GIÁO DỤC - TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI
Lê Quý Minh

  • www.doanhtri.net
  • 08-09-2018
  • 2104 lượt xem

Ông cha ta thường nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, hay ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, hoặc cha nào con nấy, hổ phụ sinh hổ tử vv…”. 

Tôi tin chắc rằng mọi người sẽ đồng tình và có cùng suy nghĩ với tôi rằng những câu nói trên hàm chứa chung một vấn đề, đó là cách ứng xử về văn hóa như đã nêu là theo lối tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Như chúng ta đã biết đất nước ta phải chịu ách đô hộ của thực dân phong kiến, rồi chiến tranh tàn khốc. Cho đến nay đã 43 năm thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng ta đã đạt được kết quả bước đầu, đó là phát triển kinh tế, an sinh xã hội được nâng lên. Nhiều lĩnh vực của đời sống nhân dân được cải thiện, xong cũng không thể nói đến những thiếu sót còn tồn tại khiến dư luận xã hội quan tâm. Thiếu sót yếu kém tồn tại thì rất nhiều, với góc độ nhỏ hẹp của mỗi cá nhân sẽ không phản ánh hết được. Nên tôi xin nêu một vấn đề cốt lõi để chúng ta cùng nhìn nhận đánh giá một cách khách quan, để mỗi cá nhân tự điều chỉnh mình trước khi nhà nước có chính sách phù hợp về giáo dục. 
Gần đây dư luận xã hội quan tâm đến bộ sách giáo khoa Tiếng Việt cải cách của giáo sư Hồ Ngọc Đại, khiến cho các bậc phụ huynh băn khoăn không biết họ sẽ dạy con của mình như thế nào khi ở trường về nhà, vì nói đến giáo dục là phải nói đến vai trò trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội, được bảo vệ và phát huy vai trò của nó bằng pháp luật.

Trước hết xin nói đến vai trò của mỗi cá nhân, nếu trong một gia đình có nhiều cá nhân, mà mỗi cá nhân ấy tốt sẽ có gia đình tốt. Nhiều gia đình tốt sẽ có xã hội tốt. Nếu cá nhân tốt thì dù ở vị trí nào, họ cũng thể hiện được tinh thần và trách nhiệm của mình. Nếu muốn cá nhân tốt thì điều đầu tiên phải có giáo dục tốt. Có người phát biểu rằng trong gia đình cha mẹ không cần giáo dục con, cô giáo dạy ở nhà trường là đủ, điều này là hoàn toàn không đúng. 

Để chứng minh điều này tôi xin nêu một ví dụ sau: 

Mỗi cá nhân trong xã hội từ khi còn trong bụng mẹ rồi sinh ra được sự chăm sóc nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà, người thân, đứa trẻ được dạy văn hóa (văn hóa là ứng xử - dạ, thưa, cám ơn, xin lỗi) bập bẹ từ câu nói đầu tiên, rồi dạy tập đi, dạy lễ phép với mọi người, khi đến tuổi cắp sách đến trường, được xã hội trang bị kiến thức (gọi là học vấn). Khi có văn hóa, có học vấn, chúng ta sẽ có văn minh, (văn minh là tạo ra các giá trị vật chất vv … phục vụ cho đời sống con người).

Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói "Vì lợi ích trăm năm phải trồng người" Vấn đề ở đây là ai trồng, và trồng khi nào?

Quan điểm của tôi về vấn đề thứ nhất “AI TRỒNG NGƯỜI”:

Rõ ràng ai cũng thấy đó là những người làm cha làm mẹ, rồi đến một độ tuổi nhất định đứa trẻ đến trường để trang bị kiến thức, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thì gia đình và xã hội cùng chịu trách nhiệm. 

Vấn đề thứ hai: “TRỒNG KHI NÀO”. Chắc chắn ai cũng thấy đó là từ khi chúng ta mới lọt lòng mẹ, chứ không phải từ khi cắp sách đến trường.

Để trồng người tốt thì trách nhiệm của xã hội là xây dựng cơ chế chính sách, những quy định của pháp luật, phương pháp và nội dụng giáo dục để thúc đẩy giáo dục phát triển, hướng tới một nền văn hóa văn minh nhân loại.

Nói đến cơ chế chính sách, phương pháp và nội dung giáo dục của Đảng và Nhà nước hiện nay rõ ràng còn nhiều bất cập, còn loay hoay thẩm định trong cải cách giáo dục, điều đó thể hiện phần nào yếu kém của chúng ta, đặc biệt chúng ta chưa xác định được ai là người thầy, nên chưa có chương trình và nội dung để đào tạo ra người thầy đúng nghĩa. Nếu nói đến đối tượng để đào tạo trở thành người thầy, phải nói đến người làm cha làm mẹ, chính người làm cha làm mẹ là người thầy đầu tiên giúp chúng ta có nhận thức đúng đắn về đạo làm người, sau đó mới đến người thầy thứ hai là dạy học chữ "Tiên học lễ, hậu học văn". Cả hai người thầy ấy đều quan trọng như nhau cùng nhau phối hợp trong giáo dục và phải có kiến thức cơ bản về giáo dục. Thử hỏi trong xã hội hiện nay có bao nhiêu người đã, đang và sẽ làm cha làm mẹ, trong số những người cha người mẹ ấy, có bao nhiêu người được trang bị kiến thức giáo dục con, và giáo dục con đúng cách, bao nhiêu người không biết giáo dục con, tôi có thể nói rằng cái nền tảng ban đầu quan trọng ấy hiện nay xã hội còn bỏ ngỏ, ngay chính bản thân tôi, và tôi tin chắc rằng sẽ còn nhiều bậc phụ huynh giáo dục con không đúng cách, vì không được trang bị kiến thức giáo dục, nên không biết sẽ phải dạy con như thế nào. Đây là việc của Đảng, Nhà nước, và của cả xã hội, do vậy cần phải có cơ chế chính sách và định hướng giáo dục đúng đắn để những người làm cha làm mẹ thực hiện tốt chức năng của mình.

Muốn làm tốt công tác giáo dục cần phải có sự chung tay góp sức của cả xã hội, các nhà khoa học để đánh giá đúng, định hướng đúng, từ đó có chương trình giáo dục ban đầu để trang bị kiến thức cho các bậc phụ huynh về phương pháp và nội dung giáo dục theo từng giao đoạn phát triển của trẻ, phải xác định giáo dục ban đầu là nền tảng được ví như muốn làm một ngôi nhà vững chắc chúng ta phải làm móng trước rồi mới xây nhà được.

Ý kiến trên của tôi chỉ là phản biện cá nhân theo chủ quan của mình về vấn đề giáo dục, chắc chắn chưa nêu hết những quan điểm chung của cả xã hội, mong sao mọi người cùng chung tay xây dựng để giáo dục Việt Nam hoàn thiện và phát triển.

LÊ QUÝ MINH

Xem thêm Văn Nghệ