Hàng trăm ngàn giáo viên sẽ phải 'đào tạo lại'

  • www.doanhtri.net
  • 06-07-2020
  • 363 lượt xem
Theo Bộ GD-ĐT, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên thực hiện qua 2 giai đoạn (ảnh mang tính chất minh họa) /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
 
Thực hiện theo luật Giáo dục 2019, có những giáo viên (GV) sẽ được nâng chuẩn rất nặng, như GV tiểu học từ chuẩn trung cấp “vọt” lên thành đại học. Vậy Bộ có lộ trình nào để thực hiện việc nâng chuẩn này?
 
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết theo lộ trình và độ tuổi phải thực hiện nâng trình độ chuẩn theo phương án đề xuất của dự thảo nghị định, thì tổng số GV phải thực hiện việc này (tính đến 15.12.2019) là 257.506 người. Trong đó, GV mầm non là 89.607 người (công lập 40.158, ngoài công lập 49.449), GV tiểu học 116.846 người (công lập 114.972, ngoài công lập 1.847), GV THCS 51.053 người (công lập 50.752, ngoài công lập 301).
 
Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của GV được thực hiện từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2030 với 2 giai đoạn: Từ 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số GV phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp. Từ 1.1.2026 đến hết 31.12.2030, thực hiện nâng chuẩn đối với số GV còn lại để bảo đảm 100% số GV của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định.
 
Cụ thể, đối với GV mầm non: Giai đoạn 1, từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số GV đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Giai đoạn 2, từ ngày 1.1.2026 đến hết ngày 31.12.2030, thực hiện đối với số GV còn lại.
Đối với GV tiểu học: Giai đoạn 1, từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số GV đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân. Giai đoạn 2, từ ngày 1.1.2026 đến hết ngày 31.12.2030, thực hiện đối với số GV còn lại.
 
Đối với GV THCS: Giai đoạn 1, từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số GV đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân. Giai đoạn 2, từ ngày 1.1.2026 đến hết ngày 31.12.2030, thực hiện đối với số GV còn lại.
 
Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của GV mầm non, tiểu học, THCS được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo GV trên cơ sở kế hoạch thực hiện hằng năm của các địa phương.
 
Việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nâng trình độ chuẩn của GV thực hiện theo các quy định hiện hành về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Đơn giá thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu việc đào tạo nâng trình độ chuẩn GV được xác định bằng mức hỗ trợ tiền đóng học phí đối với sinh viên sư phạm theo quy định hiện hành của pháp luật.
 
Nghị định số 71/2020/NĐ-CP mà Chính phủ vừa mới ban hành quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS. Theo quy định, đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo gồm 3 đối tượng cụ thể:
 
Một là, GV mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1.7.2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
 
Hai là, GV tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1.7.2020 còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đối với GV có trình độ trung cấp, còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đối với GV có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
 
Ba là, GV THCS chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1.7.2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
 
 

Xem thêm Thời sự