Nhiệm vụ kép của Giáo dục Trung học năm học 2020-2021

  • www.doanhtri.net
  • 22-09-2020
  • 462 lượt xem
 Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại Hội nghị
 
Năm học 2020-2021 với Giáo dục Trung học là năm “bản lề” để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT) cho lớp 6 từ năm học 2021-2022. Song song với đó, Giáo dục Trung học cần tiếp tục bảo đảm thực hiện CT GDPT hiện hành theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
 
Đây là nhiệm vụ kép, được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ đặc biệt lưu ý bậc giáo dục trung học phải thực hiện tốt. Yêu cầu được nêu ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục trung học, ngày 17-18/9. Đại diện 63 Sở GDĐT cùng tham dự.
 
Năm học nỗ lực đặc biệt
 
Năm học 2019-2020 là năm học gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với nỗ lực đặc biệt và những quyết định kịp thời, đúng đắn, ngành Giáo dục nói chung và giáo dục trung học nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng.
 
Chia sẻ cụ thể hơn về kết quả của giáo dục trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, mạng lưới trường, lớp cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập và yêu cầu phổ cập giáo dục THCS. Toàn quốc có 10.783 trường THCS công lập và 55 trường THCS ngoài công lập; cấp THPT có 2.399 cơ sở giáo dục công lập và 463 cơ sở ngoài công lập.
 
So với năm học trước, số lượng trường ngoài công lập của cả hệ THCS và THPT đều tăng lên. Điều này giúp giảm áp lực cho các địa phương có nhu cầu cao về trường lớp, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM…
 
Việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trung học trên địa bàn được các địa phương chủ động thực hiện, nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các hoạt động dạy và học trong nhà trường. Điều kiện cơ sở vật chất để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT) được ưu tiên đầu tư. Trong đó các hạng mục được tập trung như: phòng học, thư viện, bổ sung trang thiết bị dạy học, khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch...
 
Năm học vừa qua, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo tiếp tục được ngành giáo dục và các địa phương quan tâm thực hiện. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (GV/CBQLGD) trung học được nâng lên và chuẩn hóa. Tính đến tháng 9/2020, toàn quốc có 579.533 GV/CBQLGD phổ thông, trong đó cấp THCS có 321.549, THPT có 257.984. Tỷ lệ GV đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019 là 99,1% với THCS và 99,7% với THPT 99,7%.
 
Năm học vừa qua, trước diễn biến dịch bệnh Covid-19, Bộ GDĐT đã rà soát và ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học học kì II năm học 2019-2020, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh sau khi đã tinh giản. Bộ đồng thời chỉ đạo việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình, thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”. Trên cơ sở đó, các địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ kế hoạch thời gian năm học sau điều chỉnh”, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành nói.
 
Bên cạnh việc nỗ lực tổ chức dạy học đảm bảo chất lượng khi ứng phó với dịch CoVid-19, giáo dục trung học năm qua tiếp tục tích cực thực hiện việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh theo công văn số 4612 (năm 2017).
 
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho rằng, về cơ bản giáo dục trung học đã khắc phục được tình trạng quản lý thực hiện CT GDPT nặng về hành chính, áp đặt theo phân phối chương trình cứng nhắc. Nhận thức của các Sở/phòng GDĐT về xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn đã thay đổi căn bản. Các nhà trường đã vận dụng nhiều hình thức tổ chức và phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, gắn kiến thức học trong nhà trường với thực tiễn, tăng cường kỹ năng sống, như: giáo dục STEM; hoạt động trải nghiệm; dạy học thông qua di sản…
 
Cơ chế quản lý chuyên môn theo hướng tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đã bước đầu được thực hiện ở một số địa phương, đơn vị. Việc sắp xếp lại nội dung dạy học, xây dựng các chủ đề môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn cũng được một số nhà trường triển khai hiệu quả. Các hoạt động về tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học đã đẩy lùi tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách, giảm áp lực cho giáo viên.
 
“Những đổi mới trong dạy học CT GDPT hiện hành là “bước đệm” để giáo viên làm quen từ đó thuận lợi khi chuyển sang thực hiện CT GDPT mới. Sự nỗ lực và tích cực trong triển khai CT GDPT một cách khoa học - linh hoạt - sáng tạo đã mang lại hiệu quả là đưa chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tăng lên”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nói.
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, giáo dục trung học năm vừa qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa thật hợp lý; một số nơi thiếu đất cho xây dựng trường học; việc dồn dịch điểm trường, sáp nhập trường ở một số nơi thực hiện không đúng quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số vùng khó khăn, vùng có khu công nghiệp và ở một số môn học đặc thù bộ còn xảy ra. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá còn hạn chế ở một số nơi; hạ tầng và trang thiết bị CNTT ở các địa phương còn thiếu đồng bộ; việc triển khai quản lý hồ sơ, sổ điểm điện tử trong một số trường THCS còn hạn chế…
 
