Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất khẩu đang có chiều hướng gia tăng

  • www.doanhtri.net
  • 14-07-2020
  • 471 lượt xem
Linh kiện được nhập khẩu riêng lẻ sau đó được lắp ráp hoàn chỉnh tại Việt Nam để xuất khẩu
 
Theo Tổng Cục Hải quan, thời gian qua để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật, tình trạng hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ đang có chiều hướng gia tăng.
 
Ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.
 
Với việc chính thức áp đặt bổ sung các mức thuế (bao gồm các sắc thuế: Thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp xuất khẩu) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung xảy ra, mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc từ 7,5-285% tùy theo mặt hàng dẫn đến sự chênh lệch về thuế giữa hàng hóa từ Việt Nam và hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
 
Trong số các ngành hàng của Trung Quốc bị áp đặt bổ sung thuế, có nhiều ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch tăng đột biến như: đồ điện tử, hàng may mặc, da giày, xe đạp, đồ gỗ nội thất, mặt hàng sắt thép, tấm pin năng lượng mặt trời.
 
Để trốn tránh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường nêu trên, thời gian qua, xuất hiện hiện tượng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.
 
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng KTSTQ và Cục Điều tra chống buôn lậu tiến hành thu thập thông tin, phân tích đánh giá các nguy cơ gian lận xuất xứ và thực hiện công tác điều tra, xác minh.
 
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành hải quan đã thực hiện kiểm tra, điều tra xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; đặc biệt, phối hợp với Bộ Công an điều tra 1 vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O).
 
Điển hình, lực lượng hải quan đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh phụ kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Số tiền thu qua xử phạt hơn phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu).
 
Đối với nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện, qua thực hiện kiểm tra sau thông quan 4 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ, đã phát hiện vi phạm xuất xứ 4/4 doanh nghiệp.
 
Theo đại diện Cục kiểm tra sau thông quan, thủ đoạn vi phạm của DN là nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh. Các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào khác hoặc chỉ trải qua các công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa (như gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in nhãn cho một số sản phẩm) để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh.
 
Đối với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, lực lượng hải quan đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 5 DN và 100% có vi phạm xuất xứ Việt Nam. Ở nhóm hàng này, DN xuất khẩu tấm module năng lượng mặt trời được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là các tấm tế bào quang điện được DN mua từ các nhà cung cấp sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Trong đó, các tấm Module năng lượng mặt trời xuất khẩu của DN được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài không đáp ứng tiêu chí xuất xứ CTSH để được công nhận là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam theo quy định.
 
Với nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất từ gỗ, thực hiện kiểm tra sau thông quan 12 DN thì cả 12 DN đều vi phạm C/O Việt Nam. Trong đó, DN nhập khẩu (hoặc mua lại từ hàng nhập khẩu) dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc nhập khẩu ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (khoan lỗ, chà nhám và sơn) để lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh (tủ, giá sách, giường, bàn sofa, bàn trà, bàn cocktail).
 
Theo chuyên gia xuất nhập khẩu Nguyễn Lý Trường An – Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, đa số DN muốn gắn xuất xứ hàng Việt Nam đều có ý đồ từ đầu. Như vậy Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Bộ Công thương phải có trách nhiệm rà soát các DN xin C/O, đặc biệt là các đơn vị mới thành lập, để đảm bảo DN đủ điều kiện để xin C/O.
 
Cơ quan hải quan cũng phải có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ trong việc rà soát hàng hóa xuất khẩu để đảm bảo C/O được cấp là phù hợp. Khi đã nghi ngờ, cơ quan hải quan cho dừng thông quan để kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cơ sở sản xuất… nên rất dễ để biết hàng đủ hay không đủ điều kiện gắn xuất xứ Việt, không cần thiết đi “cãi” nhau với DN làm gì.
 
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Nguyễn Tiến Lộc khẳng định: Tổng cục Hải quan xác định hoạt động KTSTQ, điều tra xác minh hành vi gian lận C/O, chuyển tải bất hợp pháp là hoạt động trọng tâm của ngành trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Từ kết quả triển khai giai đoạn 1, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai kế hoạch định hướng giai đoạn 2 để mở rộng kiểm tra, xác minh hành vi gian lận xuất xứ đối với nhiều DN khác.
 

Xem thêm Thời sự