Hướng dẫn của UNESCO về Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận (GXC) kết quả học tập không chính quy và phi chính quy

  • www.doanhtri.net
  • 02-12-2020
  • 709 lượt xem
Giới thiệu 
 
Học tập suốt đời là một mối quan tâm trọng điểm của UNESCO trong sứ mạng thúc đẩy quyền được giáo dục của mỗi cá nhân. Báo cáo Faure – Học để tồn tại (1972) – và Báo cáo Delors – Học tập: Kho báu tiềm ẩn (1996) – đã đóng góp phần phát triển chính sách và thực tiễn học tập suốt đời cũng như sự hình thành các xã hội học tập trong giáo dục chính quy, phi chính quy và không chính quy ở các quốc gia thành viên, nhấn mạnh vào sự tích hợp học tập với cuộc sống – trong bối cảnh của cuộc đời cả trong gia đình và cộng đồng, trong học tập, lao động và nghỉ ngơi, và xuyên suốt cuộc đời của mỗi cá nhân. 
 
Ngày nay, trong một thế giới phức tạp và đổi thay nhanh chóng, mỗi cá nhân cần tiếp thu và điều chỉnh các năng lực (kiến thức, kĩ năng và thái độ) thông qua mọi dạng thức học tập để đối đầu với những thách thức đa dạng. Tuy nhiên, các hệ thống trình độ ở nhiều xã hội vẫn tập trung vào học tập chính quy trong các cơ sở giáo dục. Kết quả là một phần lớn việc học của các cá nhân vẫn không được ghi nhận, và động cơ cũng như sự tin tưởng vào học tập tiếp tục của nhiều cá nhân không được khuyến khích đầy đủ. Việc này dẫn đến hiện tượng tận dụng chưa hết tài năng và nguồn lực con người trong xã hội. Chính vì thế, kết quả học tập của thanh niên và người lớn thu nhận được trong suốt cuộc đời thuộc lĩnh vực không chính quy và phi chính quy cần được làm rõ, đánh giá và xác nhận.
 
Nhu cầu về ghi nhận, xác nhận và công nhận (GXC) mọi hình thức học tập có chú trọng tới các kết quả học tập không chính quy và phi chính quy đã được thể hiện qua Khung hành động Belém được 144 đoàn đại biểu của các nước thành viên UNESCO thông qua tại Hội nghị quốc tế lần thứ sáu về giáo dục người lớn (CONFINTEA VI) tại Brazil tháng Mười hai năm 2009. Khung hành động này kêu gọi UNESCO xây dựng Hướng dẫn cho mọi kết quả học tập, kể cả các kết quả thu được qua học tập không chính quy và phi chính quy để có thể ghi nhận và xác nhận được. Đồng thời, các quốc gia thành viên cũng đã cam kết xây dựng hoặc hoàn thiện các cấu trúc và cơ chế ghi nhận mọi hình thức học tập bằng cách thiết lập các khung tương đương.
 
 
Tầm nhìn 
 
Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận kết quả học tập không chính quy và phi chính quy là đòn bẩy then chốt trong hiện thực hóa học tập suốt đời. Nó làm rõ và đưa ra giá trị của các năng lực ẩn và chưa được công nhận mà các cá nhân đã tập hợp được bằng nhiều cách thức và trong các gia đoạn khác nhau của cuộc đời. Xác định giá trị và ghi nhận các kết quả học tập này có thể cải thiện đáng kế sự tự tin và hài lòng, tạo động lực học tiếp cho họ, và củng cố các cơ hội của họ trong thị trường lao động. Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận có thể giúp tích hợp những bộ phận to lớn trong dân cư vào một hệ thống giáo dục và đào tạo có tính mở và linh hoạt, để tạo ra xã hội hòa nhập. 
 
Mục đích
 
Mục tiêu tổng thể của Hướng dẫn này là đề xuất các nguyên tắc và cơ chế có thể hỗ trợ các nước thành viên trong xây dựng hay hoàn thiện các cơ cấu hay quy trình để ghi nhận kết quả của mọi dạng thức học tập, đặc biệt là kết quả học tập không chính quy và phi chính quy.
 
