Ngân hàng vẫn lo chuyện 'đứng cho vay, quỳ đòi nợ'

  • www.doanhtri.net
  • 25-05-2017
  • 863 lượt xem

 

Dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu đang trình Quốc hội vẫn gây lo ngại về việc chưa giải quyết mấu chốt lâu nay là quyền chủ nợ của ngân hàng.

Tại hội thảo "Xử lý nợ xấu - Từ góc độ chính sách và pháp luật" diễn ra đầu tuần này, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội đưa ra 4 điểm mới. 

Thứ nhất là thời điểm bắt đầu có hiệu lực xử lý nợ xấu là 1/7/2017 và kết thúc 1/7/2022, nghĩa là nợ xấu sẽ xử lý trong vòng 5 năm. Thứ hai, các khoản nợ được xử lý không phân biệt của các ngân hàng thương mại Nhà nước hay cổ phần. 

Thứ ba, chỉ nợ kết toán đến ngày 31/12/2016 mới được xử lý, còn lại phải thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng 2010. Cuối cùng, dự thảo quy định nếu con nợ đồng thuận trao quyền xử lý tài sản đảm bảo cho ngân hàng thì nhà băng sẽ thực hiện thu giữ. Ngược lại, ngân hàng có quyền kiện ra tòa xử theo quy trình rút gọn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Phó chủ tịch LienVietPostBank lại cho biết mình khá thất vọng với những nội dung này. Điểm mấu chốt nhất trong xử lý nợ xấu đang vướng vừa qua, theo ông, là công nhận quyền chủ nợ hợp pháp của ngân hàng, nhưng dự thảo lại để ngỏ quy định này, khi cho phép ngân hàng chỉ được thực hiện quyền chủ nợ (thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo) nếu con nợ đồng thuận. Trường hợp con nợ không chấp nhận thì phải kiện ra toà, xử theo trình tự rút gọn. 

"Lâu nay ngân hàng vẫn "đứng cho vay, quỳ đòi nợ" khi thu hồi tài sản đảm bảo. Quy định tại dự thảo sẽ khiến con nợ thêm chây ỳ, cãi cùn, không bao giờ chịu chủ động bàn giao tài sản. Ngược lại, việc này biến ngân hàng thành những người hành khất ", ông Hưởng nói và nhấn mạnh, xử lý nợ xấu phải có tầm nhìn xa, xuyên suốt, đừng gửi nợ cho tương lai. 

ngan-hang-van-lo-chuyen-dung-cho-vay-quy-doi-no

Dù đưa ra nhiều điểm mới, song các chuyên gia ngân hàng cho rằng dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu vẫn chưa giải quyết được mấu chốt trong xử lý nợ đang vướng lâu nay. 

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico cũng cho rằng, trước khi đi vay, người vay đã tự nguyện đưa tài sản của mình vào cầm cố, thế chấp... nghĩa là đã đồng ý cho ngân hàng có quyền xử lý tài sản khi không trả được nợ. Nếu dự thảo bỏ quy định không yêu cầu bắt buộc con nợ giao tài sản thế chấp cho ngân hàng, thì lập tức gần như trở về bằng không. "Khi đó nguy cơ càng khó xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm", ông Đức bày tỏ.

Thực tế khó khăn xử lý nợ xấu do kéo dài thời gian tranh chấp, thu hồi tài sản đảm bảo cũng được Chủ tịch Vietcombank - ông Nghiêm Xuân Thành chia sẻ. Ông Thành dẫn dụ, nhiều vụ việc sau khi ngân hàng không thoả thuận được với con nợ về hướng thu giữ tài sản đảm bảo, đành kiện ra toà. Nhưng sau 18 tháng khởi kiện toà mới xử phiên hoà giải đầu tiên, còn đa phần đều kéo dài 2-3 năm, có vụ 7-8 năm. Dù toà có xử kiện thắng thì cũng mất vài năm, trong khi đó nợ cũ chưa xử lý được, nợ mới đã hình thành. 

Số liệu thống kê cho thấy trong 4 năm (2012-2016), đã có 611.590 tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong hệ thống ngân hàng. Đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các nhà băng xử lý được trên 50.130 tỷ nợ xấu, bằng 1/5 khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành xấu đang có nguy cơ tăng trở lại. Đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống. Nhưng nếu tính cả nợ tiềm ẩn thì tỷ lệ này là 10,08%. 

vnexpress.net

 

Xem thêm Tài chính