Mới: Hải quan được bổ sung quyền; Luật hóa quảng cáo xuyên biên giới; Dự kiến 11 ngành, nghề bị hạn chế tiếp cận thị trường

  • www.doanhtri.net
  • 15-09-2020
  • 1051 lượt xem
Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa
 
(Pháp lý) – Theo đó, từ ngày 15.10, Hải quan sẽ được bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm thương mại, hàng giả, hàng cấm; Trong lĩnh vực Thông tin và lĩnh vực tài chính, các Bộ chức năng cũng đang lấy ý kiến góp ý để Luật hóa hoạt động quảng cáo xuyên biên giới nhằm góp phần chống thất thu thuế; Cùng với đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng sẽ qui định rõ và công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường. Dự kiến sẽ có 11 ngành, nghề bị hạn chế tiếp cận thị trường.
 
….Đó là những chủ trương chính sách mới quan trọng trong các lĩnh vực hải quan, thông tin, tài chính và đầu tư sắp có hiệu lực và đang lấy ý kiến góp ý.
 
Từ ngày 15 tháng 10: Bổ sung thẩm quyền của hải quan xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại, hàng giả, hàng cấm
 
Theo qui định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020, của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kể từ ngày 15/10/2020, ngành hải quan có một số thẩm quyền mới xử lý vi VPHC trong lĩnh vực này.
 
Về cơ bản, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP vẫn giữ nguyên thẩm quyền xử phạt của cơ quan hải quan theo các qui định hiện hành đối với các cá nhân. Tuy nhiên, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đã bổ sung, thêm mới thẩm quyền xử phạt của cơ quan hải quan đối với tổ chức vi phạm.
 
Cụ thể, công chức hải quan đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 1 triệu đồng đối với tổ chức.
 
Đội trưởng thuộc chi cục hải quan, đội trưởng thuộc chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 10 triệu đồng đối với tổ chức.
 
Chi cục trưởng chi cục hải quan; chi cục trưởng chi cục kiểm tra sau thông quan; đội trưởng đội kiểm soát thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu; hải đội trưởng hải đội kiểm soát trên biển; đội trưởng đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với tổ chức, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 25 triệu đồng (đối với cá nhân) và không vượt quá 50 triệu đồng (đối với tổ chức), áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d và e khoản 3 Điều 4 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP
 
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan, cục trưởng cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với tổ chức; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50 triệu (đối với cá nhân) và không vượt quá 100 triệu (đối với tổ chức); áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d và e khoản 3, Điều 4 của nghị định này.
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền: Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến mức tối đa quy định tại nghị định này; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d và e khoản 3, Điều 4 của nghị định này.
 
Liên quan đến xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, ngoài các qui định hiện hành, Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm các hành vi vi phạm khác mà cơ quan hải quan có quyền xử phạt theo thẩm quyền. Đó là các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm; vi phạm về hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; vi phạm về hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; vi phạm về hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu, giấy phép nhập khẩu hàng hóa; vi phạm về ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; vi phạm về tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hàng hóa; vi phạm về chuyển khẩu hàng hóa; vi phạm về quá cảnh hàng hóa; vi phạm về hoạt động của cửa hàng miễn thuế; vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; vi phạm về gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài; vi phạm về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
 
Trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả đang có chiều hướng gia tăng, Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng đã bổ sung nhiều quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, tăng mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính… sẽ góp phần giúp cơ quan hải quan nói riêng và các Bộ, ngành nói chung quản lý, xử phạt các hành vi vi phạm.
 
Sẽ Luật hóa quy định quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới góp phần chống thất thu thuế
 
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Nội dung của nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, đặc biệt là với các hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới.
 
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, các doanh nghiệp xuyên biên giới kinh doanh, có doanh thu, lợi nhuận tại Việt Nam sẽ phải đóng thuế. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, cứ phát sinh doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam là phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế.
 
“Ngành Thuế sẽ phối hợp với các đơn vị như các công ty quản lý về hạ tầng, các ngân hàng thương mại, kể cả các trung gian thanh toán để hỗ trợ ngành thuế chia sẻ thông tin, tăng cường quản lý và làm việc trực tiếp với các công ty công nghệ nước ngoài như Google, Facebook, Amazon…”, ông Minh khẳng định.
 
Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2018, doanh thu từ quảng cáo trên Facebook ở Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, nhưng chưa đóng thuế. Nếu truy thu thì số thuế thu được có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
 
“Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Các giao dịch mua bán trên Facebook thực hiện qua thẻ tín dụng, nên ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền này và sẽ chặn trong trường hợp phát hiện vi phạm”, Bộ trưởng Hùng cho biết.
 
Với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng những quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo sẽ góp phần vào việc chống thất thu thuế đối với các hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.
 
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Nội dung của nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, đặc biệt là với các hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới.
 
Theo đề xuất của đơn vị soạn thảo nghị định mới, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng có phát sinh doanh thu hoặc có người sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó có luật về quảng cáo, quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
 
Nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải có giải pháp bảo đảm người phát hành quảng cáo ở Việt Nam có khả năng kiểm soát, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.
 
Ngành, nghề nào sẽ bị hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài?
 
Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 đã quy định về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; trong đó, luật cũng có yêu cầu công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường.
 
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Nghị định này sẽ hướng dẫn 20 Điều của Luật Đầu tư. Theo đó, ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo.
 
Theo dự thảo, khoản 4 Điều 9 Luật Đầu tư quy định về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; trong đó có yêu cầu Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
 
Dự kiến Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài có 11 ngành nghề.
 
Cụ thể gồm: Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại; hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức; đánh bắt hoặc khai thác hải sản; dịch vụ điều tra và an ninh;
 
Các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên; dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; kinh doanh nghĩa trang, công viên nghĩa trang; dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận); dịch vụ nổ mìn; dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
 
Đánh bắt hoặc khai thác hải sản nằm trong Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
 
Ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài là nội dung mới của Luật Đầu tư và chưa được quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP (trừ một số nguyên tắc về công bố điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 10 và Điều 13 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP).
 
Do vậy, Nghị định này sẽ quy định về Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện; các nguyên tắc áp dụng ngành, nghề và điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
 
Đối với ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, danh mục dự kiến có 40 ngành nghề, như: sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa, bao gồm các bản ghi hình; sản xuất, phân phối, và chiếu các chương trình ti vi và các tác phẩm điện ảnh; phát thanh và truyền hình; thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, dầu và khí.
 
Kinh doanh bất động sản; kinh doanh đặt cược, casino; dịch vụ thẩm định giá, dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; bảo hiểm, ngân hàng, môi giới, kinh doanh chứng khoán, tiền tệ và các dịch vụ có liên quan khác; dịch vụ viễn thông; dịch vụ quảng cáo; dịch vụ in, dịch vụ phát hành xuất bản phẩm…
 
 
Hà Trang ( T/h)   https://phaply.net.vn/
 

Xem thêm Tin Chi hội IBLA