NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN TÝ VÀ … “MỘT NỬA THẾ GIỚI”
Bùi Việt Cường

  • www.doanhtri.net
  • 09-03-2018
  • 1758 lượt xem

 

Nhân ngày PNQT8/3 và kỷ niệm 93 năm ngày sinh Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (5/3/1925-2018)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 05/03/1925, cách đây 93 năm…

Năm 1945, tròn 20 tuổi, Ông tham gia Cách mạng, với vai trò là người sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Năm 1947,Ông đã là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương và viết tác phẩm đầu tay của mình, bài Ai xây chiến lũy năm 1949.

Cùng với các nhạc sỹ tên tuổi như Nguyễn Xuân KhoátĐỗ NhuậnLưu Hữu PhướcVăn Cao, ông là một trong năm thành viên sáng lập của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (vào cuối 1957 và là người duy nhất còn sống), giữ chức vụ Ủy viên chấp hành khóa đầu tiên của Hội…

Năm 2000 ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Mẹ yêu con, Vượt trùng dương, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre.

Ông còn giành được một số giải thưởng cao quí như: Giải nhì (không có giải nhất) của Hội văn nghệ Việt Nam với bài Vượt trùng dương; Giải nhất Cuộc thi vận động sáng tác về đề tài phụ nữ với bài Tiễn anh lên đường (1964); Giải nhất sáng tác về đề tài nông nghiệp với ca khúc Bài ca năm tấn (1967); Giải Ngân hàng với bài Em đi làm tín dụng.

Có một điều khá lý thú là trong rất nhiều cuộc thi âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, truyền thanh...) khá nhiều giọng ca chuyên nghiệp và không chuyên đã chọn các tác phẩm của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý để thể hiện tài năng biểu diễn của mình và nhờ vậy đã chiếm được những vị trí cao nhất (ví như trong Chương trình “THẦN TƯỢNG ÂM NHẠC NHÍ” năm 2016, chúng tôi nhận thấy có đến gần 1/3 số thí sinh, với các “Sao nhí” như Hiền Trân, Nghi Đình, Linh Phương, Quỳnh Như..., cũng như Thiện Nhân năm 2014, đã chọn các ca khúc “vượt thời gian” của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý để dự thi và đã đạt những giải thưởng xứng đáng...).

Đặc biệt nữa là bài “Tỉnh ca” về Hưng Yên Trên cánh đồng Đay (sáng tác năm 1963, trong thời gian ông “tạm lánh” Hà Nội và tình nguyên đi về nông thôn để nghiên cứu về Dân ca, theo lời khuyên của Nhạc sỹ đàn anh LƯU HỮU PHƯỚC, từ 1961-1969; cũng nhờ thời gian “ba cùng” này, ca khúc Bài ca Năm tấn của Ông  giành Giải nhất sáng tác về đề tài Nông nghiệp 1965-1967), với ca từ rất đẹp, trữ tình về nông thôn như “...Ra đứng mà trông con Sông Hồng đẹp, bãi đất bồi phù xa đang nối tiếp, bóng ngàn đay xanh xanh đến trời mây...”, đã được bà con đất Nhãn hưởng ứng nhiệt liệt và Đài Phát thanh tỉnh Hưng Yên đã lấy làm Nhạc hiệu chính thức từ đó (một sự tôn vinh mà chỉ Diệt phát -xit của Nguyễn Đình Thi trên Đài Phát thanh Hà Nội khi ấy mới có...). Và có lẽ Ông là Nhạc sỹ đầu tiên đưa...Ngoại thương/Thương mại Quốc tế và mối liên hệ chặt chẽ giữa Nông nghiệp với Công nghiệp... vào bài hát của mình : “Trên cánh đồng Đay, con chim chiền chiện / Nó hót rằng bà con ta có biết / Cánh đồng đay ta tung cánh mà bay / Bay bay khắp đó đây / Bay từ quê ta mà bay qua các nước / Đến khi về kìa đay mang được / Biết bao là máy móc, vải bông / Đay giúp ta cùng làm Công nghiệp thành công / Đay ơi đay quý vô cùng”...!  

Đó là những điều đáng khâm phục, trân trọng mà không phải Nhạc sỹ sáng tác nào cũng có thể làm được!

