Không tạo ra tâm lý: TẨY CHAI TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

  • www.doanhtri.net
  • 20-01-2023
  • 415 lượt xem
Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm.
 
Chuyên đề "Dự báo năm 2023" gồm chuỗi bài phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và chuyên gia các lĩnh vực, nhằm nhận diện thách thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam tiếp tục vượt khó, bứt phá.
 
Năm 2022 được đánh giá là năm có nhiều vấn đề phát sinh trong điều hành, tác động không thuận lợi đến việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhiều quốc gia đã điều chỉnh tăng lãi suất, từ đó tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, tạo áp lực lên tỷ giá và hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta, làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Trong điều kiện đó, ngành Tài chính đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt lên sóng gió.
 
Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc xung quanh vấn đề này, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
 
Phóng viên: Thưa đồng chí Bộ trưởng, trong bối cảnh năm 2022 có nhiều khó khăn, thách thức trên thị trường tài chính tiền tệ, ngành Tài chính đã đạt được những kết quả ra sao?
 
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhìn lại năm 2022, trong bối cảnh chung của nền kinh tế, toàn ngành tài chính đã chủ động nỗ lực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, để đánh giá các nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2022, có thể nói toàn ngành đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra.
 
Trong đó, tôi đánh giá rất cao công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đã được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hội nhập quốc tế.
 
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
 
Trong năm, Bộ đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), cho ý kiến Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 3 Nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết và cho ý kiến về định hướng sửa các Luật Thuế; trình Chính phủ 46 Nghị định (trong đó đã ban hành 17 Nghị định và đang xem xét ban hành 29 dự thảo Nghị định), chiếm khoảng 45% số Nghị định của Chính phủ ban hành (103 Nghị định); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 Quyết định (trong đó đã ban hành 4 Quyết định và đang xem xét ban hành 3 dự thảo Quyết định); ban hành theo thẩm quyền 68 thông tư.
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022. (Ảnh: Duy Linh)
 
Trước diễn biến giá xăng dầu tăng cao, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hai Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường, qua đó đã góp phần giảm giá bán xăng dầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kiểm soát áp lực tăng giá cả, lạm phát, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân. Qua đó, công tác xây dựng thể chế đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, giúp cho công tác quản lý tài chính-ngân sách Nhà nước ngày càng minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả.
 
 
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm 2023 được dự báo với nhiều khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự định sẽ triển khai giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới và hoàn thành mục tiêu?
 
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020 đến nay đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, thì còn có những biến động địa chính trị trên toàn thế giới.
 
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế (như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn giảm các khoản thuế (như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
 
Tiếp với các gói hỗ trợ 129 nghìn tỷ đồng năm 2020, 145 nghìn tỷ đồng năm 2021, năm 2022, các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí dự kiến khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng.
 
Trước diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng nhanh, gây áp lực lên lạm phát, tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 và đề xuất tiếp tục giảm trong năm 2023.
 
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025 tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ngày 20/10/2022.
 
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 số tiền 6.600 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; và 240 tỷ đồng để cân đối nguồn, giảm áp lực huy động vốn cho Chương trình phục hồi.
 
Bộ Tài chính đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngay từ khi giao dự toán, cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao nhưng chưa phân bổ để bổ sung nguồn lực thực hiện chương trình. Tổng số cắt giảm của các bộ, cơ quan trung ương khoảng 533 tỷ đồng.
 
Có thể thấy những chính sách nêu trên đã thể hiện sự đột phá, sáng tạo và quyết liệt trong công tác điều hành của Bộ Tài chính trong năm vừa qua.
 
Đáng chú ý, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn nêu trên đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.
 
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.
 
 
Phóng viên: Thị trường vốn là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, để thị trường quay lại quỹ đạo tốt, tránh tâm lý tiêu cực quá đà của nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính, thì năm tới chúng ta cần phải điều hành thị trường theo hướng nào?
 
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường vốn và các dịch vụ tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
 
Tuy vậy, thị trường thời gian qua có nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế-chính trị thế giới cũng như vấn đề niềm tin và thanh khoản thị trường trong nước.
 
Riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư chủ yếu do sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý; một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu dẫn đến việc nhà đầu tư ồ ạt bán lại trái phiếu, kể cả với doanh nghiệp có tình hình sản xuất kinh doanh tốt.
 
Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
 
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời các câu hỏi tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV ngày 8/6/2022.
 
Thị trường tài chính-tiền tệ gồm nhiều cấu phần như tiền tệ, tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu và các thị trường này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
 
Thời gian vừa qua, có hiện tượng một số ngân hàng định hướng người gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp - đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, làm niềm tin với thị trường bị suy giảm, không chỉ đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà còn với các thị trường tiền tệ, tín dụng.
 
Để kịp thời chấn chỉnh, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp về rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý giám sát và chủ động thông tin, tuyên truyền.
 
 
Nhằm từng bước phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đúng thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính xác định quan điểm tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng ổn định, lành mạnh; không tạo ra tâm lý tẩy chay trái phiếu doanh nghiệp, tránh tình trạng nhà đầu tư yêu cầu tất toán, mua lại trước hạn trái phiếu hàng loạt.
 
Việc phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước tạo ra khung pháp lý điều chỉnh để các bên giao kết đầu tư, kinh doanh. Khi có sự kiện doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn xảy ra, doanh nghiệp và nhà đầu tư tự thỏa thuận theo quy định của pháp luật để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
 
Để sớm ổn định tâm lý thị trường, Bộ Tài chính đã liên tục có thông cáo báo chí và có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
 
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại Lễ đánh cồng phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022.
 
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc về thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu đó phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật. Chẳng hạn như cơ cấu về mặt kỳ hạn, cơ cấu về mặt lãi suất, về mặt phương thức thanh toán trái phiếu.
 
Bộ Tài chính đồng thời đề nghị các doanh nghiệp xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản, để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp, theo đó chủ động, kịp thời công bố thông tin chính thống cho nhà đầu tư. Chỉ khi doanh nghiệp tự tăng cường tính công khai minh bạch, những doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp minh bạch sẽ có thể tiếp tục quay trở lại để phát hành trái phiếu huy động vốn.
 
 
Để bảo đảm ổn định, minh bạch hoạt động thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia trên thị trường, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán cơ sở, thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
 
Bộ Tài chính sẽ kịp thời chia sẻ cung cấp thông tin và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý, ngăn chặn các hành vi thao túng, tăng cường kỷ luật trên thị trường. Kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường chứng khoán.
 
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
 
Ngày xuất bản: 18/1/2023
Chỉ đạo: NGỌC THANH-VIỆT ANH
Thực hiện: SÔNG TRÀ
Trình bày: KHÁNH GIANG-MINH ĐỨC
Ảnh: Báo Nhân Dân; CTV

Xem thêm Tài chính