Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số phát triển

  • www.doanhtri.net
  • 20-01-2021
  • 543 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ tham quan sản phẩm 5G của Tập đoàn Viễn thông – Quân đội (Viettel) trưng bày tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
(Pháp lý) – Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số (DNCNS) vào năm 2030 để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Điều đó có nghĩa trong lộ trình đó để nền kinh tế Việt Nam chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, rất cần có vai trò đóng góp của các DNCNS. Và mọi giải pháp có liên quan đến cải cách thể chế đều xoay quanh “trục” thúc đẩy DNCNS phát triển.
 
Theo Chỉ thị 01/CT-TTg, 4 loại DNCNS cần tập trung phát triển bao gồm:
 
(i) Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi;
(ii) Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất;
(iii) Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội; và
(iv) Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
 
TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà lại phụ thuộc vào quyết tâm chính trị và thể chế kinh tế quốc gia”
 
Như vậy, để 04 loại DNCNS nói trên phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra, bên cạnh nhóm các DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số và nhóm DN khởi nghiệp đổi mới công nghệ số; rất cần sự chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số từ các tập đoàn, DN thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội; đặc biệt là các DNCN thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu. Điều đó có nghĩa, mọi giải pháp có liên quan đến cải cách thể chế đều xoay quanh “trục” thúc đẩy DNCNS phát triển.
 
“Định vị” lại vai trò doanh nghiệp nhà nước (DNNN)
 
Đây là chủ thể đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản. Theo Sách trắng Doanh nghiệp năm 2019, mặc dù chỉ chiếm khoảng 0,4% trong tổng số DN đang hoạt động nhưng các DNNN đang nắm giữ hơn 3,7 triệu tỷ đồng tài sản với vốn chủ sở hữu là 1,6 triệu tỷ đồng.
 
DNNN đã hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực, điạ bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế, chiếm thị phần đủ lớn đối với sản phẩm và dịch vụ chủ yếu cũng như có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống CSVC, kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển nền kinh tế số. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số, hiện có tới 96% đối tượng sử dụng mạng điện thoại di động là khách hàng của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Mobifone…
 
Đấy chính là tiềm năng để góp phần đưa nền kinh tế số Việt Nam chạm đến con số 43 tỉ USD vào năm 2025 và góp phần đạt được mục tiêu 100.000 DNCNS vào năm 2030. Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW về cơ cấu lại DNNN, qua gần 3 năm triển khai, bức tranh về khu vực DNNN đã có nhiều điểm sáng, song những đóng góp đối với nền kinh tế còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, thậm chí đang đứng trước nguy cơ suy giảm. Đặc biệt là tổng thể trình độ quản trị doanh nghiệp cách xa so với chuẩn mực quốc tế.
 
Có nhiều nguyên nhân khiến cho vai trò của DNNN chưa phát huy hết, đó là việc giao vốn cho DNNN để bảo toàn phát triển là thiếu rõ ràng về trách nhiệm quản lý, không đánh giá được. Cơ quan quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp. Đã đến lúc đổi mới tư duy về vai trò của DNNN để nó thực hiện tốt nhất chức năng của mình là hiệu quả kinh doanh. Một chuyên gia kinh tế đã có lý khi đề xuất, giải pháp tốt nhất để đo lường vai trò của DNNN: “Hãy giao cho DNNN những nhiệm vụ đủ cao để chỉ những người tài mới hoàn thành được, chứ không phải giao nhiệm vụ đủ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành”.
 
Từ cách đặt vấn đề trên, vị trí, vai trò của DNNN được định vị lại theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mang tính nền tảng, tính dẫn dắt, tạo động lực phát triển đất nước trong thời gian tới và triển khai tích cực, đồng bộ nhằm tận dụng được những cơ hội mới và phù hợp với các định hướng của Nghị quyết số 12-NQ/TW.
 
 
Tăng nội lực cho DN nội để tăng sức cạnh tranh
 
Quy mô của đa số DN Việt Nam là vừa và nhỏ, thiếu vốn và trình độ công nghệ thấp. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2%; trong khi đó các DN Việt Nam đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chỉ khoảng 0,2% – 0,3% tổng doanh thu…
 
Thực trạng trên không chỉ là rào cản lớn cho chuyển đổi sang kinh tế số mà đặt ra những thách thức lớn đối với năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. Khi lãnh thổ và địa lý trở thành tương đối trong nền kinh tế số, các DN nước ngoài dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng giữa các DN trong nước và DN nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam.
 