Trong sự nghiệp sáng tác phong phú, đa dạng của mình, Ông đã để lại rất nhiều ca khúc “đi cùng năm tháng” và được công chúng rộng rãi từ già tới trẻ, từ Bắc vào Nam yêu mến (ông còn từng được coi là Nhạc sỹ thành công của các “Địa phương ca” và cả “Ngành ca” (Nông nghiệp, Tín dụng, Nuôi dậy trẻ…như đã nói ở trên).

Nhưng có lẽ, phần quan trọng nhất, đáng ghi nhớ nhất chính là những ca khúc về…PHỤ NỮ, những người Bà, người Mẹ, người Chị, người Em, đứa Con… mến thương nhất mà Ông đã viết với tất cả tài năng và tâm huyết của mình. Đó là các ca khúc:  Dư âm, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Tiễn anh lên đường, Em đi làm tín dụng,  Cô đi nuôi dạy trẻ, Em là cô gái Hải Dương, Bài ca năm tấn, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre…

Cũng cần phải nói thêm là không phải lúc nào cuộc đời cũng dành cho người nhạc sĩ rất hào hoa, “đa tài và đa tình” Nguyễn Văn Tý những hương thơm, trái ngọt (ngay cả vào lúc này khi đã ở tuổi U100, tuổi “gần đất xa trời” rồi, vữa phải chịu nỗi đau về thể xác, ông vẫn còn phải chịu những thị phi, thêu dệt hay phóng đại của người đời ghen ty, hay nỗi buồn nhân thế không thể nói ra hết được của những đứa con yêu quí ngày nào…). Tuy vây, ngay từ bài Dư âm (khoảng 1950), một sáng tác đem lại cho ông sự nổi tiếng cả ở ngoài Bắc lẫn trong Nam (một thời gian khá dài lúc đầu ông còn bị “hiểu lầm”, bị đánh giá phê bình là “tiêu cực, yếm thế”… và được xếp là một trong những sáng tác “kinh điển” (tuy chỉ là nhạc phẩm duy nhất của ông) trong dòng nhạc “Tiền Chiến” và cũng nhờ vậy đã đưa ông lên “ngồi cùng chiếu” trong “Ngũ Hổ”, những nhạc sĩ hàng đầu sáng lập viên Hội Âm nhạc Việt Nam…), cho đến sau này với những ca khúc nổi tiếng kể trên dành cho “một nửa thế giới”, chưa lúc nào ở đâu có bóng dáng của buồn thảm, yếu đuối hay xót thương ủy mị, than khóc vô vọng... Tất cả đều toát lên một niềm lạc quan, yêu đời tha thiết, rung động lòng người và nhất là một niềm tin mãnh liệt ở chiến thắng của những giá trị “Chân-Thiện-Mỹ” cao cả… Có lẽ chính vì thế mà từ những người Phụ nữ Việt Nam vốn “dòng dõi Bà Trưng, Bà Triệu”..., rồi bà mẹ ru con à-ơi “9 tháng sau 9 năm gian khó khôn cùng...”,  đến các cô thanh niên vùng đất “đồng đay” Hưng Yên hay đồng chiêm “xứ Đoài” Hải Dương hoặc các chị em “đi làm tín dụng”, các cô nuôi dạy trẻ, các bà mẹ “vá áo rách thêm ”do“ quần nhau với giặc”cho các chiến sỹ phòng không đất Hà Bắc…, nhất là các cô gái đảm đang, quả cảm trên “quê hương năm tấn” Thái Bình hay trên công trường thủy lợi Hồ Kẻ Gỗ Hà Tĩnh hoặc các thanh nữ “tóc dài bay trong gió” với dáng đứng hiên ngang của “quê hương Đồng Khởi” xứ dừa Bến Tre…. Tất cả đều toát lên vẻ đẹp nhân hậu, thuần khiết, mang đậm dấu ấn bao đời thân thương, cao đẹp của những Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”, ngàn lần xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã trao tặng…!

Đó chính là món quà to lớn nhất, cao đẹp nhất mà người nhạc sỹ lão thành tài ba Nguyễn Văn Tý đã thể hiện (đồng thời cũng là... nói thay cánh “Mày râu/Tu mi Nam tử” chúng tôi), từ bao năm nay đã, đang và còn muốn sẽ dành tặng mãi cho những người Bà , người Mẹ, người Chị/ Em…thân thương, không chỉ trong một ngày 8/3 mà là suốt 365 ngày trong một năm…!!!       

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08/03/2018.

BÙI VIỆT CƯỜNG, Nguyên Phó Viện trưởng Viện IBLA

Hội Luật gia Việt Nam .

Xem thêm Văn Nghệ