Ngành ngân hàng năm 2020 – 2021: Kiểm soát rủi ro nợ xấu được đặt lên hàng đầu

  • www.doanhtri.net
  • 30-11-2020
  • 586 lượt xem
Đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động toàn diện lên mọi mặt kinh tế – xã hội thế giới và Việt Nam. Với ngành ngân hàng, dù không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, song cũng đã và đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.
 
Đó là những mối lo trong sự phình to ngày càng lớn của nợ xấu. Và để hạn chế nó, trước mắt các ngân hàng cần đặt vấn đề kiểm soát rủi ro nợ xấu lên hàng đầu.
 
Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trở lại
 
Nhận định về nợ xấu, các chuyên gia của của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho rằng: “Nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn nhất đối với ngành Ngân hàng”. Cụ thể, báo cáo cho biết, sau khi đại dịch dịu đi, tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi và tỷ lệ tthu nhập lãi thuần (NIM) có thể được cải thiện bằng cách thay đổi cơ cấu cho vay và huy động, nhưng tác động của nợ xấu chỉ có thể được hạn chế khi các ngân hàng thận trọng trong việc thẩm định tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng.
 
Báo cáo chiến lược tháng 11 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy nợ xấu tại 17 ngân hàng thương mại niêm yết tính đến hết quý III/2020 ở mức hơn 97.280 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.
 
Xét riêng báo cáo tài chính quý III của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nợ xấu của ngân hàng này đã tăng đến 36% so với hồi đầu năm, lên gần 7.885 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 0,79% lên 1,01%. Trong đó, quy mô nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2019; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng gấp ba lần so với cuối năm 2019.
 
Còn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), nợ xấu nội bảng tính đến hết 30/9/2020 là 17.949 tỷ đồng, tăng 66% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,16% hồi đầu năm lên 1,87%. Đáng chú ý, nợ xấu tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) tăng gấp 6,5 lần so với đầu năm, lên 2.241 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu vì thế tăng vọt từ 1,02% lên 6,63%.
 
Tại VPBank, tổng nợ xấu hợp nhất đến cuối quý III là hơn 10.147 tỷ đồng, cao hơn 15% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 15%, nợ nhóm 4 tăng 36%. Kết quả này kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của ngân hàng tăng từ mức 3,42% đầu năm lên 3,65%.
 
Báo cáo tài chính quý III/2020 của TPBank cũng cho thấy, tổng nợ xấu tính đến 30/9 là hơn 1.970 tỷ đồng, tăng 60% so với thời điểm cuối năm 2019 (hơn 1.235 tỷ đồng). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 27% lên hơn 569,5 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 82% lên hơn 555 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 76% lên hơn 846 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức gần 1,3% hồi đầu năm lên gần 1,8%.
 
Lý giải về những con số nợ xấu đang tăng cao, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, đây là diễn tiến khó tránh trong tình hình kinh tế hiện tại. Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân, những người làm công ăn lương, buôn bán nhỏ.
 
Ứng phó nợ xấu của các ngân hàng
 
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng nhận định, lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại là rất lớn. Do đó, khi Thông tư 01 hết hiệu lực mà DN vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ tăng mạnh. Đây sẽ là thách thức đối với những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng đầy đủ.
 
Nhìn nhận dịch Covid-19 tác động lớn đến hoạt động của ngành ngân hàng, nhất là công tác xử lý nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế dự báo, cuối năm 2020, nợ xấu nội bảng sẽ tăng lên đến 3% và trong năm 2021 sẽ tăng lên 4%. Thậm chí, theo ước tính của Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI (SII Research), nợ xấu sẽ tăng 17% vào cuối năm 2020 và 14% vào năm 2021. Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng. Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) sẽ giảm từ 40 đến 80 điểm cơ bản.
 
“Nợ xấu tăng tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, từ lợi nhuận đến khả năng tăng vốn điều lệ (do vốn điều lệ tăng 1 phần từ lợi nhuận giữ lại và khi lợi nhuận thấp thì dòng tiền giữ lại để tăng vốn cũng ít). Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên tính toán lại thời điểm hết hiệu lực của Thông tư 01 theo hướng có lộ trình để không tạo cú sốc cho nợ xấu tăng nhanh với hệ thống các ngân hàng thương mại”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
 
Trước những vấn đề TS. Cấn Văn Lực đặt ra, ông Trần Đăng Phi – Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN cho biết, NHNN đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để sớm hoàn thành việc sửa đổi Thông tư 01. NHNN đã làm việc với Bộ Tài chính và hai cơ quan thống nhất về định hướng sửa đổi. Theo đó, Thông tư 01 sẽ được sửa đổi một cách bài bản, căn cơ, đảm bảo an toàn, bền vững cho hoạt động ngân hàng.
 
Để có thể ứng phó với tình hình nợ xấu gia tăng trong tương lai, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, SSI Research cho rằng, ngân hàng cần tích cực trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu nội bảng ngay từ bây giờ. TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến nghị: “Dù Thông tư 01 cho phép nhà băng không phải chuyển nhóm nợ và trích lập dự phòng song các ngân hàng nên tự chuẩn bị dự phòng”.
 
Chia sẻ về kiểm soát rủi ro trong các tổ chức tín dụng, PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, thời gian tới, các ngân hàng ngoài việc nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, thì về dài hạn cần điều chỉnh danh mục cho vay, thậm chí hướng tới điều chỉnh danh mục tài sản tiến tới giảm tỷ trọng tài sản tín dụng, tăng tài sản phi tín dụng. Đồng thời, luôn phải đặt nhiệm vụ xử lý nợ xấu là trọng tâm, đặc biệt là việc xây dựng các giải pháp riêng biệt cho từng nhóm khách hàng và đẩy mạnh bán nợ. Cùng với đó, các ngân hàng cần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống dữ liệu lớn (big data), nhanh chóng đưa vào sử dụng và hoàn thiện các sản phẩm ngân hàng số, các giao dịch ngân hàng điện tử…
 
Năm 2020 đang dần khép lại, Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” cũng đã đến thời điểm kết thúc và hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nhưng mục tiêu đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% vào cuối năm nay theo Quyết định 1058 dường như khó hoàn thành.
 
Dự báo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy, đến cuối năm tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ tăng và ở mức 3%, tới năm 2021 con số này sẽ lên tới 3,5-4%; nợ xấu gộp (gồm cả nợ xấu các tổ chức tín dụng bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn) có thể tăng lên mức 5% cuối năm 2020 và khoảng 5,5-6% năm 2021.
 

Xem thêm Tài chính