Những quy định làm khó người dân

  • www.doanhtri.net
  • 23-07-2017
  • 521 lượt xem

 

Quy định không đổi bằng lái phải thi lại lý thuyết, cấm chụp ảnh cảnh sát giao thông... đã phải dừng lại.

Cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng sau khi làm hợp đồng vay, thế chấp tài sản phải giao lại cho khách hàng bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông, theo Điều 9 Nghị định 11/2012 bổ sung Điều 20a Nghị định 163/2006.

Trên cơ sở này, Cục Cảnh sát giao thông có công văn chỉ đạo công an các địa phương thực hiện nghiêm quy định xử phạt người điều khiển giao thông không mang theo đăng ký xe. 

Theo đó, người tham gia giao thông nếu không xuất trình được đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bản chính... sẽ bị phạt từ 200.000 đến 400.000 đồng. Hiện cảnh sát giao thông mới nhắc nhở, chưa xử phạt. Tuy nhiên quy định này đã khiến người mua xe trả góp lo lắng.

nhung-quy-dinh-lam-kho-nguoi-dan

Theo quy định, người mua ôtô trả góp không có giấy tờ gốc sẽ bị xử phạt, tuy nhiên phần lớn chủ phương tiện vay ngân hàng mua xe đều bị giữ đăng ký gốc .Ảnh minh hoạ: Bá Đô

Nhiều ngân hàng cho rằng nếu thực thi theo Điều 9 Nghị định 11/2012 sẽ gặp rất nhiều nợ xấu, bởi đã thành luật, các chủ phương tiện khi vay ngân hàng mua xe trả góp đều phải thế chấp giấy đăng ký xe. Với việc giữ bản chính giấy đăng ký xe để phòng ngừa trường hợp khách hàng không trả được nợ sẽ bị tịch thu tài sản.

Ngày 12/7/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế. Nội dung sẽ theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Trong thời gian chờ đợi, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của ngân hàng khi lưu thông phương tiện giao thông.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 1,3 triệu ôtô chấp ngân hàng và bị giữ lại giấy đăng ký xe.

Không đổi bằng lái phải thi lại lý thuyết

Năm 2015, Bộ Giao thông ban hành Thông tư 58 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó có quy định "bắt buộc người dân đổi giấy phép lái xe (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ bìa giấy sang vật liệu PET và người không đổi giấy phép lái xe PET sẽ phải thi lại lý thuyết".

Quy định này gây lo lắng cho người dân và khiến nhiều địa phương bị quá tải trong việc đổi giấy phép lái xe.

nhung-quy-dinh-lam-kho-nguoi-dan-1

Người dân đổi bằng lái tại Sở Giao thông vận tải.

Năm 2016, Bộ Tư pháp "tuýt còi" quy định này, cho rằng "không có cơ sở pháp lý, không đảm bảo tính thống nhất", tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Giao thông rà soát quá trình thực hiện Thông tư 58 để có biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) và xem xét, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân đã tham mưu ban hành văn bản này.

Phạt ôtô dưới 9 chỗ không có bình cứu hỏa

Tháng 1/2016, Thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực, quy định với ôtô từ 4 chỗ trở lên, rơmoóc, xe chở khách... phải trang bị bình cứu hoả, nếu không chấp hành, chủ phương tiện sẽ bị phạt đến 500.000 đồng.

Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy lý giải, thông tư ra đời với mục đích giúp người dân nhận thức rõ, tự trang bị để phòng tránh tổn thất lớn khi cháy nổ. 

nhung-quy-dinh-lam-kho-nguoi-dan-2

Quy định phạt chủ xe ôtô không trang bị bình chữa cháy được đánh giá không khả thi.

Trước những phản ứng trái chiều rằng với đặc thù khí hậu Việt Nam, một số bình cứu hỏa mini để trong xe đã phát nổ. Bên cạnh đó, nhiều hãng xe không thiết kế nơi để bình cứu hỏa gây khó khăn trong việc bố trí, Bộ Công an đã chỉ đạo Cảnh sát giao thông không dừng phương tiện để kiểm tra bình cứu hỏa.

Hiện, việc xử phạt chưa được áp dụng.

Cấm quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông

Tháng 4/2013, Cục Cảnh sát giao thông ra văn bản cấm người dân ghi hình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ nhằm mục đích "ngăn chặn tình trạng giả danh phóng viên báo đài, chửi bới, lăng mạ và chống đối lực lượng chức năng".

Văn bản vừa ban hành làm dấy lên tranh cãi khi nhiều người đánh giá đây là quy định trái luật. Theo luật sư, việc phải xin phép trước khi chụp ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ là bất hợp lý, bởi vi phạm quyền của công dân và hạn chế phát hiện tiêu cực.

Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) kết luận văn bản này có nhiều điểm không đúng quy định của pháp luật và vượt quá thẩm quyền. Bị Bộ Tư Pháp "tuýt còi", Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt đã huỷ quy định này.

Theo đó, nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh). Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của cảnh sát giao thông thì thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và xử lý kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định.

vnexpress.net

 

Xem thêm Thời sự