Vì vậy, để giúp DN nội nâng cao năng lực cạnh tranh, chính sách của Nhà nước cần tạo ra các thể chế phù hợp, phát triển thị trường khoa học – công nghệ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho DN, trang bị học vấn ở trình độ, tri thức cơ bản cho các chủ DN, giám đốc, cán bộ quản lý DN và người lao động. Tạo môi trường khuyến khích, hình thành, phát triển liên kết DN; tăng cường liên kết, hợp tác theo chiều dọc, chiều ngang; xác lập quan hệ bạn hàng và quan hệ đối tác chiến lược nhằm phát triển xuất khẩu về lâu dài.
 
Hỗ trợ huy động các nguồn lực, có những chính sách ưu đãi về thuế cho ngành phần mềm, các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm. Thí điểm xây dựng những “đặc khu ảo” để thu hút sự đầu tư của các DN internet, tương tự như việc hình thành đặc khu kinh tế. Có chính sách khuyến khích DN đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới tiến tới xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
 
Xây dựng nền tảng số riêng để tự chủ
 
Các nền tảng số từ bên ngoài vào (international) đã giúp rất nhiều cho Việt Nam. Cùng với sự phát triển và vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế số, mối lo lệ thuộc cũng ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh các thách thức về an ninh bảo mật, quyền riêng tư, tin xấu, tin giả hay rủi ro bị tấn công mạng, mất cắp dữ liệu… cũng ngày càng thường trực. Vì vậy có thể nói kinh tế số không hẳn chỉ mang lại các lợi ích.
 
Thực tế đó cũng đặt ra một nhu cầu về xây dựng hoàn thiện thể chế tại Việt Nam. Mặt khác, nền tảng số ngày nay không chỉ còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ mà ngày càng trở nên phổ biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN. Theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể dựa trên các thế mạnh của mình để xây dựng các nền tảng số cho cạnh tranh.
 
Có nghĩa, bên cạnh việc tiếp tục tận dụng, ứng dụng các nền tảng số từ bên ngoài, Việt Nam cũng cần xây dựng cho mình những nền tảng số riêng, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển một cách bền vững. Nếu chúng ta không có, không xây dựng được những nền tảng riêng thì mãi mãi sẽ chỉ là người đi sau theo sử dụng, khả năng tự chủ theo đó sẽ giảm xuống.
 
Nền tảng số ngày nay không chỉ còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ mà ngày càng trở nên phổ biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN. Và Việt Nam hoàn toàn có thể dựa trên các thế mạnh của mình để xây dựng các nền tảng số cho cạnh tranh.
 
Hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử
 
Mặc dù phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ngày càng trở nên phổ biến hơn, đại bộ phận các giao dịch vẫn bằng tiền mặt. Người dân sống ở các vùng nông thôn vẫn còn gặp khó khăn về khả năng tiếp cận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo khảo sát tài chính toàn diện do Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2018, chỉ có 22% người dân Việt Nam thực hiện giao dịch hoặc nhận được thanh toán qua cổng thanh toán điện tử trong một năm trước đó. Năm 2019, chỉ có 41% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng.
 
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của TTKDTM, từ cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
 
Mục tiêu chính của Đề án hướng đến là tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.
 
Sau gần 4 năm triển khai Quyết định trên, hoạt động TTKDTM tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực song không đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ giao dịch sử dụng tiền mặt còn cao. Theo IDG, năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền…
 
Nguyên nhân chính là do hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTKDTM còn kém hiệu quả; đặc biệt là thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân; cùng với đó là tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử…
 
Đứng trước những thách thức như vậy, khung pháp lý cần được đặt ra nhằm bảo vệ cũng như nâng cao niềm tin cho người sử dụng Internet trong không gian số là vô cùng cần thiết. Khung pháp lý cần bao quát các vấn đề như giao dịch điện tử, dữ liệu xuyên biên giới, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và bảo vệ người dùng.
 
Vì vậy để thúc đẩy người dân TTKDTM, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử bằng các giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt; hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử hay nói cách khác cần phải luật hóa từng phần các hoạt động TTKDTM (có thể là đối với một số sản phẩm theo hướng bắt buộc), nếu không thanh toán điện tử là vi phạm pháp luật.
 
Để thúc đẩy người dân TTKDTM, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử bằng các giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt; hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử hay nói cách khác cần phải luật hóa từng phần các hoạt động TTKDTM (có thể là đối với một số sản phẩm theo hướng bắt buộc), nếu không thanh toán điện tử là vi phạm pháp luật.
 
 

Xem thêm Tin Pháp luật