Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần thiết kế cơ chế thực thi giám sát của công dân

  • www.doanhtri.net
  • 14-03-2023
  • 677 lượt xem
Toàn cảnh hội thảo
 
(Pháp lý) Ngày 11/03, Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế (IBLA) tổ chức Hội thảo góp ý Luật đất đai (sửa đổi). Tại hội thảo, các nhà khoa học và luật gia đã phát huy trí tuệ, tâm huyết tham gia nhiều ý kiến có giá trị vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
 
Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Viện trưởng Viện IBLA; GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội, Phó viện trưởng Viện IBLA; PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội; ông Vũ Trọng Khang, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại TPHCM... cùng nhà khoa học và các luật gia Viện IBLA.
 
Cần tiếp tục làm rõ quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu đất đai
 
Tại hội thảo, luật gia Nguyễn Văn Kích, nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó viện trưởng Viện IBLA đặt vấn đề cần làm rõ khái niệm và thuật ngữ “Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai”, đại diện cho ai?
 
Luật gia Nguyễn Văn Kích đặt vấn đề: Thế nào là sở hữu toàn dân, nội hàm và ngoại diễn của khái niệm này? Ai cũng nói nhưng không hiểu thực chất nội hàm, ngoại diễn của nó ra sao, dẫn đến giải thích tùy hứng theo lợi ích cục bộ của tổ chức và cá nhân, của quan chức chính quyền các cấp, giải thích theo quyền lực, chưa theo đại diện chủ sở hữu. Vậy “Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai”. Đại diện cho ai?
 
Hầu như tất cả các điều, cụ thể từ điều 14 đến điều 241 của Dự thảo Luật đều xuyên suốt vấn đề: Nhà nước là chủ sở hữu đích thực của đất đai trên tất cả các lĩnh vực chiều rộng và chiều sâu, có toàn quyền quyết định, nhưng lại chưa có nội dung, điều khoản nào về Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân.
 
Ông Kích nhấn mạnh thêm, quy định về quyền hạn của Nhà nước rất lớn nhưng chưa có quy định về quyền hạn của chủ sở hữu toàn dân? Chưa có điều khoản chế tài kiểm soát quyền lực chính quyền các cấp trong thực thi các quy trình về đất đai như: quy hoạch, giao đất, đấu thầu, định giá, mua bán...
 
Do đó, nhất thiết phải có cơ chế công khai, minh bạch việc giám sát, kiểm tra, thanh tra về quyền lực và sử dụng quyền lực của bộ máy chính quyền các cấp trong quản lý đất đai.
 
Luật gia Nguyễn Văn Kích trao đổi thêm tại Điều 222 về Giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai: Công dân tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai; Việc giám sát và phản ánh phải bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật; không được lợi dụng quyền giám sát để khiếu nại, tố cáo không đúng quy định của pháp luật, làm mất trật tự xã hội; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác các thông tin do mình phản ánh; thông báo kết quả cho tổ chức, cá nhân đã phản ánh.
 
Luật gia Nguyễn Văn Kích đề xuất để nội dung giám sát có thực chất, tránh hình thức và ngăn chặn việc hợp thức hóa quyền lực của chính quyền các cấp, nhất thiết có một điều khoản về: Cơ chế thực thi giám sát của công dân, bảo đảm tính độc lập, công khai. Cần thiết có quy định về sử dụng Tư vấn độc lập trong giúp công dân thực thi giám sát.
 
Cần quy định rõ điều kiện thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
 
Liên quan đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nghiên cứu khoản 2, 3 và 4 Điều 78 của dự thảo Luật, Luật gia Nguyễn Văn Kích đánh giá hiện các dự án được liệt kê tại khoản 2 mới chỉ mang tính liệt kê tên dự án mà chưa có điều kiện, tiêu chí cụ thể; các dự án được liệt kê tại khoản 3 được nêu một số tiêu chí, điều kiện tại khoản 4 theo hướng cụ thể hoá từng dự án tại khoản 3 nhưng vẫn theo hướng nêu tên dự án và tiêu chí, điều kiện bổ sung mà chưa thể hiện tiêu chí để xác định một dự án có đúng là thuộc trường hợp được nêu tên hay không.
 
