ManpowerGroup Vietnam: Sinh viên mới ra trường trong tương lai sẽ phải có kinh nghiệm của quản lý cấp trung!

  • www.doanhtri.net
  • 11-09-2019
  • 733 lượt xem

Cách mạng 4.0 sẽ không làm giảm cơ hội việc làm, tuy nhiên, nhân sự trong kỷ nguyên mới cần đáp ứng nhiều kỹ năng hơn.

 

"Cách mạng 4.0 sẽ không làm giảm cơ hội việc làm" - bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự ManpowerGroup khẳng định tại sự kiện Talent Strategy 4.0 - Thu hút và Giữ chân nhân tài phù hợp trong Kỷ nguyên số.

Nhiều năm qua, sự bùng nổ công nghệ đã mang đến những nhân tố mới: robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo hay số hóa. Đã có những lo ngại rằng đây sẽ là những mối đe dọa thay thế lực lượng lao động toàn cầu.

Tuy nhiên, theo khảo sát The Skills Revolution 4.0 của ManpowerGroup, 87% doanh nghiệp được hỏi dự định sẽ tăng hoặc giữ nguyên nhân sự dưới tác động của tự động hóa.

Lí giải cho điều này, bà Trang cho rằng mặc dù tự động hóa có khả năng thay đổi đến 45% những tác vụ trong các công việc hiện nay nhưng nó cũng tạo ra những công việc mới hoặc những tác vụ mới cho công việc trước đây.

Vì vậy, chỉ có 5% tổng số công việc sẽ bị thay thế. Bà lấy ví dụ các làn sóng start-up công nghệ ở Việt Nam. Những đơn vị này đã mở ra tại Việt Nam mở ra nhiều cơ hội tuyển dụng. Kể cả ở những công việc với kĩ năng chưa có tại thị trường, các ứng viên sẽ không phải quá lo lắng vì các đơn vị này sẵn sàng đào tạo thêm, chuyển đổi bổ sung kĩ năng cho những nhân viên có sẵn nền tảng.

Mặt khác, bà cũng cho thấy nhìn chung tỷ lệ giảm nhân sự ở một số ngành cũng đồng hành với tỷ lệ tăng. Điều này cũng thể hiện qua xu hướng thiếu hụt nhân tài của các doanh nghiệp đang ngày càng tăng qua các năm kể từ sau khủng hoảng, đạt tỷ lệ cao hơn trước 2008: năm 2006, nếu 40% doanh nghiệp cảm thấy cần thêm nhân tài, thì 2018, con số này là 45%.

ManpowerGroup Vietnam: Sinh viên mới ra trường trong tương lai sẽ phải có kinh nghiệm của quản lý cấp trung! - Ảnh 1.

Do đó, câu hỏi đặt ra cho chúng ta không còn là "Liệu chúng ta sẽ bị robot thay thế hay không?" mà sẽ là "Phải làm gì để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng ở bối cảnh mới?", và câu trả lời chính là "kỹ năng".

ManpowerGroup Vietnam: Sinh viên mới ra trường trong tương lai sẽ phải có kinh nghiệm của quản lý cấp trung! - Ảnh 2.

Kỹ năng giờ đây không chỉ bao gồm chuyên môn mà còn là kỹ năng mềm và kỹ năng số. Đặc biệt, điều khiến con người không bị máy móc thay thế nằm ở chính những kỹ năng mềm, điển hình trong đó là khả năng giao tiếp. Kỹ năng tưởng chừng phổ biến này lại là những kĩ năng khó tìm kiếm và có giá trị nhất với các doanh nghiệp.

ManpowerGroup Vietnam: Sinh viên mới ra trường trong tương lai sẽ phải có kinh nghiệm của quản lý cấp trung! - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, từng ngành nghề cụ thể cũng yêu cầu có thêm những kĩ năng mà trước đây người ta nghĩ là chỉ đòi hỏi ở những nhân sự cấp cao. Ví dụ, một nhân viên tài chính kế toán trong tương lai sẽ không chỉ cần tuân thủ quy trình và chi tiết cùng kĩ năng lưu trữ hồ sơ mà còn cần nhận biết được các xu hướng, có được tư duy kinh doanh và khả năng thuyết trình cùng dịch vụ khách hàng.

Như bà Nguyễn Thu Trang nhận định: "Một sinh viên mới ra trường trong tương lai sẽ phải có kinh nghiệm của một quản lí cấp trung, quản lí cấp trung giờ phải đẩy kĩ năng của mình lên mức quản lí cấp cao. Quản lí cấp cao thì phải có kĩ năng tương tự như CEO trước đây và CEO sẽ là những nhà chiến lược chứ không còn là những người vận hành."

 
ManpowerGroup Vietnam: Sinh viên mới ra trường trong tương lai sẽ phải có kinh nghiệm của quản lý cấp trung! - Ảnh 4.

Ở điểm nhìn của nhà tuyển dụng, nhu cầu nhân sự trong tương lai sẽ đòi hỏi không chỉ những kỹ năng chuyên môn ở trình độ cao còn là khả năng học hỏi, thích ứng kịp thời của các nhân viên.

Nhưng ngược lại, làm thế nào để thu hút và giữ chân nhân tài là câu hỏi cần được các nhà quản lý giải đáp.

Bà Trang cho rằng cần hiểu được lực lượng tương lai của mình. Sinh ra trong khoảng thời gian từ 1996 - 2016 và được tiếp xúc với những tiến bộ công nghệ từ sớm, thế hệ lao động này sớm thể hiện những yêu cầu về công việc không giống như những thế hệ trước.

Họ mong muốn một công việc linh hoạt. Cụ thể, hơn một nửa những người trẻ thuộc thế hệ Z lại muốn một công việc không phải đi làm toàn thời gian, không mong muốn một "công việc suốt đời" như những bậc cha chú, họ có xu hướng tìm kiếm sự "bảo đảm nghề nghiệp" hơn. Điều này có nghĩa, họ sẽ coi trọng những công việc giúp họ phát triển kĩ năng rộng, dễ thuyên chuyển lên những vị trí, lĩnh vực mới.

Ngoài ra, sau khi xét đến cả nhu cầu doanh nghiệp và cả thế hệ lao động tương lai, bà Trang cho rằng bên cạnh cải thiện về chế độ đãi ngộ, nâng cấp kĩ năng sẽ trở thành xu hướng bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp.

Hoàng Hải     Theo Trí thức trẻ

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe