LÀM CHỦ DOANH NGHIỆP THỜI HỘI NHẬP
Nguyễn Thị Hồng Vy

  • www.doanhtri.net
  • 18-12-2018
  • 986 lượt xem

Sau 12 năm Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, sự phấn khởi, háo hức của các doanh nghiệp về Hội nhập Kinh tế quốc tế đã dần trầm lắng hơn, trưởng thành hơn. Đó là sự trải nghiệm của các doanh nghiệp trước những thuận lợi và trước những rủi ro, thách thức:

I. Những thành tựu đáng trân trọng của doanh nghiệp:

  1. Thâm nhập thị trường thế giới: nhiều sản phẩm của VN đã mở rộng được thị trường trên toàn cầu, không còn bị các rào cản tự do thương mại của các quốc gia như hạn ngạch quota, thuế quan…
  2. Thu hút liên doanh đầu tư nước ngoài: nhiều doanh nghiệp thông qua liên doanh đầu tư nước ngoài đã phát triển thương hiệu của mình bên cạnh các tập đoàn tên tuổi, hình thành các tập đoàn doanh nghiệp VN, từ đó nâng tầm quản lý doanh nghiệp phù hợp với các tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế. Lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn, có kỹ năng thực hiện những sản phẩm chất lượng cao theo yêu cầu của khách hàng.
  3. Thu hút vốn thông qua thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài để mở rộng và phát triển kinh doanh một cách bền vững, không bị rủi ro do lãi suất vay vốn không ổn định của hệ thống tín dụng tài chính ngân hàng.

IINhững khó khăn thách thức của Doanh nghiệp

  1. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường quốc tế, sản phẩm tiêu dùng của VN luôn bị kiện cáo do những rào cản kỹ thuật của các tổ chức, hiệp hội ngành hàng trên thế giới và của các quốc gia dựng lên
  2. Trong nội tại của các doanh nghiệp, sự thừa thắng xông lên cộng với sự thiếu hiểu biết, mở rộng và phát triển quá nhanh, tham gia vào những loại hình kinh doanh không đúng ngành nghề đã làm nhiều doanh nghiệp đang từ là doanh nghiệp mạnh bị lôi cuốn vào những mảng kinh doanh thua lỗ, ảnh hưởng đến tình hình tài chính công ty.
  3. Thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh thương trường nên khi gặp sự cố như khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu trong những năm qua, đối tác và thị trường giảm dần đã làm nhiều doanh nghiệp lao đao.

III. Những rủi ro cao trước những chính sách điều hành vĩ mô của chính phủ, chẳng hạn:

  1. Chính sách nhà đất, nhà nước và địa phương quy định giá thuê đất và giá sử dụng đất, chuyển đổi mục đích xử dụng đất theo giá thị trường, trong khi doanh nghiệp đền bù, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhau đã theo giá thị trường, nhà nước đã thu thuế chuyển nhượng thông qua thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, như thế là giá chồng lên giá;
  2. Chính sách của nhà nước về kìm giữ giá cả không phù hợp với luật cạnh tranh, nhà nước không thể bù lỗ cho tất cả các thành phần kinh tế nên tạo ra một khoảng cách lớn không cạnh tranh nổi giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài nên doanh nghiệp tư nhân dần dần bị đảy lùi ra khỏi thị trường.
  3. Chính sách kềm chế lạm phát bằng cách siết tín dụng, nâng lãi suất ngân hàng làm doanh nghiệp điêu đứng, tiền lãi ngân hàng chỉ một năm là ngốn hết vốn tự có của doanh nghiệp, giá thành sản phẩm cao do đội phí lãi vay làm sản phẩm không cạnh tranh được với thị trường xuất khẩu và nội địa.
  4. Chính sách về mức lương tối thiểu, chính sách thuế, các quy định hạch toán chi phí đầu vào của doanh nghiệp, giá trị khấu hao không thực, dẫn đến lời giả lỗ thật, không đủ tái đầu tư trong khi vẫn phải báo cáo có lãi để nộp thuế thu nhập

Không ít Doanh nghiệp muốn thoát ra cơn khốn khó này, nhưng biết làm sao đây. Xin giải thể cũng phải trả hết nợ, trả tiền lương và các khoản bồi thường chính sách nghỉ việc cho người lao động. Thôi đành nộp đơn xin phá sản vậy. Doanh nghiệp trong nước còn chán nản mất niềm tin thì làm sao DN nước ngoài không ngại đầu tư.

Nguyễn Thị Hồng Vy

Xem thêm Doanh nghiệp