Hướng dẫn về các biện pháp phòng vệ thương mại

  • www.doanhtri.net
  • 20-03-2018
  • 788 lượt xem

 

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ảnh minh họa

Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết về bên liên quan trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại; hoạt động cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu và bảo mật thông tin, tài liệu; tiếng nói, chữ viết trong quá trình điều tra và các trường hợp miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo dự thảo, tiếng nói và chữ viết dùng trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là tiếng Việt. Bên liên quan có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này phải có phiên dịch.

Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt. Bên liên quan phải bảo đảm tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.

Bên liên quan trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra bảo mật các thông tin nếu các thông tin ấy đưa ra công chúng có khả năng gây ảnh hưởng hoặc nguy hại đáng kể đến địa vị cạnh tranh của bên cung cấp thông tin, bao gồm: Các bí mật kinh doanh liên quan đến tính chất của một sản phẩm hoặc quy trình sản xuất; các thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gồm có chi phí sản xuất; chi phí bán hàng; điều khoản bán hàng nhưng không phải điều khoản bán hàng được cung cấp công khai; giá bán của từng giao dịch cụ thể, giao dịch dự kiến, hoặc các chào bán khác; thông tin của các khách hàng, nhà phân phối, nhà cung cấp cụ thể…

Miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại 

Dự thảo nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc một trong các trường hợp sau: Hàng hóa nhập khẩu có đặc điểm khác biệt với hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước mà hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất bởi ngành sản xuất trong nước đó không thể thay thế được; hàng hóa nhập khẩu là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước; hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước cùng điều kiện thông thường.

Đối tượng đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để sản xuất; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc nhập khẩu, sử dụng hàng hóa bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được Hồ sơ miễn trừ đầy đủ và hợp lệ, Cơ quan điều tra trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét ban hành quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu được đề nghị xem xét miễn trừ….

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảonày tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Khánh Linh

Xem thêm Tin Pháp luật