Học sinh than phải học căng như dây đàn - vnexpress

  • www.doanhtri.net
  • 19-04-2018
  • 969 lượt xem

Sáng dậy sớm, đêm lại thức đến 24h và dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc học là thời gian biểu chung của nhiều học sinh THPT.

Tuần trước, trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP HCM) xảy ra vụ nam sinh lớp 10 nhảy từ lầu bốn tự tử. Trong thư tuyệt mệnh, nam sinh với học lực giỏi đã nói lời xin lỗi cha mẹ bởi không đáp ứng được mong mỏi của họ trong việc học hành.

Sự việc làm dấy lên lo ngại áp lực học tập từ nhà trường và gia đình là nguyên nhân dẫn đến những chấn thương tâm lý của học sinh.

Học sinh than việc học căng như dây đàn - 2

Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, nơi xảy ra sự việc nam sinh tự tử vì áp lực học tập. Ảnh: Lê Nam.

Được mệnh danh là trường có kỷ luật thép bậc nhất ở TP HCM, học sinh nội trú ở Nguyễn Khuyến dành phần lớn thời gian cho việc học, hạn chế tối đa sử dụng điện thoại, Internet. Nhiều học sinh thổ lộ từng trải qua cảm giác tuyệt vọng bởi áp lực học tập quá lớn.

"Tụi em thường cảm thấy cô đơn vì xa cha mẹ, suốt ngày quanh quẩn trong khuôn viên trường chỉ để học, học và học với mục tiêu gia đình định sẵn. Em chưa nản đến mức làm chuyện dại dột như bạn nam vừa rồi, nhưng lúc nào cũng có cảm giác mệt mỏi", một nữ sinh lớp 12 quê Đăk Nông chia sẻ.

Theo nữ sinh này, mỗi mùa thi, học sinh cảm nhận như bước vào mùa "cực hình" bởi việc ôn tập rất căng thẳng. "Thầy cô quản môn theo sát từng bạn để đôn đốc việc học. Dù biết thầy cô thương mình, nhưng cũng không tránh khỏi sự ngột ngạt", nữ sinh nói và cho biết từ tháng 4 đến ngày thi THPT quốc gia hứa hẹn là chuỗi ngày căng như dây đàn.

Không học trường Nguyễn Khuyến, nhưng từ Tết đến nay Phong (17 tuổi, lớp 12 trường THPT Giồng Ông Tố, quận 2) cũng căng thẳng, chạy như con thoi từ nhà đến trường rồi chỗ học thêm. Mục tiêu đậu vào Đại học Bách khoa TP HCM được cha mẹ "giao" từ đầu năm học, nay sắp bước vào giai đoạn nước rút.

"Sáng em dậy lúc 6h, ăn sáng rồi đi học, trưa chỉ kịp chợp mắt một lát, chiều học tiếp. Buổi tối các ngày trừ chủ nhật, em học thêm đến 21h các môn Toán, Lý, tiếng Anh. Về đến nhà em chỉ kịp tắm rửa một lát và lại ngồi làm bài tập đến 24h mới đi ngủ", Phong kể về lịch học tập của mình. 

Học sinh than việc học căng như dây đàn

Áp lực học tập ngày càng đè nặng lên học sinh THPT. Ảnh: Thành Nguyễn.

Lực học trung bình khá, Phong không mấy tự tin vào đại học top đầu ở Sài Gòn. Nhiều lần, cậu ngỏ ý với cha mẹ thi vào một đại học điểm thấp hơn ở cùng ngành thì bị mắng. "Không vào được Bách khoa thì năm sau thi lại, không được học trường khác", mẹ nói với Phong.

Lịch học dày, đôi lúc không kịp ăn một bữa trưa tử tế, cộng thêm áp lực về mục tiêu của cha mẹ, Phong thường xuyên mệt mỏi khi lên lớp, nhiều hôm ngủ gục trên bàn. "Em vào lớp mà đầu rất nặng, cứ như có bầy ong bay xung quanh, không thu nạp được gì. Ngồi học mà chỉ mong hết giờ để được chợp mắt một chút", Phong nói.

Nam sinh chia sẻ có sở thích bán hàng từ nhỏ nên muốn theo học một trường cao đẳng ngành marketing hoặc kinh doanh, nhưng cha mẹ nhất quyết muốn con trai trở thành kỹ sư. "Ngay cả sở thích đá bóng thì bây giờ em không còn trống một giờ nào để tụ tập bạn bè chơi một trận", nam sinh nói, giọng buồn bã.

Là học sinh trường chuyên, Thảo Trang (lớp 11 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) cũng bị áp lực lớn từ gia đình. Cha mẹ thường xuyên lấy anh trai - người từng là học sinh giỏi 12 năm liền, đạt nhiều giải quốc gia, hiện du học tại Mỹ - làm gương, đồng thời là mục tiêu hướng tới cho nữ sinh.

Học sinh than việc học căng như dây đàn - 1

Học sinh chuẩn bị bước vào một kỳ thi tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Thích hoạt động xã hội, Trang muốn học các ngành xã hội, nhân học ở đại học trong nước, song cha mẹ lại muốn em phải giỏi tiếng Anh để du học ngành kinh tế. "Ba em nói học xã hội khó xin việc, lương lại thấp nên không cho em theo. Em thuyết phục đến mấy cũng không được nên phải tập trung học Toán, tiếng Anh, những môn em không mấy ham thích", Trang chia sẻ.

Để đạt mục tiêu này, cha mẹ đã đổ nhiều tiền cho Trang luyện thi tiếng Anh ở trung tâm và học thêm các môn Toán, Lý, Văn vào buổi tối. Lịch học kín mít, em gần như không còn thời gian cho những sở thích cá nhân.

Có dạo, cha mẹ cấm Trang sử dụng điện thoại để lên mạng, kiểm soát việc sử dụng máy tính ở nhà để con gái tập trung cho bài vở. "Em như bị cầm tù, thấy ngột ngạt, không muốn nói chuyện với ai hết. Ba mẹ không nhận ra vì bận việc, cũng may có người bạn thân khuyên bảo nên em dần vượt qua", Trang kể.

Lê Nam

Xem thêm Thời sự