Kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/03/1931 - 26/03/2018) Vài nét về cuộc đời Đồng chí Lê Quang Thành, một cán bộ Đoàn lão thành - Luật gia Bùi Việt Cường

  • www.doanhtri.net
  • 24-03-2018
  • 1632 lượt xem

Bác Hồ đã từng nói: “Một năm bắt đầu từ Mùa Xuân, một cuộc đời bắt đầu từ Tuổi trẻ. Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các Thanh niên”. (HCMTT, tập 5, trang 216)

Được coi là “cánh tay phải” của Đảng, ngay từ khi ra đời cách đây 87 năm (26/03/1931), Đoàn Thanh niên đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Trong quá trình hoạt động của mình, Đoàn đã mang các tên gọi khác nhau như: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương (1931-1936), Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương (1937-1939), Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương (1939-1941), Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam (1941-1956), Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (1956-1970), Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh (1970-1976) và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (từ tháng 12/1976).

Nhiều thập kỷ đã trôi qua, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam đã sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, đã hy sinh cả tuổi trẻ tươi đẹp cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí Lê Quang Thành cũng là một trong số những Đoàn viên Thanh niên tiền phong, gương mẫu đó…

Trên tay tôi là cuốn “MÔT ĐỜI NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU– Tự truyện” (sách in đẹp, trang trọng dày gần 500 trang, Tác giả tự tay thân thiết ký tặng) của Đồng chí LÊ QUANG THÀNH (Đoàn Văn Tý, Đoàn Hồng Đoàn), 94 năm tuổi Đời, 74 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng khóa VI, Bí thư Đặc khu ủy Vũng Tàu-Côn Đảo..., do nữ Nhà văn TRẦM HƯƠNG chấp bút, Nhà xuất bản Hội Nhà văn in và phát hành cuối năm 2017.

Cuốn sách được trình bày theo dòng thời gian lịch sử và chia thành 7 phần với các giai đoạn nối tiếp nhau là: Thời niên thiếu đến mùa Thu 1946; Kháng chiến chống Pháp; Kháng chiến chống Mỹ; Hòa bình thống nhất đất nước; Nghỉ hưu; Ký ức về các đồng chí lãnh đạo đất nước, đồng chí, đồng đội, bạn thân...và Tự sự.

Xuyên suốt cuốn Tự truyện là những dòng tâm huyết, chân thành về Gia đình, Đồng chí, Bạn bè...của một con người đã sống qua hai thế kỷ, một Đảng viên 74 năm theo Đảng, một Cán bộ Đoàn lão thành. Tính ra, Ông đã có 27 năm làm công tác Đoàn (từ 1945 đến 1972), trong đó có 3 năm làm Bí thư Tỉnh đoàn Phú Thọ (1958-1961), sau đó tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (tháng 03/1961) được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, làm Trưởng Ban Tổ chức TƯ Đoàn và Bí thư Đảng ủy các cơ quan TƯ Đoàn. Ông còn được Đảng, Đoàn cử sang học tập 03 năm Trường Đảng cao cấp ở Liên bang Xô viết (cũ), quê hương của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười 1917 vĩ đại. Đầu năm 1965, sau hơn 10 năm xa gia đình, vợ con đi tập kết ra Bắc, Ông được cử về Nam chiến đấu và tại Đại hội lần thứ nhất Đoàn Thanh niên Cách mạng Việt Nam, Ông đã được bầu làm Bí thư TƯ Đoàn TNCMVN (từ tháng 3/1965 đến 1972)...Sau một thời gian về công tác Tuyên giáo ở Khu ủy miền Đông, rồi Tỉnh ủy Đồng Nai (1972-1979), từ đó đến khi được về hưu (1992), Ông có hơn mười năm gắn bó với Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, trên cương vị là Bí thư Đặc khu ủy (1979-1991)...

Nữ nhà văn TRẦM HƯƠNG, trong LỜI GIỚI THIỆU ở đầu cuốn sách đã viết những dòng đầy trân trọng, sâu sắc :

“Điều gì đã làm nên một Con người với nhân cách thật đáng kính trọng như Ông ? Tôi tự hỏi và đi tìm câu trả lời khi đọc lại từng trang Tự truyện của Ông. Một con người đáng được kính trọng không phải là người giàu nhất, nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất mà là một Con người có nhân cách cao đẹp, với tấm lòng trong sáng, trung thực, không ngừng kiên trì, nỗ lực vượt qua những thử thách, khó khăn...” và ...Hiểu được gốc gác một Con người với mối quan hệ với những người xung quanh nên tôi hiểu vì sao, khi trở thành một lãnh đạo cao cấp, Ông vẫn giữ được tính cách của một người con Nam bộ: trong sáng, lương thiện, nghĩa tình”...

Để kết luận những dòng ngắn ngủi phác họa vài nét chân dung và cũng là để giới thiệu  một cuốn sách nên tìm đọc nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên CSHCM 26/3, có lẽ không có gì hơn là nhắc lại ở đây những dòng đầy tâm huyết và rất khiêm tốn, chân thành của chính Tác giả LÊ QUANG THÀNH, “Lão Đồng chí” với gần 30 năm công tác liên tục trong hàng ngũ những Đoàn viên Thanh niên ưu tú:

“Tôi viết những trang Tự truyện sau đây với ước vọng được các em, các con và các cháu trong thân tộc hiện nay và mai sau đọc để hiểu rõ nguồn gốc gia đình ta... Truyền thống quí giá để lại cho chúng ta là ông bà cha mẹ chúng ta đã có một nề nếp gia giáo rất mực Việt Nam: xây dựng gia đình đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, trên thuận dưới hòa, kính trên nhường dưới, giáo dục con cháu hiếu thảo, thẳng ngay, trọng nhân đức, thương người như thể thương thân, tôn trọng và bênh vực lẽ phải, chống thói gian dối, tham lam lừa đảo, ỷ chúng hiếp cô...

Tôi đặc biệt biết ơn Đoàn Thanh niên Cộng sản, các thế hệ trẻ từng tận tình cưu mang tôi, đồng hành từ thủa tôi mới chập chững dấn thân đi theo con đường cách mạng mà Bác Hồ kính yêu đã vạch, bắt đầu từ công tác Đoàn.

Tôi ước mong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, cố công, tìm hiểu công việc của các bậc tiền bối, để tiếp nối truyền thống yêu nước, thương dân cho đến muôn đời sau.”

TP.HCMinh, ngày 26/03/2018

BÙI VIỆT CƯỜNG, Viện IBLA-VLA

 

Xem thêm Văn Nghệ