Các mục tiêu cụ thể là:
 
- để thúc đẩy tầm quan trọng của ghi nhận giá trị của học tập không chính quy và phi chính quy;
- để tạo ra sự hiểu biết thống nhất về Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận và xác định các vấn đề chính cần quan tâm  trong xây dựng hệ thống Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận quốc gia;
- để hỗ trợ các nước thành viên trong xây dựng công cụ, chuẩn và cơ chế để xác định, ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập không chính quy và phi chính quy; và
- để tạo ra nền tảng quốc tế nhằm hỗ trợ và đảm bảo đối thoại thường xuyên về Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận giữa các nước thành viên.
 
Nguyên tắc
 
- Đảm bảo tính công bằng và hòa nhập trong tiếp cận các cơ hội giáo dục. Mọi cá nhân cần có quyền tiếp cận và tham gia trong bất kỳ hình thức giáo dục nào phù hợp với nhu cầu của mình, và có các kết quả học tập được cụ thể hóa và đánh giá.
- Quảng bá giá trị công bằng của kết quả học tập chính quy, không chính quy và phi chính quy. Các năng lực mà mỗi cá nhân đã tiếp thu được trong giáo dục không chính quy và phi chính quy cần được đối xử ngang bằng với các giá trị của giáo dục chính quy.
- Đảm bảo tính trung tâm của các cá nhân trong quá trình Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận. Quá trình này cần tôn trọng và phản ánh nhu cầu của cá nhân, và sự tham gia của họ phải có tính tự nguyện.
- Cải thiện tính linh hoạt và tính mở của giáo dục và đào tạo chính quy. Các hệ thống giáo dục và đào tạo cần tính tới các hình thức đa dạng của việc học, tính tới nhu cầu và trải nghiệm của người học.
- Quảng bá công tác đảm bảo chất lượng trong toàn bộ quá trình Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận. Điều cấp bách là các tiêu chí và thủ tục đánh giá và xác nhận việc học tập không chính quy và phi chính quy phải phù hợp, tin cậy được, công bằng và minh bạch.
- Củng cố sự hợp tác giữa các bên liên đới. Quan trọng là nhấn mạnh vào trách nhiệm được chia sẻ từ thiết kế tới triển khai và đánh giá hệ thống Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận.
 
Các lĩnh vực hành động chính ở cấp quốc gia 
 
1. Thiết lập Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận như là một thành tố chủ chốt của chiến lược học tập suốt đời quốc gia
 
Học tập suôt đời vượt qua giới hạn của giáo dục và đào tạo chính quy. Nó bao gồm cả việc học tập trong lao động, trong gia đình và cộng đồng, và cả trong những khi nghỉ ngơi. Một chiến lược học tập suốt đời quốc gia nhắm vào hỗ trợ các cá nhân tiếp cận các năng lực tạo điều kiện cho học tiếp tục học thêm, gia nhập thị trường lao động và tham gia vào sự luân chuyển nghề nghiệp và xã hội. Một chiến lược như vậy sẽ không đầy đủ nếu như không có Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận các năng lực hay kết quả thu nhận được trong mọi hoàn cảnh học tập.
 
Trong bối cảnh này các nước thành viên được khuyến cáo:
 
(1) Xây dựng một chiến lược học tập suốt đời, với Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận học tập không chính quy và phi chính quy như là trụ cột then chốt làm công cụ để cải thiện sự thỏa mãn cá nhân, tiếp cận và linh động trong giáo dục và thị trường lao động;
(2) Hỗ trợ việc xây dựng các tham chiếu hay chuẩn quốc gia có tích hợp Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận học tập không chính quy và phi chính quy; và dựa trên bối cảnh quốc gia, thiết lập một khung trình độ quốc gia; và 
(3) Xây dựng tương đương giữa kết quả học tập chính quy, không chính quy và phi chính quy qua một sự hiểu biết chung về kết quả học tập.
 
2. Xây dựng những hệ thống Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận để ai cũng có thể tiếp cận được
 
Các quá trình Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận, khi đã có và tiếp cận được, cần cho phép đa số dân chúng được đánh giá, xác thực và công nhận kết quả học tập của mình, không phân biệt được tiếp nhận chính quy hay phi chính quy. Điều này tạo ra sự khuyến khích các cá nhân tiếp tục học tập, tạo quyền năng cho họ và cho phép họ tích cực hơn trong thị trường lao động và trong xã hội nói chung. Đặc biệt đối với các nhóm thiệt thòi điều này có thể tạo ra sân chơi bình đẳng hơn trong giáo dục và đào tạo. 
 