Năm học “bản lề” chuẩn bị triển khai CT GDPT mới với lớp 6
 
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành đã trao đổi về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2020-2021 của Giáo dục Trung học. Theo đó, bậc học tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản của toàn ngành và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm riêng. Trong đó, giáo dục trung học chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Bậc học sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục trung học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tích cực chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Việc đổi mới quản lý và công tác thi đua, khen thưởng trong giáo dục trung học cũng là một nhiệm vụ bậc học này chú trọng thực hiện trong năm học 2020-2021.
 
Các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo mới được ban hành liên quan đến giáo dục trung học, như: Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; Điều lệ trường THCS và THPT; Quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông; công văn về việc triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học... cũng được lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học triển khai làm rõ và giải đáp các băn khoăn của đại diện 63 Sở GDĐT. Điều này giúp công tác chỉ đạo và thực hiện của các địa phương được hiệu quả, chính xác.
 
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Nhấn mạnh năm học 2020-2021 là một năm đặc biệt quan trọng của giáo dục trung học khi chuẩn bị triển khai CT GDPT mới đối với lớp 6 từ năm học 2021-2022, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả CT GDPT hiện hành theo định hướng tiếp cận giáo dục phẩm chất, năng lực cho người học. Do đó, trong 7 nhiệm vụ được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt lưu ý giáo dục trung học cần thực hiện tốt ở năm học 2020-2021, nhiệm vụ đầu tiên là chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai CT GDPT mới.
 
Theo đó, việc chuẩn bị SGK, tài liệu giáo dục địa phương và chuẩn bị đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý cần được quan tâm thực hiện tốt. Các nhà trường phải lựa chọn, bố trí giáo viên dạy lớp 6 là người có năng lực, tinh thần trách nhiệm và được bồi dưỡng chu đáo. “Đây là đối tượng phải đặc biệt ưu tiên bồi dưỡng năm nay. Đối với việc thiếu giáo viên, hiện nay đã có cơ chế cho phép tuyển hợp đồng chuyên môn, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục chuẩn bị đủ về số lượng đội ngũ, đảm bảo thực hiện hiện quả chương trình giáo dục”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
 
Song song với chuẩn bị CT mới, Thứ trưởng đề nghị giáo dục trung học tiếp tục thực hiện hiệu quả CT GDPT hiện hành theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Theo đó, các nhà trường cần triển khai tốt công văn số 4612 với các nội dung quan trọng, như: Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục.Với nhiệm vụ giáo dục STEM, căn cứ vào văn bản hướng dẫn mới được Bộ GDĐT công bố, các nhà trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức, đảm bảo phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường và đáp ứng hiệu quả, chất lượng giáo dục.
 
Việc chuẩn hóa đội ngũ GV/CBQLGD trung học được Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh. Theo Thứ trưởng, các địa phương cần xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên THCS theo  Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ... “GV/CBQLGD phải có nhu cầu đổi mới tự thân, Thứ trưởng cũng cho rằng cần tạo mọi điều kiện để nhà giáo tập trung cao nhất cho chuyên môn, tạo động lực cho đội ngũ.
 
“Tinh thần là phải tạo động lực để GV/CBQLGD có nhu cầu bồi dưỡng tự thân, động lực để làm việc tốt. Bộ GDĐT đã có các quy định về việc giảm áp lực sổ sách và nhiệm vụ hành chính cho giáo viên. Đề nghị các Sở GDĐT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này để giáo viên được tập trung làm tốt nhiệm vụ chuyên môn”, Thứ trưởng nói.
 
Để giáo viên được chủ động, sáng tạo, tích cực đổi mới dạy học thì việc quản lý của Hiệu trưởng nhà trường cũng cần linh động, đổi mới. Nếu Hiệu trưởng chuyển từ quản lý nhà trường theo hướng mệnh lệnh sang tạo môi trường đổi mới, sáng tạo, quản lý theo chất lượng và hiệu quả công việc, thì đây sẽ là điều kiện thuận lợi để giáo viên làm tốt các nhiệm vụ của mình.
 
Bên cạnh những yêu cầu trên, việc tăng cường phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học… cũng là một trong những yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý giáo dục trung học cần chú trọng triển khai.
 
Với những kết quả tích cực đã đạt được trong năm học có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng và mong muốn giáo dục trung học tiếp tục thực hiện tốt, để năm học 2020-2021 sẽ kép lại thành công.
 
Trung tâm Truyền thông Giáo dục   Bộ GD&ĐT  https://moet.gov.vn/

Xem thêm Thời sự