lên đồi thông Khe Mây (P.3, TP Đông Hà) đánh dẫn đến thủng màng nhĩ. Có em đã quay clip vụ việc và tung lên facebook. Chúng tôi gặp phụ huynh em gái đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trên, họ cho biết sửng sốt và đau lòng khi xem lại hình ảnh những đứa trẻ hung hãn, trong đó có con họ được cổ vũ bằng tiếng cười cợt, vô cảm. “Lỗi trước hết là do chúng tôi không giáo dục con tới nơi tới chốn”, người mẹ nói trong nước mắt. 

Cũng trong tháng 8, đối tượng N.B.H (14 tuổi) trộm cắp xe máy Exciter và nhờ N.N.P (18 tuổi) giúp sức đưa đi tiêu thụ kiếm tiền tiêu xài. Điều đáng nói, P. thực hiện hành vi trong thời gian chờ phúc thẩm, kháng cáo xin giảm án vụ trộm trước đó. Từ năm 2012 đến nay ở Quảng Trị đã ghi nhận tổng cộng 20 vụ/28 đối tượng sử dụng ma túy, 112 vụ phạm pháp hình sự do 170 đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh gây ra. Tập trung nhiều nhất là trộm cắp với 62 vụ/93 đối tượng; cướp giật và cướp tài sản 13/18 đối tượng; cố ý gây thương tích cũng chiếm 22 vụ với 43 đối tượng. Các VPPL khác như trộm cắp vặt xảy ra 31 vụ 35 đối tượng; gây rối trật tự công cộng 63 vụ/86 đối tượng; xâm hại sức khỏe người khác 9 vụ/9 đối tượng.

Chung sức ngăn chặn

Trước thực trạng nhức nhối và phức tạp này, TP Đông Hà đã, đang và sẽ làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn? Ông Nguyễn Tăng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết đã chỉ đạo CATP với vai trò nòng cốt trong vai trò đấu tranh, phòng chống tội phạm và TNXH, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, pháp luật về ANTT, bên cạnh đó phối hợp với Ban Giám hiệu các trường học, Đoàn Thanh niên... đưa nội dung phòng ngừa VPPL trong học sinh, thanh thiếu niên về tận cơ sở với nhiều hình thức đa dạng. Nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm.

Một số đơn vị, trường học cũng có tham luận “sát sườn” trong việc nêu nguyên nhân và biện pháp giáo dục, ngăn chặn học sinh, thanh thiếu niên VPPL. Như Hội LHPN TP cho rằng việc quản lý giáo dục còn nhiều bất cập yếu kém do sự phối hợp của các cấp hội với CA ở địa bàn còn lỏng lẻo, thiếu thường xuyên. Hay như ông Mai Huy Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT TP cũng nhấn mạnh số lượng quán net trên địa bàn nhiều nhưng việc quản lý kinh doanh chưa đạt kết quả làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh; tệ nạn mua bán và sử dụng ma túy ngày càng tinh vi và nguy cơ len lỏi vào học đường, tấn công những học sinh ham chơi, đua đòi khó quản lý.

Trong khi đó, thực tế cho thấy trách nhiệm của gia đình và sự phối hợp giữa 3 môi trường gia đình-nhà trường-xã hội đối với công tác giáo dục đạo đức toàn diện cho học sinh chưa được chặt chẽ, hiệu quả cao. Hội Cha mẹ học sinh trường THPT Lê Lợi cũng cho rằng có một thực tế là suốt cả kỳ nghỉ hè, một số xã, phường không hoặc ít tổ chức các buổi sinh hoạt tập trung bổ ích cho các em nhưng vẫn ký giấy xác nhận là đã sinh hoạt hè đầy đủ và gửi lại cho nhà trường.

Rất nhiều tham luận khác cũng đã nêu nhiều biện pháp, quản lý, giáo dục đạo đức và phòng ngừa học sinh VPPL, trong đó nhấn mạnh công tác phối hợp. Như chia sẻ đầy trách nhiệm và tâm huyết của Thiếu tá Thái Anh Sơn, Đội Phó Đội CSHS, CATP Đông Hà thì cần có sự chung tay phối hợp của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, hưởng ứng tích cực của mọi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Đó là trách nhiệm chung và nghĩa vụ của mọi công dân nhằm xây dựng và bảo vệ cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Hy vọng, với sự vào cuộc đồng bộ và thể hiện quan tâm sâu sắc của chính quyền, CA và các đơn vị, sẽ kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi hình ảnh nhức nhối những đứa trẻ hít ma túy hay đêm hôm trộm cắp, cướp giật...gây nên hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội.

 

Theo Công an Đà Nẵng

 

Xem thêm Thời sự