Nghị quyết 19 của Chính phủ: Thay thế cán bộ chần chừ cải cách hoặc lạm quyền, tư lợi riêng

  • www.doanhtri.net
  • 17-05-2018
  • 700 lượt xem

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Tăng thêm 8 – 18 bậc trên bảng xếp hạng World Bank

Nghị quyết tiếp tục tập trung vào mục tiêu cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 – 18 bậc trên bảng xếp hạng của World Bank, đặc biệt là những chỉ số đang còn ở vị trí thấp.

Đơn cử, chỉ số khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc, giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc, giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.  

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết, phải hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh, kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.

Đồng thời, giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Nghị quyết 19 còn nhấn mạnh việc chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm, xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan…

Mặt khác, Nghị quyết cho biết cần đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương

Một trong các kế hoạch hành động để thực hiện được Nghị quyết 19, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành đặc biệt quan tâm đến việc thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ.

Theo đó, các đơn vị liên quan phải chỉ đạo cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong công cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng.

 

Chính phủ cũng chỉ đạo tránh thanh tra, kiếm tra, kiểm toán đồng bộ, gây chồng chéo, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, còn phải đảm bảo quyền bình đẳng của doanh nghiệp trước pháp luật.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu cần ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công,…Đồng thời, các Bộ ngành cũng phải tìm ra các giải pháp thiết thực giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp…

T.Công

Theo Trí thức trẻ

Xem thêm Thời sự