Người tiên phong chế tạo máy vi tính

  • www.doanhtri.net
  • 24-03-2018
  • 635 lượt xem

Arnold Spielberg, bố của đạo diễn gạo cội Steven Spielberg, là một trong những nhà khoa học tiên phong trong chế tạo máy vi tính. Ở tuổi 101, ông trò chuyện với GE Reports về máy tính, về tình yêu với khoa học viễn tưởng và về công trình cho các dự án bom tấn của Hollywood.

Khi bắt đầu thiết kế máy tính vào những năm 1950, công nghệ vẫn còn rất mới mẻ. Tại sao ông lại lựa chọn lĩnh vực này?

Tôi luôn thích các đồ điện tử. Tôi thích nghịch nam châm và đài vô tuyến. Tôi cũng nghe kể chuyện về Edison và Tesla, nhưng không biết chi tiết.

Hồi 9 tuổi, tôi sở hữu chiếc máy vô tuyến tinh thể đầu tiên. Về cơ bản, đó chỉ là một đi-ốt có khả năng phát hiện sóng vô tuyến. Tôi đã thử mày mò, nhưng không làm máy chạy được, cho đến khi được chú thợ sửa đài cạnh nhà giúp đỡ.

 

Ông còn lắp thiết bị nào khác không?

Tôi từng bắt gặp một cụm cấu kiện lắp ráp (erector set) trong một cửa hàng phần cứng. Tôi vào hỏi ông chủ xem liệu mình có thể sử dụng thiết bị này để chế tạo máy xúc, rồi trưng bày máy trên cửa kính để giúp họ bán thêm nhiều cụm cấu kiện lắp ráp không. Ông chủ miễn cưỡng đồng ý. Và thế là mỗi ngày sau khi tan trường, tôi lại ngồi bên trong cửa hàng và lắp ráp cho đến khi hoàn tất chiếc máy. Sau đó, tôi đã dẫn mẹ tới đây và chỉ cho bà xem thành quả của mình. Nhờ thế, tôi được tặng bộ đồ lắp ráp mong muốn nhân dịp lễ Hanukkah.

Tôi cũng chịu ảnh hưởng lớn của khoa học viễn tưởng. Một cặp sinh đôi cùng khu phố đọc tờ Astounding Stories of Science and Fact – một trong những tạp chí khoa học viễn tưởng đầu tiên, và đã tặng cho tôi một số báo. Tôi bị những thông tin khoa này cuốn hút ngay lập tức. Ngày nay, tạp chí đó đã đổi tên thành Analog Science Fiction and Fact, còn tôi vẫn mua và đọc mỗi kỳ.

Arnold Spielberg tham gia thiết kế máy tính để giám sát nhà máy thép, tua-bin hơi nước và nhiều công nghệ khác. Máy tính số hiệu GE-225 do ông thiết kế còn dự đoán chính xác kết quả bầu cử. Ảnh: Bảo tàng Sáng tạo và Khoa học Schenectady.

Tại sao ông chọn làm việc tại GE?

Tôi theo học ngành kỹ thuật điện tại Đại học Cincinnati và ra trường năm 1949. Công việc đầu tiên của tôi là thiết kế bo mạch điện tử cho hệ thống tên lửa tại Công ty Thông tin Viễn thông Hoa Kỳ (RCA). Khi RCA bắt đầu nghiên cứu máy tính, tôi tham gia dự án đó, rồi chuyển sang làm việc cho GE.

Năm 1955, tôi làm việc tại Phòng Máy tính của GE (YMCA), đặt ở Schenectady, New York. Tôi phụ trách thiết kế bo mạch cho những khối điều khiển tiến trình máy tính đầu tiên. Lúc đó, bộ phận này chỉ mới được thành lập. Tôi làm việc tại YMCA và chỉ được về thăm gia đình ở New Jersey vào cuối tuần.

Ai sử dụng những máy tính này?

Những chiếc máy tính đầu tiên được dùng vào mục đích công nghiệp. Khách hàng của chúng tôi là các nhà máy giấy và thép như Công ty Thép Jones & Laughlin ở Pittsburgh, nhà máy Youngstown Sheet and Tube ở Ohio và công ty thép McLouth Steel ở Michigan. Đây là những khách hàng đầu tiên sở hữu hệ thống kiểm soát máy cán băng nóng.

Những máy tính này có công dụng gì?

Máy tính đầu tiên tôi thiết kế là hệ thống thu thập dữ liệu. Được lập trình bằng dây, nên hệ thống này chỉ có duy nhất một chức năng là giám sát lỗi. Một máy khác số hiệu GE-312 dùng để giám sát tua-bin cho công ty Southern California Edison. Chúng tôi không dám kiểm soát tua-bin này vì nó đòi hỏi phải bật-tắt thường xuyên, ảnh hưởng xấu đến tuổi thọ máy. Do đó, chức năng của GE-312 là đảm bảo tua-bin duy trì nhiệt độ trong khoảng nhất định và mọi điểm tiếp xúc đều đóng, mở theo quy định.

