Khẳng định vị thế hàng Việt

  • www.doanhtri.net
  • 19-01-2023
  • 364 lượt xem
(Chinhphu.vn) - Nhờ mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh… nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” đã và đang tạo được uy tín, được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây cũng là chiến lược “đi bằng hai chân” vừa đẩy mạnh xuất khẩu vừa tăng sự phủ sóng tại các kênh phân phối trong nước; từ đó khẳng định vị thế hàng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
 
Khẳng định vị thế ngay trên sân nhà
 
Những ngày Tết đến xuân về, các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, nguồn thực phẩm sạch, an toàn, các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP... luôn được ưu tiên trưng bày tại vị trí trang trọng, dễ thấy trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP. Hà Nội.
 
Chị Hà Thu Hằng (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, trước đây, chị thường mua bánh kẹo, hoa quả nhập khẩu về biếu Tết. Tuy nhiên, một phần do giá cả đắt, một phần lo ngại hàng ngoại nhập thường không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc rõ ràng, nên dịp Tết này chị đã chuyển sang mua sản phẩm Việt Nam. 
 
"Hàng Việt giá cả phải chăng, mẫu mã, chất lượng cũng đẹp và ngon hơn so với trước, đặc biệt mình có thể yên tâm về nguồn gốc", chị Hằng nhận định.
 
Là người tiêu dùng ưu chuộng hàng Việt, chị Đào Thị Hoa, ở phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, phần lớn đồ dùng trong gia đình chị đều là hàng Việt Nam. "Từ các loại thực phẩm thiết yếu đến những thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng, hóa phẩm, nhất là hàng may mặc, tôi đều chọn các mặt hàng sản xuất trong nước bởi giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng được cải tiến và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", chị Hoa nói.
 
Tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị chiếm đến 65-90%. Ảnh: VGP/Thùy Linh
 
Có thể thấy, từ chỗ phải ủng hộ, đến nay hàng Việt thuyết phục khách hàng bằng cách nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã. Hàng trong nước đã có mặt ở hầu hết chuỗi siêu thị lớn nhỏ và hàng loạt cửa hàng tiện lợi. Các mặt hàng thiết yếu do doanh nghiệp Việt sản xuất đang đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi cung ứng.
 
Khảo sát tại một số siêu thị ở Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro... cho thấy, khoảng 95%-98% số sản phẩm là hàng Việt. Tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt cũng chiếm tỷ lệ từ 65%-97%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 70%-80% trở lên.
 
Tỷ lệ hàng Việt cao trong các kênh bán lẻ trên cũng phù hợp xu hướng tiêu dùng của người Việt hiện nay. Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua Big C khu vực miền Bắc cho biết, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một trong năm xu hướng tiêu dùng chính hiện nay mà Big C đã quan sát và thống kê thông qua hệ thống siêu thị trên cả nước.
 
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường quảng bá sản phẩm...Từ đó tạo sự tin dùng và tự hào về hàng Việt.
 
Vươn tầm ra thế giới
 
Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, hàng hóa Việt Nam đang chinh phục được người tiêu dùng, không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều năm nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia sở hữu nhiều loại nông sản xuất khẩu hàng đầu như gạo, tiêu, điều... Đồng thời được biết đến như một trong những cường quốc xuất khẩu dệt may, da giày... Hàng Việt ngày càng khẳng định vị thế ở thị trường ngoài nước. Đây là một trong những thành quả lớn của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Chuyên gia Lê Phụng Hào nhận định, sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam hay câu chuyện phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả đã góp phần đưa thương hiệu quốc gia ghi được "điểm cộng" với nhiều tổ chức, tập đoàn trên thế giới. Nhiều sản phẩm của Việt Nam liên tục được mở rộng xuất khẩu, gia tăng khả năng thâm nhập vào nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt sau các hiệp định FTA.
 
Là một doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng Việt tới 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Lê Anh Tuấn cho biết, nhiều năm qua, Hapro đã chuyển đổi phương thức kinh doanh theo hướng đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các trang thương mại điện tử uy tín. Nhờ vậy, con đường đưa hàng Việt ra thế giới của Hapro được rút ngắn, lượng hàng xuất khẩu tăng đều hàng năm, kể cả trong giai đoạn dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế.
 
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng cho hay, hiện sản phẩm đèn Led và đèn điện tử thương hiệu Rạng Đông đã xuất khẩu tới các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Úc.
 
Hay câu chuyện của Vinamilk xuất khẩu sữa bột đầu tiên của Việt Nam có mặt ở thị trường Trung Đông với thương hiệu Dielac và sản phẩm "sữa đặc quốc dân" mang thương hiệu "Ông Thọ" của hãng sữa này cũng có mặt ở hơn 21 quốc gia, mở cửa thành công nhiều thị trường, trong đó có cả những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada…
 
Đặc biệt, một cuộc khảo sát gần đây được tiến hành bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) cho thấy, 85% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ đều tham gia xuất khẩu. Các mặt hàng mây tre lá, gốm sứ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Nhật, Pháp, Anh; đồ gỗ đã có mặt tại thị trường Nhật, Mỹ, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc… Cánh cửa mở ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang vô cùng rộng lớn.
 
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song hàng Việt trên thị trường vẫn còn những khó khăn. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng, bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa. Cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng vẫn khó kiểm soát dẫn đến phần nào giảm lòng tin của người tiêu dùng.
 
Nông sản Việt được người nước ngoài lựa chọn. Ảnh: VGP/Thùy Linh
 
Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, để người Việt ngày càng tin yêu và sử dụng nhiều hàng Việt, TP. Hà Nội đã, đang và sẽ triển khai tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời, triển khai hàng loạt chương trình, hội chợ, phiên chợ hàng Việt được đông đảo người dân tham quan, mua sắm, góp phần đẩy mạnh thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt chất lượng cao gần hơn với người tiêu dùng.
 
Ngành Công Thương tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng, chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
 
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; xây dựng các trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, hàng hóa...
 
Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, tiếp tục thay đổi, cải tiến mẫu mã, công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm.
 

Xem thêm Doanh nghiệp