Trong bối cảnh này các nước thành viên được khuyến cáo:
 
(1) Xây dựng các quy trình xác định, lập hồ sơ, đánh giá, xác nhận và công nhận các kết quả học tập, có lưu ý cần thiết tới các kết quả qua học trải nghiệm, học tự hướng dẫn và các hình thức học tập phi chuẩn hóa bên ngoài các cơ sở giáo dục và đào tạo chính quy;
(2) Sử dụng cả đánh giá quá trình (cách làm chú ý nhiều hơn đến xác định, lập hồ sơ, tư vấn và cố vân) và đánh giá tổng kết (cách làm hướng đến đánh giá và ghi nhận rõ ràng các kết quả học tập, đưa đến công nhận);
(3) Đưa ra các dịch vụ thông tin, hướng dẫn và tư vấn để làm rõ các quy trình Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận để các cá nhân có thể ý thức nhiều hơn về năng lực của chính mình và có động lực để tiếp tục học tập và để việc học được công nhận; và
(4) Cung cấp sự hỗ trợ đặc biệt thông qua các thu xếp linh hoạt cho những người bỏ học sớm, người lớn có các nhu cầu học tập đặc biệt, người dân và người lao động có học vấn thấp và những người không được tham gia thị trường lao động. 
 
3.  Biến GXC trở thành phần tích hợp của hệ thống giáo dục và đào tạo 
 
Trong phần lớn các trường hợp văn bằng truyền thống của giáo dục và học tập chính quy thường được xác định bởi ghi chú về thời lượng, môn học, trình độ và địa điểm học cố định. Sự tích hợp GXC vào hệ thống chính quy nhấn vào tầm quan trọng của những gì người học biết, làm được và hiểu thật sự. Sự tích hợp này là điều quan trọng đối với việc tạo ra các con đường thay thế trong hệ thống giáo dục và đào tạo mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của cá nhân.
 
Trong bối cảnh này các nước thành viên được khuyến cáo:
 
(1) Xây dựng một cơ chế để hệ thống giáo dục và đào tạo chính quy lưu tâm hơn đến chất lượng của kết quả học tập;
(2) Tạo ra nhận thức và sự chấp nhận trong hệ thống giáo dục và đào tạo chính quy về kết quả học tập thu nhận được trong điều kiện phi truyền thống;
(3) Sử dụng GXC để tạo ra cầu nối giữa các phân hệ giáo dục và đào tạo khác nhau và để thúc đẩy sự tích hợp học tập chính quy, không chính quy và phi chính quy; 
(4) Phát triển các cách tiếp cận để gia tăng tương tác giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và các tổ chức tình nguyện để chuyển đổi kết quả học tập từ trải nghiệm lao động và sống thành các tín chỉ hay văn bằng.
 
4. Tạo ra một cấu trúc quốc gia thống nhất bao gồm tất cả các bên liên đới 
 
Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận tạo ra quan tâm của các bên liên đới  trong các khu vực khác nhau (các cơ sở giáo dục chính quy, công nghiệp và doanh nghiệp, đối tác xã hội,các cơ sở cung cấp giáo dục người lớn và các tổ chức tình nguyện) và phụ thuộc vào cam kết của họ để hoạt động ổn định. Vì vậy cần tạo ra một cấu trúc bao gồm mọi bên liên đới thông qua đối thoại xã hội và tạo dựng đồng thuận có nguyên tắc để xây dựng, triển khai và cấp kinh phí cho các hệ thống Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận quốc gia.
 
Trong bối cảnh này các nước thành viên được khuyến cáo:
 
(1) Đảm bảo mọi bên liên đới có được vai trò và trách nhiệm rõ ràng trong xây dựng một cấu trúc quốc gia đồng nhất và có điều phối để giám sát việc thiết kế, triển khai và đảm bảo chất lượng của hệ thống Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận;
(2) Thiết lập các cơ chế để tiếp nhận các quy trình, chuẩn và công cụ Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận đáng tin cậy và có chất lượng cũng như cấp văn bằng.
(3) Hỗ trợ việc triển khai Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận bằng cách đưa ra các quy trình hành chính có hiệu quả để tiếp nhận hồ sơ, tổ chức đanh giá và cung cấp phản hồi về đầu ra, ghi nhận kết quả, cấp văn bằng và thiết kế các quy trình khiếu nại; 
(4) Cố gắng xây dựng hạ tầng Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận ở cấp địa phương sao cho mọi người có thể có được điều này tại nơi họ sống, làm việc và học tập, và biến Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận thành một thể chế có thực trong cộng đồng.
 
5. Xây dựng năng lực cho đội ngũ làm Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận
 
Chất lượng của Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các nhà quản lý, đánh giá, hỗ trợ, tư vấn và những người khác  nữa để thiết lập và duy trì các thực tiễn Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận hòa nhập. đào tạo liên tục và thường xuyên đội ngũ Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận đảm bảo tính tin cậy và sự tin tưởng vào Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận.
 
Trong bối cảnh này các nước thành viên được khuyến cáo:
 
(1) đảm bảo trình độ, kĩ năng và năng lực của đội ngũ GXC, cho phép họ quản lý và thực hiện quá trình đánh giá và công nhận trong bối cảnh kinh tế-xã hội; 
(2) thiết lập một hệ thống đào tạo nhân lực GXC và hỗ trợ các mạng lưới học tập đa phương ở cấp địa phương và quốc gia, các nước, để mở rộng năng lực của họ và để phát triển thực tiễn tốt.
 
6. Thiết kế các cơ chế cung cấp tài chính bền vững
 
Tuy rằng Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận có nhiều ích lợi, chi phí có thể là một rào cản đối với sự phát triển, đặc biệt là thỏa mãn các nhu cầu học tập của những người bị thiệt thòi. Xây dựng một cơ chế cung cấp tài chính bền vững là chìa khóa để thiết lập một hệ thống Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận. Để Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận có thể có được trên quy mô lớn và tiếp cận được đối với số đông người học, phải có được tài chính từ các nguồn đa dạng 
 
Trong bối cảnh này các nước thành viên được khuyến cáo:
 
(1) Cung cấp đủ nguồn lực tài chính để xây dựng hạ tầng cơ bản của hệ thống Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận;
(2) Phát triển các cơ chế chia sẻ chi phí bền vững bao gồm hợp tác đa liên đới, ví dụ như công, tư, cộng đồng, và cả cá nhân người học. Kính phí công và các đóng góp tư cho các cơ sở giáo dục cũng như các khoản thu đào tạo từ doanh nghiệp cần được sử dụng để chi cho triển khai Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận;
(3) Cung cấp tiếp cận đặc biệt đến các thỏa thuận Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận với mức phí thấp hơn hay miễn phí đối với các nhóm và cá nhân có nguy cơ; và
(4) Thực hiện phân tích hci phí lợi ích để hình thành minh chứng về lợi ích của Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận đối với các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và cho toàn bộ xã hội. 
 
Cam kết của UNESCO
 
Ở nhiều nước thành viên việc Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận các kết quả học tập không chính quy và phi chính quy là một việc làm mới. Vì tính chất phức tạp trong thiết lập một hệ thống Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận có hiệu quả công tác củng cố sự hợp tác và phát triển năng lực quốc tế trong lĩnh vực này là một nhu cầu tất yếu.
 
Trong bối cảnh này UNESCO sẽ đóng một vai trò tích cực trong các lĩnh vực sau:
 
(1) Xây dựng một bộ phận quan trắc Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận để tập hợp và phổ biến kinh nghiệm tốt ở các giai đoạn khác nhau rong phát triển hệ thống Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận;
(2) Hỗ trợ đối thoại chính sách, kết nối và chia sẻ thực tế giữa các nước thành viên thông qua các hoạt động học tập lẫn nhau và hợp tác giữa các bên liên đới ở các khu vực khác nhau;
(3) Hỗ trợ nghiên cứu về các hệ thống, cơ chế, công cụ và phương tiện Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận khác nhau thông qua nghiên cứu chung quốc tế trong lĩnh vực Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận; và
(4) Đáp ứng yêu cầu của các nước thành viên về cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và phát triển năng lực cho các bên liên đới và thực hiện quốc gia chủ chốt để tạo điều kiện cho họ thiết kế và triển khai hệ thống Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận.
 
Thuật ngữ
 
Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận (GXC) mọi hình thức của kết quả học tập là một thực tiễn làm rõ và đánh giá hàng loạt năng lực (kiến thức, kĩ năng và thái độ) mà các cá nhân đã thu được trong các bối cảnh khác nhau, và bằng các phương tiện khác nhau trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
 
Ghi nhận: là một quá trình cấp thể chế chính thức cho các kết quả học tập và/hoặc năng lực có thể đưa đến sự xác nhận giá trị trong xã hội.
 
Xác nhận: là sự khẳng định của một cơ quan được phép rằng kết quả học tập hay năng lực thu được của một cá nhân đã được đối chiếu với các điểm mốc hay tham chiếu bằng các phương pháp đánh giá định trước.
 
Công nhận: là một quá trình mà trong đó một một cơ quan được phép, trên cơ sở đánh giá kết quả học tập và/hoặc năng lực theo các mục tiêu và phương pháp khác nhau, cấp văn bằng (chứng chỉ, bằng cấp hay học vị), hay cấp xác nhận tương đương, tín chỉ hay miễn giảm, hoặc cấp các văn bản như hồ sơ năng lực. Trong một số trường hợp khái niệm công nhận (kiểm định) ứng với việc đánh giá chất lượng của cả một cơ sở hay một chương trình. 
 
Năng lực và kết quả học tập
 
Năng lực chỉ trạng thái thỏa mãn của kiến thức, kĩ năng và thái độ và khả năng áp dụng chúng trong các tình huống đa dạng.
 
Kết quả học tập là kết quả mà một người học biết, hiểu và có thể làm như là hệ quả của một quá trình học tập
 
Học tập chính quy, không chính quy và phi chính quy
 
Học tập chính quy diễn ra trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, được các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia công nhận và đưa đến văn bằng và trình độ. Học tập chính quy được cấu trúc theo các bố trí giáo dục như chương trình, trình độ và yêu cầu dạy-học.
 
Học tập không chính quy là việc học có được thông qua bổ sung hay thay thế cho học tập chính quy. Trong một số trường hợp nó cũng được cấu trúc theo các bố trí giáo dục nhưng linh hoạt hơn. Nó thường diễn ra trong bối cảnh của cộng đồng, nơi làm việc và qua các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Qua quá trình ghi nhận, xác nhận và công nhận học tập không chính quy cũng có thể đưa đến trình độ và các ghi nhận khác.
 
Học tập phi chính quy: là việc học tập diễn ra trong đời sống hàng ngày, trong gia đình, tại chỗ làm việc, trong cộng đồng và qua sự quan tâm hay hoạt động của các cá nhân. Qua quá trình ghi nhận, xác nhận và công nhận, các năng lực có được nhờ học tập phi chính quy có thể được làm rõ, và có thể đóng góp vào trình độ và các ghi nhận khác. Trong một số trường hợp khái niệm học trải nghiệm được dung để chỉ việc học phi chính quy tập trung vào học từ các trải nghiệm.
Khung trình độ và Khung trình độ quốc gia
 
Trình độ: chỉ ra điều mà một cá nhân có đủ khả năng để thực hiện. Trong Hướng dẫn này trình độ là một xác nhận chính thức (chứng chỉ, bằng, văn bằng) về kết quả học tập, ghi nhận các kết quả chi tiết của mọi hình thức học tập, bao gồm cả việc thực hiện ở mức độ thỏa mãn một tập hợp các công việc có liên quan với nhau. Nó cũng có thể là một điều kiện mà một cá nhân phải thỏa mãn hay đáp ứng được để có thể tham gia hay đi tiếp trong một nghề hay/hoặc trong học tiếp tiếp tục.
 
Khung trình độ quốc gia: là hệ thống các quy định tương đương và phân loại trình độ liên quan tới một tập hợp các chuẩn/tiêu chuẩn quốc gia do các cơ quan công quyền có thẩm quyền xây dựng đã được thống nhất. Khung trình độ quốc gia ghi nhận kết quả học tập và năng lực từ mọi hình thức học tập.
 
Thư của Phó tổng giám đốc giáo dục
 
UNESCO đóng một vai trò quan trọng trong phát triển tầm nhìn về giáo dục suốt đời cho mọi người. Trong nền kinh tế toàn cầu dựa trên tri thức, sự thịnh vượng, an toàn trong tương lai cũng như hòa bình, hòa hợp xã hội và bền vững môi trường sẽ phụ thuộc vào khả năng của con người trong việc ra quyết định có cơ sở, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và tìm ra giải pháp bền vững cho các thách thức cấp bách. Ngày nay, hơn lúc nào hết, chúng ta phải nỗ lực để cung ứng các cơ hội học tập cho tất cả mọi người, trong suốt cuộc đời, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy một xã hội công bằng hơn, và chuẩn bị cho mọi người tham gia và ứng phó được với những thách thức đến với mình. Học tập suốt đời là nguyên lý tổ chức cốt yếu để đạt được mục tiêu này.
 
Học tập suốt đời bao hàm tất cả việc cung cấp cơ hội học tập, từ tuổi ấu thơ qua trường phổ thông cho tới giáo dục đại học và quá trình bồi dưỡng tiếp theo. Hơn thế, nó còn mở rộng ra ngoài giáo dục chính quy, sang học tập không chính quy và phi chính quy cho thanh niên ngoài trường học và công dân trưởng thành. Trong những năm gần đây, bên cạnh các hệ thống bằng cấp truyền thống vốn hầu hết xác nhận việc học tập trong giáo dục chính quy, một số quốc gia thành viên đã xây dựng các cơ chế Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận (GXC) kết quả học tập không chính quy và phi chính quy, và nhiều nước khác cũng đang trong quá trình tương tự. GXC kết quả học tập không chính quy và phi chính quy đang được quan tâm nhiều hơn trong chính sách giáo dục và đào tạo. Tuy vậy, nó cũng có ý nghĩa quan trọng trong tương quan với các chủ đề như giảm nghèo, tạo công ăn và việc làm, và hòa nhập xã hội.
 
Năm 2009, Khung hành động Belém, được 144 đoàn đại biểu của các nước thành viên UNESCO thông qua tại Hội nghị quốc tế về giáo dục người lớn lần thứ sáu (CONFINTEA VI) ở Brazil, đã tái khẳng định vai trò của học tập suốt đời trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, và đã xác định rõ ràng trách nhiệm của UNESCO trong xây dựng hướng dẫn về việc ghi nhận, xác nhận và công nhận tất cả kết quả học tập, kể cả học tập không chính quy và phi chính quy. Khung hành động này cũng yêu cầu các quốc gia thành viên xây dựng hay hoàn thiện các cấu trúc và cơ chế để ghi nhận mọi hình thức học tập thông qua thiết lập các khung công nhận tương đương.  
 
Để thúc đẩy Khung hành động Belém Viện Học tập suốt đời của UNESCO (UIL), đại diện cho lĩnh vực giáo dục của UNESCO, đã có sáng kiến hợp tác với các quốc gia thành viên để xây dựng tài liệu Hướng dẫn của UNESCO về ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập không chính quy và phi chính quy. Hướng dẫn này được xây dựng trong một quá trình có tính tham gia với sự tham vấn của các nước thành viên để phản ánh thực tiễn và nhu cầu đa dạng của họ. Hướng dẫn này đã theo sát ý kiến góp ý chuyên môn của một nhóm chuyên gia bao gồm đại diện các khu vực và các cơ quan quốc tế hàng đầu. Việc biên soạn Hướng dẫn này cũng phản ánh quan niệm của các nghiên cứu về chính sách và thực tiễn GXC đã giao cho UIL tại điều Quyết nghị 33C/Nghị quyết 10 của Đại hội đồng UNESCO 2005.
 
Mục tiêu tổng thể của Hướng dẫn này là đề xuất các nguyên tắc và cơ cấu có thể hỗ trợ các nước thành viên trong phát triển hay hoàn thiện các cấu trúc và thủ tục để ghi nhận mọi hình thức học tập, đặc biệt là kết quả của việc học không chính quy và phi chính quy. Tuy Hướng dẫn này không có tính bắt buộc pháp lý, nhưng hy vọng các cơ quan có trách nhiệm của các nước thành viên sẽ nỗ lực để triển khai Hướng dẫn phù hợp với bối cảnh quốc gia cụ thể của mình.
 
Như thể hiện trong văn bản Hương dẫn này, các cơ quan phụ trách giáo dục của UNESCO tiếp tục cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực, hỗ trợ đối thoại chính sách, kết nối và chi sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên, và tiếp tục phát triển hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phạm vi mục tiêu hiện thực hóa học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
 
TS. Qian Tang,
Phó tổng giám đốc Giáo dục  UNESCO 
 
Lời cảm ơn của Giám đốc Viện học tập suốt đời của UNESCO
 
Là một ưu tiên tiếp theo Khung hành động Belém đã được thông qua tại Hội nghị quốc tế về giáo dục người lớn lần thứ sáu (CONFINTEA VI) năm 2009, đại diện cho cho Ủy ban thư ký UNESCO, Viện Học tập suốt đời của UNESCO (UIL) đã có sáng kiến phát triển Hướng dẫn của UNESCO về ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập không chính quy và phi chính quy. 
 
Việc xây dựng Hướng dẫn của UNESCO về ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập không chính quy và phi chính quy là mọt quá trình thực sự có sự tham gia của các bên, và mọi đề xuất về các lĩnh vực hành động then chốt dựa trên kết quả của sự tham vấn rộng rãi với các quốc gia thành viên. Chúng tôi bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các cơ quan quốc gia của 42 nước thành viên đã cũng cấp các phản hồi quý báu và các thông tin quan trọng cho bộ các câu hỏi tham vấn về chính scahs và thực tiễn trong ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập không chính quy và phi chính quy.
 
UIL đánh giá cao nhóm chuyên gia quốc tế đã họp tại UIL trong tháng Mười năm 2011 tại UIL để chia sẻ hiểu biết và thực tiễn để soạn ra văn bản này. Đó là Sabine Seidel, chuyên gia của Viện kế hoạch và nghiên cứu phát triển, Đức; Abdalla Ababenh, Giám đốc Trung tâm phát triển nhân lực quốc gia, Jordan; Kaylash  Allgoo, Giám đốc Cơ quan văn bằng Mauritius ,Mauritius; Juan  de Dios Castro, Tổng giám đốc và Sara Elena Mendoza, Phó giám đốc nội dung đa dạng của Viện quốc gia về giáo dục người lớn (INEA), Mexico; Sombat Suwanpitak, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục, Thái lan; Jens  Bjørnåvold, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm Châu Âu về đào tạo nghề (CEDEFOP); Richard Walther, Điều phối viên của Hiệp hội phát triển giáo dục châu Phi (ADEA) của Hội nghị ba năm năm 2012;   Michel   Aribaud, chuyên gia về hệ thống văn bằng của Quỹ đào tạo châu Âu (ETF); và Marie-Odile Paulet, Chuyên gia của Ủy ban UNESCO quốc gia, Pháp. 
 
Chúng tôi cũng muốn cám ơn các đồng nghiệp tại Trụ sở chính và văn phòng vùng của UNESCO, các văn phòng quốc gia và nhóm quốc gia cũng như các viện giáo dục về sự giúp đỡ của họ trong toàn bộ quá trình. Lời cảm ơn đặc biệt xin dành cho Borhene Chakroun, trưởng bộ phận Giáo dục và đào tạo nghề và kỹ thuật tại Tổng hành dinh UNESCO, Daniela  Eroles và Maria Eugenia Letelier của văn phòng giáo dục khu vực Mỹ La tinh và Caribbe và Shyamal  Majumdar, Trưởng Trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo nghề và kỹ thuật của UNESCO về những nhận xét quý báu của họ cho bản thảo cuối cùng của văn bản này.
 
Với việc phát hành Hướng dẫn của UNESCO về Ghi nhận, Xác nhận và Công nhận kết quả học tập không chính quy và phi chính quy các đồng nghiệp của tôi và bản thân tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ công tác nghiên cứu hợp tác và cung cấp trợ giúp kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các quốc gia thành viên trong thiết kế và triển khai các hệ thống GXC của mình.
 
Arne Carlsen 
Giám đốc 
Viện Học tập suốt đời của UNESCO
 
Trích nguồn tin từ  Vụ Giáo dục thường xuyên – Bộ Giáo dục và Đào tạo
 

Xem thêm Thời sự