Góc kinh tế học: Nếu phá giá tiền tệ có lợi thì tại sao không phải nước nào cũng phá giá?

  • www.doanhtri.net
  • 19-08-2019
  • 801 lượt xem

Việc phá giá tiền tệ có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng để đơn giản cho bạn đọc dễ hiểu, bài viết này sẽ lấy ví dụ về việc phá giá tiền tệ của Trung Quốc mới đây.

 

Diễn biến đơn giản nhất của chiến tranh tiền tệ có thể được miêu tả như sau: Trước khi chiến tranh tiền tệ xảy ra, 1 đồng USD chỉ đổi được trung bình 6,8 đồng CNY. Nhưng sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phá giá, 1 đồng USD đã đổi được hơn 7 đồng CNY.

Giả sử 1 quả trứng có giá 1 CNY (cũng gần đúng vì 1 CNY khoảng hơn 3.000 VND). Một người có 10 USD trước mua được 68 quả, giờ sẽ mua được 70 quả.

Nếu trước đó người này mua được 69 quả trứng ở quốc gia nào đó (rẻ hơn Trung Quốc trước đây) thì giờ anh ta có thể sẽ cân nhắc sang Trung Quốc mua trứng, vì rẻ hơn. Việc phá giá đồng tiền chính là một cách gián tiếp để giảm giá toàn bộ các sản phẩm trên thị trường.

Giá giảm thì cầu tăng. Đây là cách để một quốc gia có thể tăng cường xuất khẩu vì hàng hóa của họ sẽ trở nên rẻ hơn một cách tương đối so với các quốc gia khác. Việc có thể bán được nhiều hàng hóa hơn sẽ kéo lại được sự trì trệ của nền kinh tế. Người thất nghiệp cũng từ đó mà có cơ hội có việc làm.

 
Góc kinh tế học: Nếu phá giá tiền tệ có lợi thì tại sao không phải nước nào cũng phá giá? - Ảnh 1.

Nếu phá giá tiền tệ có lợi đến thế thì tại sao không phải nước nào cũng phá giá? Nó cũng tồn tại nhiều nhược điểm, và đôi khi có thể hủy hoại nền kinh tế nếu như không được cân nhắc kỹ lưỡng.

Nếu ngược lại phép toán chuyển đổi, giả sử trước đây người Trung Quốc có thể dùng 68 CNY để mua 1 kg bò Mỹ giá 10 USD, thì giờ phải mấy đến hơn 70 CNY.

Giảm giá tiền tệ, từ trước tới giờ, không bao giờ là một chiến thuật được dân chúng ưa chuộng. Vì nó làm giảm đi mức sống của người dân cũng như khả năng mua sắm khi họ mua hàng hóa nhập khẩu hay khi đi ra nước ngoài.

Nó cũng có thể dẫn tới lạm phát. Phá giá tiền tệ có thể khiến việc trả lãi những món nợ quốc tế trở nên đắt hơn, nếu phải trả bằng tiền ngoại tệ.

Dù thế, khi một quốc gia có nạn thất nghiệp cao hay muốn theo đuổi chính sách tăng trưởng xuất khẩu, tỷ giá hối đoái thấp hơn là một lợi thế. Từ đầu thập niên 1980, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đề xuất phá giá tiền tệ là một trong những giải pháp cho các quốc gia đang phát triển theo định hướng xuất khẩu nhưng lại bị nhập siêu.

Nhưng xu hướng này cũng không phát huy tác động tức thì, vì các hợp đồng đã thoả thuận trên cơ sở tỷ giá cũ, người mua cần có thời gian để điều chỉnh hành vi trước mức giá mới. Và đối với người bán thì việc dồn các nguồn lực vào và tổ chức sản xuất không thể tiến hành nhanh chóng được. Như vậy trong ngắn hạn thì số lượng hàng xuất khẩu không tăng mạnh và số lượng hàng nhập khẩu không giảm mạnh.

Trong trung hạn, nếu nền kinh tế đang ở dưới mức sản lượng tiềm năng (vẫn còn có thể sản xuất thêm vì nhiều người còn thất nghiệp, nhiều máy móc còn bỏ không) thì các nguồn lực nhàn rỗi sẽ được huy động vào sản xuất và làm tăng tổng cung.

Còn trong trường hợp nền kinh tế đã ở mức sản lượng tiềm năng (thất nghiệp thấp, tư bản đã tận dụng gần như tối ưu) thì không thể huy động các nguồn lực thêm nhiều. Do đó tổng cung cũng chỉ tăng lên rất ít.

Hoàng An    Theo Trí thức trẻ

Xem thêm Tài chính