Ông có thể kể về chiếc máy tính mà Đại học Dartmouth dùng để viết ngôn ngữ BASIC được không?

Không giống như các dòng máy trước đó, GE-225 là máy tính thương mại. Nó có phần mềm riêng xử lý xuất, nhập dữ liệu. Chúng tôi đã chuyển nhà máy đến Phoenix, bán GE-225 cho các công ty trong nội bộ GE và bán ra thị trường bên ngoài. GE dùng máy này để chạy các ứng dụng kinh doanh nói chung và một số công trình khoa học, nhưng đa phần là để xử lý việc kinh doanh. Lúc đó, tôi phụ trách một nhóm hệ thống máy tính nhỏ. Công việc của chúng tôi là thiết kế bo mạch, thiết kế logic, hoạch định hệ thống và tổng hợp tất cả các khâu.

Năm 1964, học sinh và giảng viên tại Đại học Dartmouth dùng máy tính GE-225 (trong ảnh) để viết bản ngôn ngữ BASIC đầu tiên. Ảnh: Bảo tàng Sáng tạo và Khoa học Schenectady.

Máy tính này trông thế nào?

Máy tính này gồm ba kệ thiết bị. Mỗi kệ rộng 0,7 m và cao 2,1 m. Dưới đáy mỗi kệ có hệ thống điều hòa để tản nhiệt cho bo mạch. Bộ nhớ máy tính dao động từ 8.000 đến 16.000 từ 20 bit. Nó còn có một bộ nhớ ngoài lên tới 32.000 từ 20 bit. Giao diện máy tính được trang bị băng từ, có các thẻ và băng bấm lỗ cùng nhiều trang bị khác.

Đồng nghiệp của tôi, Bill Bridge, đã thiết kế cho trường Dartmouth một giao diện có khả năng chuyển thông tin từ máy tính sang các thiết bị đầu cuối chết (dumb terminal). Những thiết bị này không có bộ nhớ và không có chức năng điện toán, chúng chỉ là thiết bị đầu vào và đầu ra sử dụng bàn phím thôi. Có thể kết nối từ 15 đến 20 thiết bị đầu cuối (terminal) vào một máy tính và chia sẻ thời gian dùng máy. GE là một trong những công ty đầu tiên thực hiện tính năng chia sẻ thời gian (time share) và cho phép nhiều terminal sử dụng chung một máy tính.

Dartmouth sử dụng một trong những máy tính của chúng tôi để phát triển ngôn ngữ BASIC. Máy tính này cho phép người dùng sử dụng hệ thống để giải quyết vấn đề và xử lý dữ liệu xuất, nhập. Có lẽ Steve Wozniak đã sử dụng một terminal từ xa tương tự để viết phần mềm cho máy Macbook.

Bạn bè và gia đình có hiểu công việc của ông không?

Hồi đó bạn bè tôi ít quan tâm đến máy tính. Đối với họ, đó là một điều bí ẩn. Con trai tôi, Steven, cũng đến thăm chỗ làm của tôi một lần. Tôi dẫn thằng bé đi tham quan nhà máy và bộ phận kỹ thuật, cố gắng khiến nó hứng thú với ngành này, nhưng nó lại chỉ đam mê phim ảnh. Ban đầu tôi cũng thất vọng, nhưng sau đó thấy nó làm phim rất giỏi, nên tôi không nghĩ đến nữa.

Ông cũng tham gia vào việc làm phim mà.

Tôi đã đến Học viện Công nghệ California (Caltech) để gặp gỡ các nhà vật lý thiên thể Kip Thorne và Lisa Randall, cùng một số nhà khoa học khác. Chúng tôi cùng nhau lên ý tưởng về lỗ đen cho bộ phim “Du hành liên sao” (Interstellar). Trải nghiệm đó rất thú vị, chúng tôi đã trao đổi và thảo luận hăng say tất cả ý tưởng về kích thước, về tính khả thi và khả năng tồn tại của lỗ đen.

Arnold Spielberg năm 1961. Ảnh: Bảo tàng Sáng tạo và Khoa học Schenectady.

Ông không thể thuyết phục Steven làm kỹ sư được, nhưng có vẻ như Steven lại khiến ông tham gia làm phim rồi.

Làm phim giờ thành truyền thống gia đình tôi rồi.

Theo Tomas Kellner

Box 1: Arnold Spielberg – người đi tiên phong chế tạo máy vi tính

Cuối những năm 1950, Arnold Spielberg chế tạo những máy vi tính đầu tiên. Một trong những thiết kế đột phá của ông đã được các nhà khoa học máy tính tại Đại học Dartmouth sử dụng để sáng tạo ngôn ngữ BASIC – công trình đã cách mạng hoá máy tính cá nhân. Là một trong những người tiên phong, nhưng khi mới bắt đầu, Arnold vẫn còn rất mờ mịt về nhiều điều mà ngày nay chúng ta xem là bình thường. “Khi đó, tôi chưa bao giờ hình dung đến thứ gì giống như mạng Internet cả,” ông nói với GE Reports.

Minh Ngoan Theo nguồn tin của http://gereports.vn

 

Xem thêm Thế giới