Nhà máy lo giữ lao động sau Tết

  • www.doanhtri.net
  • 20-01-2022
  • 499 lượt xem
Công nhân nhà máy Samho Việt Nam trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương
 
Dừng hoạt động 3 tháng, phải vay tiền trả lương nhưng nhà máy Samho Việt Nam, huyện Củ Chi, vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ để giữ chân công nhân.
 
Giữa năm ngoái, Công ty TNHH Samho Việt Nam, chuyên sản xuất giày da, quy mô 10.000 công nhân, phải dừng hoạt động do không thể thực hiện phương án "vừa sản xuất, vừa cách ly". Nhiều đơn hàng chưa kịp hoàn thành, số khác phải xuất hàng bằng máy bay khiến chi phí vận chuyển đội lên hơn 200 tỷ đồng. Khó khăn về tài chính, công ty phải tạm hoãn hợp đồng lao động với công nhân, dừng trả lương và làm hồ sơ đề nghị hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.
 
"Đó là những ngày khó khăn nhất tôi chứng kiến trong 26 năm làm việc ở công ty", ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn Công ty Samho Việt Nam nói. Khi thành phố "mở cửa", nhà máy hoạt động trở lại thì "hao hụt" gần 1.000 công nhân khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu lao động, đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết dự kiến số người nghỉ việc còn tăng nếu không có biện pháp giữ chân.
 
Giải pháp đầu tiên nhà máy thực hiện là giữ nguyên mức thưởng một tháng lương như Tết năm ngoái dù doanh nghiệp đang gặp khó khăn, bộ phận kế toán phải làm hồ sơ vay gói hỗ trợ Chính phủ để trả lương. Công ty sẽ chi 75% vào trước Tết, phần còn lại sẽ trả khi người lao động quay lại làm việc sau kỳ nghỉ. "Để có khoản thưởng 25% sau Tết, ban giám đốc phải xoay xở nhiều nguồn. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi động viên công nhân thông cảm, chia sẻ", ông An nói.
 
Ngoài thưởng, ban giám đốc tiếp tục giữ mức tăng lương căn bản năm 2022 lên 5% cho tất cả lao động, khuyến khích công nhân gắn bó lâu dài. Nhà máy cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho hơn 4.000 lao động ngoại tỉnh khi tổ chức xe đưa, đón về tận quê. Người khó khăn ở lại thành phố, nhà máy có phương án giúp đỡ riêng. Với những công nhân đã về quê khi dịch bùng phát, bộ phận nhân sự đang vận động quay trở lại. Công ty thuê sẵn 100 phòng trọ để đón lao động sau Tết. Tổng chi phí doanh nghiệp chi cho đợt này khoảng 100 tỷ đồng.
 
Để góp sức giữ chân lao động với nhà máy, công đoàn Công ty Samho Việt Nam sẽ tổ chức họp mặt các gia đình ở lại thành phố, phân công cán bộ gọi điện, đến phòng trọ chúc Tết, giữ liên lạc với công nhân.
 
Thường xuyên thiếu hụt khoảng 10% lao động, tương đương 6.000 người sau kỳ nghỉ Tết, các nhà máy phía Nam thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam lên nhiều phương án giữ chân công nhân. Đặc biệt khi các ngành du lịch, dịch vụ phục hồi, doanh nghiệp dệt may càng bị cạnh tranh nhân lực gay gắt.
 
Công nhân của Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương
 
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch công đoàn Dệt may Việt Nam, nói rằng trong giai đoạn này cam kết đảm bảo việc làm, thu nhập là cách níu công nhân ở lại hiệu quả nhất. Những ngày đầu năm 2022, các nhà máy đã ký được đơn hàng lấp đầy đến hết quý 3. Thông tin này được công bố rộng rãi đến toàn bộ lao động để họ an tâm, không lo thất nghiệp.
 
Bên cạnh đó, việc duy trì lương thưởng, không cắt giảm các khoản phúc lợi sẽ giúp công nhân tin tưởng vào tài chính vững chắc của doanh nghiệp. Dù tốn rất nhiều chi phí cho phương án "3 tại chỗ" nhưng dịp Tết Nhâm Dần các nhà máy vẫn dành ra một khoản để chi thưởng, trung bình 1,5 tháng lương cho người lao động. Để khuyến khích công nhân quay sau Tết, nhiều công ty tổ chức lì xì đầu năm, bốc thăm may mắn...
 
Biết người lao động cần gì để có phương án giữ chân hiệu quả là chia sẻ của bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang Việc làm tốt. Khảo sát mới nhất của đơn vị này cho thấy khoảng 22% người lao động sẽ nghỉ việc sau Tết nếu không có thưởng và lương tháng 13, trong đó nhóm thâm niên dưới 2 năm sẽ nghỉ nhiều nhất. Con số này sẽ giảm một nửa trong trường hợp doanh nghiệp có trả thưởng dù không như kỳ vọng. Khoảng 37% người lao động nói rằng sẽ tiếp tục gắn bó nếu công ty xem xét tăng lương vào năm 2022.
 
Bà Ngọc cho rằng nhóm lao động phổ thông, công nhân làm việc trong các nhà máy đặt nhiều kỳ vọng vào lương tháng 13. Để giữ chân nhân sự, doanh nghiệp cần dành một khoản thưởng nhất định cho người lao động. Đặc biệt nếu có kế hoạch tăng lương, doanh nghiệp cần thông báo sớm để tạo động lực cho họ quay lại sau kỳ nghỉ dài.
 
Người lao động ở TP HCM hồi hương vào tháng 10 năm ngoái khi thành phố "mở cửa". Ảnh: Đình Văn
 
Khảo sát của Việc làm tốt cũng chỉ ra 9 mong muốn của người lao động về nơi làm việc sau Tết như dịch bệnh được kiểm soát tốt ở nhà máy, tình hình kinh doanh của công ty phải tốt hơn, tăng lương, thêm một khoản thưởng bù đắp, có những khoản hỗ trợ khác ngoài lương như chỗ ở, bữa ăn ca chất lượng... Từ kết quả này, bà Ngọc cho rằng về lâu dài, các công ty cần cân đối và sớm đưa ra gói phúc lợi để làm bền chặt hơn sự liên kết giữa lao động và nhà máy.
 
Ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cũng đồng tình chính việc thực hiện tốt chế độ lương, thưởng, phúc lợi trong dịp Tết của doanh nghiệp góp phần rất lớn trong giữ chân và thu hút lao động quay trở lại làm việc sau Tết.
 
Theo ông Vân, TP HCM đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường lao động phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối lao động ở các tỉnh, giúp đỡ phương tiện đi lại, xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine cho lao động ở tỉnh quay lại thành phố.
 
Lê Tuyết    vnexpress.net

Xem thêm Doanh nghiệp