Luật gia Nguyễn Văn Kích phát biểu tại hội thảo
 
Trên thực tế hai dự án cùng tên gọi nhưng có thể có những phạm vi, mục tiêu khác nhau, trong nhiều trường hợp có phạm vi, mục tiêu “phức hợp”, đa mục đích. Điều này sẽ dẫn tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp khó khăn để phân biệt và “định lượng” một dự án chỉ cần có tên dự án bao gồm một trong các loại dự án được thu hồi đất theo quy định đã thoả mãn điều kiện thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay chưa?
 
Luật gia Kích đề xuất bổ sung một quy định tại Điều 78 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về việc một dự án được nêu tên tại khoản 2 và 3 của Điều 78 cần đáp ứng tiêu chỉ có ít nhất 70-80% diện tích sử dụng đất của dự án hoặc ít nhất 70-80% các công trình của dự án theo đúng loại hình dự án được nêu tên thì sẽ được áp dụng Nhà nước thu hồi đất.
 
Cần bổ sung cơ chế về tài chính liên quan đến đất đai để chống đầu cơ đất
 
Tại Điều 130 về Bảng giá đất: Căn cứ nguyên tắc, quy chuẩn, phương pháp định giá đất, giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
 
Về "Giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất", Luật gia Nguyễn Văn Kích đề nghị giải thích rõ khái niệm giá đất phổ biến trên thị trường: Nội hàm, ngoại diễn của khái niệm; Thế nào là phổ biến? Ai xác định tính phổ biến, quyền của người bị thu hồi về tính minh bạch công khai của giá đất phố biến... Nếu không làm rõ các vấn đề trên sẽ dẫn đến tùy tiện trong định giá như hiện nay.
 
Đối với nhóm chính sách thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhà nước xem xét tới các khía cạnh, yếu tố khác nhau về việc thu hồi đất, bồi thường đất, nhưng việc triển khai dự án không đúng, không phù hợp, sai lệch thiết kế, dẫn tới quyền lợi của người dân chưa được đảm bảo thì Dự thảo luật lại chưa xây dựng được quy định cụ thể để giải quyết trường hợp này.
 
Thực tế xảy ra nhiều trường hợp dự án chậm hàng chục năm hoặc không triển khai được nữa, cũng không thu hồi được dự án, do đó, làm thiệt hại tới Nhà nước, cộng đồng, người dân ở xung quanh và trực tiếp liên quan tới dự án. Trách nhiệm mà chủ đầu tư bị gánh chịu chỉ là bị thu hồi mà không phải đền bù, không phải gánh chịu bồi thường thiệt hại cho việc chậm trễ triển khai dự án này.
 
“Vì vậy, cần phải có quy định trách nhiệm tương ứng về việc chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại, chịu phạt cho Nhà nước nói chung và bao gồm người dân khi triển khai dự án liên quan tới việc trả quyền lợi cho người dân trong dự án. Bên cạnh đó, cần thiết bổ sung cơ chế về tài chính để chống đầu cơ đất đai, bởi hiện nay, giá đất không phù hợp với điều kiện kinh tế hiện trạng. Lý do là đầu cơ đất đai, dẫn tới người có nhu cầu sử dụng sau cùng bị mua cao hơn nhiều lần so với giá hiện trạng. Nếu xây dựng được cơ chế, biện pháp tránh mua nhiều đất, sở hữu nhiều nhà, thì sẽ không còn hiện tượng buôn đất, buôn nhà”, ông đề nghị thêm.
 
