HỘI THẢO "CORPORATE COMPLIANCE"-TUÂN THỦ DOANH NGHIỆP TẠI VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ & KINH DOANH QUỐC TẾ (IBLA)

  • www.doanhtri.net
  • 14-11-2019
  • 1836 lượt xem

Đây là vấn đề khá mới mẻ  được nêu ra tại buổi hội thảo diễn ra ngày 12 tháng 11 tại thành phố Hồ Chí Minh do Viện Khoa học pháp lý và Kinh doanh quốc tế (IBLA)-phối hợp với Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM  tổ chức.

Ông Adam Turteltaub, Phó giám đốc phụ trách phát triển thành viên của tổ chức Đạo đức và Tuân thủ doanh nghiệp và Hiệp hội Tuân thủ về Y tế Hoa Kỳ

Diễn giả chính là ông Adam Turteltaub, Phó giám đốc phụ trách phát triển thành viên của tổ chức Đạo đức và Tuân thủ doanh nghiệp và Hiệp hội Tuân thủ về Y tế Hoa Kỳ. Tham dự hội thảo có LG TS Nguyễn Thị Sơn-Nguyên Phó Tổng thư ký Hội LGVN, Viện trưởng Viện IBLA; GS.TS Phan Trung Lý-Nguyên Chủ nhiệm uỷ ban pháp luật Quốc Hội, UV BTV Hội LGVN, Phó Viện trưởng Viện IBLA; LG Lê Đông Triều UV BCH Hội LG VN, Phó viện trưởng Viện IBLA; LG Nguyễn Văn Kích-Nguyên thành viên Ban nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyên Phó Viện trưởng Viện IBLA; LG Bùi Việt Cường-Nguyên tham tán công sứ VN tại Bỉ & Thuỵ sĩ, nguyên Phó viện trưởng Viện IBLA; LG Trần Khánh Dũng Bí thư chi bộ Viện IBLA. Cùng tham dự có bà Michelle Cloud, viên chức Hoa Kỳ, ông Đinh Đại Nghĩa, điều phối viên thông tin, báo chí của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM và Phiên dịch Đàm Huy Phát và nhiều Luật gia, Luật sư, Thẩm phán, Trọng tài viên, Doanh nhân doanh nghiệp .

Bà Michelle Cloud, viên chức Hoa Kỳ

Nội dung chính được ông Adam Turteltaub đem đến cho hội thảo là: Các chương trình Tuân thủ và làm sao để triển khai tốt ở doanh nghiệp. Theo diễn giả, xuất phát từ những thất bại trong thực tiễn kinh doanh tại Hoa Kỳ vào những năm của thập kỷ 70, đó là những vụ tham nhũng trong việc đấu thầu ở lĩnh vực quốc phòng. Để phản ứng lại những vấn nạn trên, năm 1977 Chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật chống tham nhũng quốc tế do tổng thống Jimmy Cater ký. Nội dung chính gồm hai phần, một là tất cả các giao dịch phải ghi lại rõ ràng minh bạch làm cơ sở cho các công tố viên thẩm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hai là yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải xây dựng chương trình tuân thủ cho mình.

Từ đó phải mất 20 năm sau Chính phủ mới khởi tố những vụ án tham nhũng đầu tiên liên quan đến đạo luật này. Tiếp đến đạo luật cải cách xét xử ra đời, đề cao việc áp dụng các chương trình tuân thủ tại công ty. Theo đó những công ty có  chương trình tuân thủ hiệu quả sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ và giảm đến trên 90% số tiền nộp phạt.

LG Nguyễn Văn Kích-Nguyên thành viên Ban nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyên Phó Viện trưởng Viện IBLA

Vậy những nội dung cốt lõi của chương trình tuân thủ là gì?

Thứ nhất là, chương trình phải được kiểm soát bởi một người có chức vụ cao để có cái nhìn tổng thể, toàn diện do đó sẽ quản lý tốt hơn, và như vậy họ trực tiếp tham gia đôn đốc để chương trình có hiệu quả.

Thứ hai là chương trình phải có thật và được triển khai trong thực tế, ở cấp độ công ty chứ không phải do một bộ  phận nào đó của công ty triển khai.

Ngoài ra chương trình phải được truyền thông hiệu quả, chương trình tuân thủ phải có lộ trình rõ ràng với các bước thực hiện, báo cáo, kiểm tra và bảo đảm không có trả thù khi xảy ra vi phạm. Chương trình tuân thủ phải được triển khai bình đẳng đối với mọi vị trí, chức vụ trong công ty. Khi có vụ vi phạm đạo đức xảy ra phải có biện pháp xử lý kịp thời và có những phòng ngừa tránh những vi phạm trong tương lai. Một chương trình tuân thủ hiệu quả là phải có biện pháp quản lý rủi ro, không phải nhằm đánh vào những chỗ dễ xảy ra sai phạm.

LG Lê Đông Triều UV BCH Hội LG VN, Phó viện trưởng Viện IBLA

Đạo luật này của chính phủ Hoa Kỳ đã tạo ra nhiều ảnh hưởng  từ những vụ xét xử lớn được thực thi vì nguyên tắc thực hiện đơn giản và thực ra nó là những nguyên tắc đang thực thi trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã có lâu rồi nhưng người ta chưa chịu viết ra thành văn bản. Nội dung của nó cũng bao quát khá rộng áp dụng phù hợp với nhiều lĩnh vực, thực sự là hành lang pháp lý khá hoàn chỉnh cho các doanh nghiệp. Theo thời gian, các chương trình tuân thủ không ngừng được mở rộng với nhiều đại án được mở rộng với số tiền phạt rất cao. Từ khi đạo luật ra đời, tại Hoa Kỳ các công ty không những áp dụng cho mình mà còn xây dựng rộng ra cho những đối tác của mình nữa. Và chính phủ cũng hỗ trợ trong việc triển khai chương trinh tuân thủ là, Bộ Tư pháp gửi công văn đến các cơ quan chức năng yêu cầu quan tâm hướng  dẫn  cách thực thi thể hiện qua các báo cáo. Các cơ quan chức năng cũng như các công ty, doanh nghiệp vì sợ liên đới trách nhiệm của đạo luật quy định nên họ càng quan tâm và phổ biến các chương trình tuân thủ rõ ràng, minh bạch.

