Hóa giải căng thẳng ở trường học nhờ công tác xã hội

  • www.doanhtri.net
  • 18-12-2017
  • 622 lượt xem

 

Ngăn ngừa bạo lực học đường, tình trạng bỏ học, giáo dục kỹ năng sống… là nhiệm vụ chính của công tác xã hội trong trường học. 

Tại hội thảo quốc tế “Giải pháp phát triển công tác xã hội trong trường học ở Việt Nam” do Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 15/12, nhiều người tỏ ra lo ngại trước các vấn đề học sinh gặp phải trong trường học, như: áp lực học tập, bạo lực học đường, mâu thuẫn với giáo viên...

TS Nguyễn Thị Hà Lan (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết theo nghiên cứu của tổ chức UNICEF năm 2017 về Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam, phần lớn trong số 110 người tham gia phỏng vấn tại Hà Nội, TP HCM và Điện Biên xác định áp lực học tập ở trường là một trong những nỗi lo chính.

Ngoài những áp lực khi chưa làm bài tốt, bị điểm kém hoặc khi có các kỳ thi quan trọng, các em còn cảm thấy stress trầm trọng hơn khi bị so sánh điểm số với bạn khác và phải ganh đua trong học tập. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tâm thần của các em, nhiều em bị trầm cảm.

 

hoa-giai-cang-thang-o-truong-hoc-nho-cong-tac-xa-hoi

TS Nguyễn Thị Hà Lan thông tin về những vấn đề nổi cộm trong trường học ở Việt Nam hiện nay. Ảnh: Dương Tâm

Một nghiên cứu khác về sức khỏe tâm thần của UNICEF năm 2017 khảo sát với 402 học sinh cho thấy tỷ lệ trẻ có dấu hiệu cảm xúc bất thường chiếm gần 20%, số học sinh có vấn đề về hành vi, ứng xử như mất tự chủ, dễ nổi giận.

Về bắt nạt tại trường học, một nghiên cứu được tiến hành năm 2014 với 3.000 học sinh tại 30 trường THCS và THPT tại Hà Nội cho thấy khoảng 80% từng bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần. Trong đó, bạo lực tinh thần như mắng chửi, đe dọa, đặt điều, sỉ nhục chiếm cao nhất 73%; bạo lực thể chất như tát, xô đẩy, đá, bạt tai, đánh đập chiếm 41% và bạo lực tình dụng như sờ, hôn, hiếp dâm chiếm 19%.

Ngoài ra, mâu thuẫn với giáo viên hoặc cán bộ khác trong trường cũng là yếu tố khiến học sinh dễ bị trầm cảm, trong khi lạm dụng thể chất và tình cảm từ giáo viên hoặc cán bộ khác trong trường lại khiến các em dễ rơi vào tình trạng lo âu.

Từ thực tế trên, bà Lan cho rằng cần phát triển công tác xã hội học đường để đáp ứng nhu cầu thực tiễn ở Việt Nam. Công tác này cần tập trung ở ba cấp độ: phòng ngừa; can thiệt; phục hồi và phát triển.

Ở cấp độ phòng ngừa, nhân viên làm công tác xã hội cần nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhân viên trường về phát triển tâm lý xã hội của học sinh và những khó khăn của họ tại trường học.

Ở cấp độ can thiệp, các dịch vụ công tác xã hội của trường có thể giải quyết các rối loạn tâm lý và tâm thần của học sinh thông qua dịch vụ trực tiếp như tư vấn, quản lý trường hợp, các hoạt động nhóm. Các nhân viên xã hội của trường cũng có thể tổ chức việc huấn luyện cho phụ huynh học sinh để hỗ trợ và hợp tác với giáo viên trong việc giúp đỡ các em làm việc tại trường.

Ở cấp độ phục hồi và phát triển, công tác xã hội của trường học có thể liên quan đến việc cung cấp các hoạt động nhóm và hỗ trợ tạo ra môi trường lành mạnh cho học sinh, sinh viên.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các dịch vụ công tác xã hội giúp giải quyết các vấn đề phát sinh từ trường học. Do đó, cần có kế hoạch chiến lược để hỗ trợ phát triển công tác xã hội của trường vì lợi ích tốt nhất của học sinh”, bà Lan nói.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh (Hiệu trưởng Đại học Giáo dục) cho biết thực tế ở các nước trên thế giới, công tác xã hội trường học có vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề của nhà trường thông qua quá trình tác động vào bốn đối tượng chính là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

“Ngăn ngừa bạo lực học đường, tình trạng bỏ học, giải quyết mối quan hệ bạn bè, thầy cô, kết nối gia đình và nhà trường, giáo dục các kỹ năng sống… là những nhiệm vụ chính của công tác xã hội trong trường học", ông Thanh nói và cho rằng công tác xã hội trong trường học cần được đẩy mạnh ở Việt Nam để phù hợp với thực tế hiện nay.

 

Năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt "Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020" (Đề án 32). Công tác xã hội chính thức được coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức. Tuy nhiên, nghề này ở Việt Nam mới ở bước đầu hình thành.

Về đào tạo nhân lực ngành công tác xã hội, đến nay cả nước đã có 60 trường tuyển sinh, đào tạo ở trình độ cao đẳng và đại học, trong đó có tám trường đào tạo trình độ thạc sĩ và hai trường đào tạo tiến sĩ.

 

Dương Tâm    vnexpress.net

 

 

Xem thêm Thời sự