GIA LAI – ĐÔI MẮT PLEIKU BIỂN HỒ ĐẦY
Rơ Lan H’ Hà

  • www.doanhtri.net
  • 21-04-2018
  • 3456 lượt xem

Được nhận vào làm việc tại một cơ quan quản lí du lịch, tôi được phân công trở về Gia Lai – vùng đất đỏ bazan tươi đẹp với những con người chất phác, thật thà. Sinh ra và lớn lên tại đây chắc hẳn trong tôi sẽ chứa đựng rất nhiều tình cảm và hiểu biết về Gia Lai hơn ai hết, đó chính là những động lực lớn nhất mà tôi có thể thành công khi được trở lại quê hương để giới thiệu cho bạn bè năm châu biết đến nơi này .

“Em sinh ra trên vùng đất đỏ, sương mù, tên gọi là Pleiku, bình minh lên với bức tranh tuyệt vời” hay “những bàn chân, bàn chân trần trên đất bước đi vội vã bồi hồi, tiếng hú bay xa chín suối mười đồi, cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức, đêm trong veo trong veo, nhà rông bập bùng ánh lửa, cô gái Jrai hát câu gì, hát câu gì mà trăng nhô lên”. Đó là những câu hát viết về Gia Lai chân tình mà khắc hoạ được những vẻ đẹp của vùng đất Tây Nguyên.

Gia Lai có diện tích lớn thứ hai trong cả nước, nơi đây được bao bọc bởi những ngọn núi bạt ngàn với hương thơm ngào ngạt của hoa cúc quỳ, hoa Ê Pan, đặc biệt là hoa cà phê và cùng các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào thiểu số đang sinh sống tại nơi đây.

Đến Gia Lai, tôi muốn giới thiệu cho các bạn một số địa điểm như núi Hàm Rồng, được bao bọc bởi sương mù vào sáng sớm hoặc tối đến, hay nhà Rông – một kiến trúc vô cùng độc đáo của người dân để cùng nhau tụ họp, quây quần bên bếp lửa. Có lẽ tạo nên vẻ đẹp kì diệu nhất chính là Biển Hồ hay được gọi là Hồ T’nưng. Có lẽ vì rộng nên được gọi là Biển Hồ. Ở nơi đây rất thú vị, nước trong vắt, xung quanh được bao bọc bởi rừng thông, nép mình giữa những dải đồi uốn lượn cùng vườn hoa khổng lồ, tựa vòng tay huyền bí của người mẹ hiền đang che chở cho Biển Hồ, có thể là hoa cúc quỳ, sự kiêu sa của hoa gạo đỏ rực, màu xanh lục của hoa Ê pan. Chính những điều ấy đã tô điểm thêm nét đẹp của Gia Lai. Biển Hồ là miệng núi lửa ngừng hoạt động hàng triệu năm, nó có hình bầu dục. Khi nhìn từ trên cao xuống, ta có thể hình dung như ánh mắt tuyệt đẹp, đầy sức hút của con người. Chính vì thế nhạc sĩ Nguyễn Cường đã viết “ Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy.”. Nếu có thời gian nán lại nơi này để quan sát, ta sẽ thấy sự chuyển biến tuyệt diệu của nơi này, có thể là màu xanh ngọc bích vào buổi sáng, trưa đến nước lại chuyển sang màu tím biếc bởi nó như hấp thụ hết ánh sáng mặt trời, tạo ra những sáng vàng in trên bờ hồ. Hoàng hôn trên sườn đồi có cả đàn chim lũ lượt bay về tạo nên những bản nhạc trầm mùa đông. Vào những mùa se lạnh, sương khói lại lũ lượt kéo về tạo nên vẻ đẹp hư hư ảo ảo.

Nơi đây chính là linh hồn của con người Gia Lai khi những câu chuyện huyền thoại vẫn luôn được lưu truyền từ đời này sang đời khác, đó có thể là câu chuyện của người dân trong một làng nọ, ban đầu cuộc sống rất sung túc, nhưng bất ngờ một năm mọi cây cối, sinh vật chết, họ nghĩ do Yàng giận nên đã kiếm con heo trắng của Yã Chao làm lễ cúng. Sau khi ăn xong, cả vùng bị sập, kéo người dân bị mất.

Nhưng vẫn còn nhiều câu chuyện khác giải thích sự xuất hiện của Biển Hồ. Đến nơi này, bạn có thể du ngoạn bằng thuyền máy, độc mộc, không khí rất mát, trong lành. Ngoài ra, các bạn còn có thể được ngắm những công trình nghệ thuật của người đồng bào thiểu số, được tiếp xúc với các lễ hội truyền thống độc đáo của người dân như: lễ hội đâm trâu của người Jrai, lễ hội cồng chiêng được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hoá phi vật thể truyền khẩu từ ngày 25/11/2005.

Gia Lai – xứ sở của những con người đầy nắng gió, khoẻ khoắn, chất phác, thật thà đã tạo nên những điểm nhấn rất riêng cho vùng đất này. Chợt tỉnh giấc, tôi bất giác nhớ lại giấc mơ, hương thơm ngào ngạt của hoa cà phê, ánh nắng dịu hiền của Biển Hồ mãi ngân vang cùng năm tháng. Thật kỳ diệu sau giấc mơ ấy, tôi muốn được làm gì đó để đóng góp những ý tưởng của mình để phát triển vùng đất Gia Lai – Hoa của núi rừng. Tôi tự hào về những vẻ đẹp thơ mộng ấy của quê hương.

 Rơ Lan H’ Hà

Xem thêm Văn Nghệ