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn cho biết thêm, quy định về chống tham ô, tham nhũng thì nhiều, nhưng chưa ai đặt vấn đề chống lãng phí về nhà đất, lãng phí đất đai. Việc phổ biến và giải thích rõ về luật cần được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Tình trạng người dân, doanh nghiệp không nắm rõ luật nói chung, luật đất đai nói riêng, ngay cả ở nhiều nơi, cán bộ thực thi pháp luật cũng không hiểu rõ về pháp luật rất nhiều hoặc mỗi nơi hiểu một cách khác nhau. Đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm.
 
Tiến sĩ Sơn cũng băn khoăn về đề xuất qui định nhà ở chung cư có thời hạn, đây là vấn đề những nhà làm luật và Chính phủ cần cân nhắc tránh ảnh hưởng tới quyền lợi tài sản của người dân cũng như cần phải minh bạch, rõ ràng và công khai trong quy hoạch quyền sử dụng đất.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng viện IBLA phát biểu tại hội thảo
 
Làm rõ hơn nội dung về bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai
 
Luật gia Nguyễn Thị Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở nội vụ TPHCM đặt vấn đề: quyền bình đẳng giới nói chung và quyền bình đẳng của phụ nữ trong tiếp cận đất đai nói riêng đã được Hiến pháp và các văn bản luật khác như Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới và Luật Hôn nhân và Gia đình... thừa nhận và bảo hộ.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi các quyền của phụ nữ trong lĩnh vực đất đai vẫn còn vướng phải nhiều hạn chế, một mặt do quan niệm và tập quán truyền thống “trọng nam, khinh nữ" trong cộng đồng và gia đình, mặt khác do hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật chưa cao của một bộ phận người dân nói chung và bản thân phụ nữ nói riêng...
 
Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là yếu tố quan trọng đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, thực tế triển khai quy định này cho thấy còn nhiều vướng mắc, bất cập...
 
Bên cạnh đó, quyền tiếp cận đất đai đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ ngay cả khi tham gia các giao dịch thế chấp, tặng cho, cho thuê, chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai. Tất cả quyền lợi của người phụ nữ phải được giải quyết dựa trên quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng. Đồng thời, người phụ nữ được hưởng thừa kế về tài sản là đất đai cũng như phân chia tài sản sau ly hôn theo đúng quy định của pháp luật.
 
Điều bất cập là tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ so với nam giới. Hệ quả là người phụ nữ dễ mất quyền với đất đai trong phần lớn trường hợp, nhất là khi vợ chồng ly hôn. Ngoài ra, bất cập từ những quan niệm trong gia đình và xã hội. Về mặt lý thuyết, pháp luật thừa kế của Việt Nam hiện nay đảm bảo sự bình đẳng cho nam và nữ. Nhưng trên thực tế, những quan niệm lạc hậu trong nhiều gia đình đã cản trở quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ. Đa phần di chúc của các gia đình thường không xem xét đến sự bình đẳng giới mà dựa trên những yếu tố ưu tiên nam giới và nối dõi. Chính quan niệm con trai được thừa kế đất hương hỏa của tổ tiên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền sở hữu đất đai của người phụ nữ.
 
Từ những bất cập trên, luật gia Nguyễn Thị Thanh đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được làm rõ hơn, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nội dung về bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai để việc thực hiện trên thực tế có thể đạt được hiệu quả tốt hơn.
 
Luật gia Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung ý: Giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này vào khoản 6, Mục 3, Chương II theo hướng kiên quyết thực hiện cấp đổi từ GCNQSDĐ chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng sang GCNQSDĐ ghi họ, tên của cả vợ và chồng...
 
Một số hình ảnh tại hội thảo:
 
Ông Vũ Trọng Khang-Chủ Tịch Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại TP.HCM (TRACENT)
 
 
 
Trần Hơn – Phan Thịnh
 
Bạn đang đọc bài viết "Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần thiết kế cơ chế thực thi giám sát của công dân" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).
 

Xem thêm Tin Chi hội IBLA