Trên bình diện thế giới, tổ chức OECD (Tổ chức hợp tác & phát triển kinh tế) bao gồm 41 nền kinh tế thịnh hành nhất thế giới thời gian trên cũng triển khai áp dụng chương trình tuân thủ này, đã ban hành thông báo cấm các giao dịch vi phạm chương trình tuân thủ và đưa ra bảng xếp hạng các quốc gia dựa vào hiệu quả của việc áp dụng chương trình tuân thủ. Sau đó tổ chức này ban hành các hướng dẫn cụ thể giống như đạo luật cải cách xét xử của Hoa Kỳ. Rồi nước Anh cũng ban đạo luật tương tự nhưng còn nghiêm khắc hơn. Tiếp đến là Pháp, Tây Ban Nha, Brazil cũng ban hành đạo luật tuân thủ cho riêng quốc gia mình.

Phải nói rằng chủ đề Tuân thủ doanh nghiệp dù còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng  nhận được sự quan tâm sâu sắc trong giới luật và các doanh nghiệp tham gia diễn đàn hội thảo. Bằng chứng là rất nhiều câu hỏi thú vị, sâu sắc được nêu ra cho ông Adam  Turteltaub. Đại diện Trung tâm trọng tài thương mại TP.HCM thăc mắc là hiện doanh nghiệp Việt Nam cũng  chịu rất nhiều các quy định như các chương trình tuân thủ, đến mức họ phải “bôi trơn” mới “êm xuôi” trong các hoạt động của mình, ông Adam  Turteltaub cho rằng rất chia sẻ, thông cảm với hiện tượng này và cho biết không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số quốc gia khác. Theo ông Adam cần phải rút ngắn khoảng trống giữa luật pháp ban hành và thực tế mới hạn chế kẻ hở cho tham nhũng, cắt bỏ các thủ tục rườm rà. Chống tham nhũng không thể một sớm một chiều, cần phải nâng cao thu nhập cho các cơ quan công quyền để họ dễ tuân thủ sự minh bạch hơn. Với câu hỏi ông Phan Trung Lý nêu hỏi về hiệu quả của các chương trình tuân thủ trong việc đấu tranh tham nhũng tại Hoa Kỳ và Việt Nam, ông Adam cho biết, một trong các nội dung chính là cần tập trung vào khối kinh tế tư nhân. Ở đây ta có cung và cầu, cầu nằm trong chính quyền, cung là từ phía nhân dân, doanh nghiệp. Đánh vào cung tức là làm cho doanh nghiệp phải minh bạch hơn, hạn chế việc đưa tiền hối lộ. Khối tư nhân lúc nào cũng chuyển động nhanh hơn trong các sáng kiến tuân thủ vì có lợi lộc cho họ.

GS.TS Phan Trung Lý-Nguyên Chủ nhiệm uỷ ban pháp luật Quốc Hội, UV BTV Hội LGVN, Phó Viện trưởng Viện IBLA

Ông Phan Văn Kích rất thích thú với nội dung trình bày của diễn giả và cho biết thực tại ở Việt Nam chưa có công ty tư nhân nào xây dựng chương trình tuân thủ cho mình và chịu đứng lên tố cáo sai phạm. Ông Kích hỏi làm thế nào và trên cơ sở pháp lý nào để công ty xây dựng chương trình tuân thủ cho mình. Diễn giả Adam Turtetaub cho biết, để đấu tranh chống tham nhũng và áp dụng hiệu quả chương trình tuân thủ phải có sự đồng thuận của nhân dân, xã hội. Cần tham vấn doanh nghiệp để biết họ cần gì và đáp ứng được những nhu cầu chính đáng của họ để có sự ủng hộ của họ, nhất là các công ty lớn, các tập đoàn kinh tế mạnh. Tiếng nói đồng thuận của họ thường buộc các chính quyền địa phương và quốc gia thay đổi.

LG TS Nguyễn Thị Sơn-Nguyên Phó Tổng thư ký Hội LGVN, Viện trưởng Viện IBLA

Tổng kết hội thảo, LG TS Nguyễn Thị Sơn cám ơn diễn giả đã đem đến cho giới luật Việt Nam nhiều khái niệm hay, nội dung hấp dẫn, mới mẽ. Và qua thảo luận cũng cho thấy nhiều câu hỏi sâu sắc đầy trách nhiệm. Theo TS Sơn Việt Nam hiện cũng có nhiều đạo luật đi vào đời sống doanh nghiệp và xã hội tạo hành lang pháp lý tốt, mỗi doanh nghiệp có thể đưa ra quy chế, điều lệ, quy định cho từng bộ phận, nhưng rồi họ không tuân thủ, móc ngoặc nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam thường im lặng làm cho việc thực thi các tuân thủ không minh bạch và việc thực thi chưa đến nơi đến chốn.

                                                            Trương Công Lý  Biên tập viên báo Doanhtri.net

Xem thêm Thời sự